Hủy án sơ thẩm lần 2 vụ chém người quỵt nợ

(ANTĐ) - ANTĐ đã từng đăng loạt bài liên quan đến vụ án chém người quỵt nợ xảy ra tại địa bàn huyện Gia Lâm năm 2008. Tuy nhiên, qua 2 phiên sơ thẩm và 1 phiên phúc thẩm vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ. Trong 2 ngày 17 và 18-8-2010, TAND TP Hà Nội tiếp tục đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm (lần 2), một lần nữa, HĐXX tiếp tục tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra theo thủ tục chung.

Hủy án sơ thẩm lần 2 vụ chém người quỵt nợ

(ANTĐ) - ANTĐ đã từng đăng loạt bài liên quan đến vụ án chém người quỵt nợ xảy ra tại địa bàn huyện Gia Lâm năm 2008. Tuy nhiên, qua 2 phiên sơ thẩm và 1 phiên phúc thẩm vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ. Trong 2 ngày 17 và 18-8-2010, TAND TP Hà Nội tiếp tục đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm (lần 2), một lần nữa, HĐXX tiếp tục tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra theo thủ tục chung.

Các bị cáo nghe HĐXX tuyên hủy án tại phiên tòa chiều qua

Các bị cáo nghe HĐXX tuyên hủy án tại phiên tòa chiều qua

Chủ tịch HĐQT chém người quỵt nợ

Ngày 11-2-2008, anh Nguyễn Đình Bài (SN 1961, trú tại phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) đến nhà Lê Văn Thắng (SN 1963, ở số nhà 78, Dốc Lã, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm - nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP Lưới thép Hà Nội) để đòi số tiền 120 triệu đồng mà Thắng nợ từ năm 2001. Anh Bài chửi Thắng và hai bên xảy ra xô xát. Thắng liền gọi điện đến Công ty cổ phần Lưới thép Hà Nội (nơi Thắng đang làm việc) gặp Nguyễn Kiều Hưng (SN 1975 - Giám đốc công ty), nhờ cử người đến “hỗ trợ”.

Sau đó, Hưng gọi Trịnh Việt Cường (SN 1975, là nhân viên bảo vệ), Lê Quang Thịnh (SN 1983), Nguyễn Mạnh Tiến (SN 1982), Chu Minh Tuân (tức Tân, SN 1975), Nguyễn Mạnh Nghĩa (SN 1985) và Tô Khánh Sơn (SN 1984) đều là công nhân của công ty đến và mang theo dùi cui sắt, dao chặt củi... Khi đến nơi, thấy Thắng và anh Bài đang đánh nhau Cường, Thịnh vào can ngăn thì bị anh Bài dùng mũ bảo hiểm đánh lại. Thấy vậy, Cường dùng dùi cui, còn Thịnh và Thắng dùng dao lao vào đánh, chém anh Bài. Anh Bài đã bỏ chạy về phía Công ty Việt Hà (thuộc địa bàn xã Yên Thường). Thắng cùng đồng bọn tiếp tục truy đuổi, đánh anh Bài, chém 11 nhát vào người, trong đó, 2 vết chém đặc biệt nguy hiểm (một ở đỉnh đầu và một vào cổ). Chỉ đến khi anh Bài gục ngã trước cổng Công ty Việt Hà bọn Cường mới bỏ đi.

Tại Biên bản giám định pháp y số 102/GDPY, ngày 5-3-2008 của Tổ chức Giám định pháp y TP Hà Nội kết luận: Tỷ lệ tổn hại sức khỏe của anh Nguyễn Đình Bài là 29%. Còn tại Biên bản giám định số 38/PY-GĐ ngày 25-2-2009, của Viện Pháp y Quân đội kết luận: Tỷ lệ thương tật của anh Nguyễn Đình Bài là 37% tạm thời (trong đó 16% vĩnh viễn).

Tiếp tục hủy án sơ thẩm

Tháng 4-2009, TAND huyện Gia Lâm mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Lê Văn Thắng, Trịnh Việt Cường và Lê Quang Thịnh về tội “Cố ý gây thương tích”. Tại phiên tòa, HĐXX nhận định, thấy có đủ căn cứ xác định các bị cáo phạm tội “Giết người” nên kiến nghị với TAND cấp trên xem xét về tội danh đối với 3 bị cáo Thắng, Cường và Thịnh.

Liên quan đến vụ án, HĐXX còn khẳng định: “Việc không truy tố Nguyễn Kiều Hưng là bỏ lọt người phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức”. Đồng thời tuyên phạt Thắng 8 năm tù, Cường 9 năm tù và Thịnh 6 năm tù. Sau đó, VKSND huyện Gia Lâm đã có kháng nghị, đồng thời các bên cũng kháng cáo bản án sơ thẩm này lên cấp phúc thẩm. Ngày 21-7-2009, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm (lần 1) vụ án và đã tuyên hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số 32/HSST của TAND huyện Gia Lâm để điều tra lại theo thủ tục chung.

Điều trớ trêu, tại phiên tòa sơ thẩm (lần 2) trong các ngày 27 đến 28-4 và ngày 5 đến 10-5-2010 của TAND huyện Gia Lâm do thẩm phán Nguyễn Hồng Bách làm Chủ toạ phiên tòa lại tuyên phạt: Lê Văn Thắng 3 năm tù, Lê Quang Thịnh 33 tháng 29 ngày tù đều cho hưởng án treo và Trịnh Việt Cường 30 tháng tù giam. Bản án sơ thẩm (số 33/2010/HSST) quá “nhẹ nhàng” này đã gây sửng sốt dư luận. Ngay cả VKSND huyện Gia Lâm cũng có đơn kháng nghị tăng mức hình phạt đối với các bị cáo, đồng thời bị hại tiếp tục có đơn kháng cáo.

Trong 2 ngày 17, 18-8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm (lần 2). Chiều 18-8, sau khi nghị án, HĐXX đã phải tuyên hủy bản án sơ thẩm (lần 2) này vì cho rằng, vụ án này có 2 kết luận giám định (KLGĐ), trong đó KLGĐ lần 2 của Viện Giám định pháp y Quân đội đã bị tòa cấp phúc thẩm (lần 1) hủy do vi phạm tố tụng. HĐXX sơ thẩm (lần 2) lại sử dụng KLGĐ pháp y của Tổ chức giám định pháp y Hà Nội (Kết luận thương tích 29% - lần 1) mà kết luận này đang bị khiếu nại là thiếu căn cứ, chưa đảm bảo cơ sở vững chắc.

Trong vụ án này, Nguyễn Kiều  Hưng đã tiếp nhận thông tin từ Thắng, điều động bị cáo Cường (là bảo vệ công ty chỉ có trách nhiệm quản lý, trông coi tải sản trong phạm vi công ty) ra ngoài phạm vi công ty, đến trợ giúp cho Thắng. Đáng lẽ, Hưng phải báo cơ quan chính quyền sở tại nhưng Hưng lại để các bị cáo mang hung khí đi gây án. Ngoài ra, cần làm rõ nội dung tố cáo của bị hại còn tố cáo có sự đánh tráo chiếc mũ bảo hiểm bị chém nhiều nhát (do bị hại chống đỡ) bằng chiếc mũ mới…

Trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, trả lời phóng viên báo chí, thẩm phán Nguyễn Quốc Hội - Phó Chánh tòa hình sự (Tòa án ND TPHN) nhận xét: “Vụ án này rất phức tạp, bởi các bên đương sự, cơ quan tiến hành tố tụng làm cho nó phức tạp lên. Thực chất, đây là vụ án hình sự bình thường, tôi đã xử hàng nghìn vụ tương tự suốt 30 năm làm thẩm phán”.

 Thanh Quang