Kỳ thú nẻo đường xuân Tây Bắc (6)

“Hút hồn” những nụ cười từ miệng răng đen

ANTĐ -Cách gọi mưa của đồng bào nơi đây thật đặc biệt. Không đứng trên đỉnh núi cao gió hú để cầu những hạt mưa cho ngày mùa mà phải đắm chìm dưới dòng nước.
Cách gọi mưa của đồng bào nơi đây thật đặc biệt. Không đứng trên đỉnh núi cao gió hú để cầu những hạt mưa cho ngày mùa mà phải đắm chìm dưới dòng nước.

Thế giới của những nụ cười răng đen

Ghé thăm đồng bào Lự ở Nà Tăm huyện Tam Đường, Lai Châu vào mùa xuân, thì nét đẹp và độc đáo trong cuộc sống mới toát hết lên được. Ấy là mùa vui chơi để tiếp sức cho một năm vất vả, lam lũ. Lúc này thì những nét mặt trong bản cứ tươi tắn như hoa trên rừng, trong trẻo như dòng Nậm Tăm chảy ngang qua bản. Cuộc sống lao động vất vả là thế, quanh năm nương rẫy, nhưng đã là tục thì đồng bào Lự coi trọng hơn tất cả. Nhất là vào mùa xuân, tục mới đẹp và bung nở như sắc hoa rừng vào đúng độ.

Lần đầu vào bản, ta ngỡ như mình trở lại một cuộc sống của thế giới khác, đó là thế giới của những nụ cười răng đen. Các cô gái đồng bào Lự, muốn gì thì cũng không thể bỏ qua được tục nhuộm răng đen hoặc cấy răng vàng vào hàm răng tăm tắp để xúng xính cùng ngày xuân vui hội bản. Nét cười mà khoe ra hàm răng đen, hay đôi răng vàng thì dường như tươi tắn hơn trong mắt của đồng bào Lự ở Tam Đường. Bởi theo cái lý của đồng bào Lự, ở Nà Tăm, nhuộm răng du xuân cũng giống như đồng bào miền xuôi sắm đồ mới diện Tết…

Tục té nước cầu mưa của đồng bào Lự là nét lưu giữ
cuội nguồn văn minh lúa nước của người Việt

Tục nhuộm răng đen là nét văn hóa cổ xưa của người Việt, có từ thời vua Hùng gắn với tục ăn trầu. Giờ tục chỉ còn thấy trong cuộc sống của đồng bào Lự ở nơi đây. Đối với đồng bào Lự, hay một số đồng bào thiểu số miền Tây Bắc, tục xưa đã gắn với bản, với dân tộc thì bằng mọi cách giữ tục như chính sự sống của họ. Giá trị thẩm mỹ của tục nhuộm răng đen giờ đây, có thể người xuôi thấy lạc hậu ở xu hướng tân thời, song đồng bào Lực thì khác, họ cho rằng, đó không chỉ là cách làm đẹp của riêng họ mà còn là sự tinh tế trong “bí quyết” nhuộm mầu của đồng bào mình nên cần lưu giữ một cách kỹ lưỡng.

“Năm quan mua lấy miệng cười. Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.”. Câu ca dao xưa của người xuôi như nói lên giá trị của hàm răng đen thuở ấy. Giờ đối với người miền xuôi, tục nhuộm răng đã lỗi thời, nhưng đối với đồng bào Lự thì đó là cách lưu giữ nét độc đáo, cổ truyền của dân tộc để lại.

Nụ cười răng đen trong "trống" mẹt cầu mùa, du xuân

Những hàm răng đen của đồng bào Lự vẫn có sức sống như cây trên núi. Từ tục nhuộm răng đen, với đôi bàn tay khéo léo và sự linh hoạt vận dụng của bà con, họ không chỉ dừng lại trong việc tục nhuộm răng mà còn làm nhiều việc khác. Đó là họ đã biết sáng tạo,  vận dụng vào nhuộm, kẻ vẽ, các chế phẩm bằng xương bằng ngà và bằng nhựa.

 Theo già bản, cách nhuộm răng đen của đồng bào Lự ở Nà Tăm, Tạm Đường. Từ những nguyên liệu như cánh kiến tán nhỏ, vắt nước chanh rừng để khoảng một tuần, khi được thì phết thuốc ấy vào hai mảnh lá cọ rồi ấp vào hai hàm răng vào lúc đi ngủ. Khi nhuộm răng thì phải kiêng nhai. Nhuộm như thế 5, 7 ngày cho răng đỏ già ra màu cánh gián thi bôi thuốc răng đen. Thuốc răng đen làm bằng phèn đen trộn với cánh kiến, nhuộm 1, 2 miếng là đen kịt lại, sau đó lấy dùng dao đốt nóng cho chảy nhựa ra, lấy nhựa ấy phết vào răng sẽ có một nụ cười độc đáo, nhất là vào dịp du xuân thì những nụ cười độc đáo sẽ tràn khắp bản...

Ngâm mình dưới nước cầu mưa.

Nhuộm răng đen là để vui xuân. Nhưng ngày vui của đồng bào Lự chẳng thể tách rời được những cầu mong một mùa bội thu, tươi tốt. Đúng vào dịp xuân tràn trên bờ núi, đọng vào sương mai thì đồng bào kéo nhau ra dòng Nậm Mu để du xuân cầu mùa. Mà mùa màng tươi tuối thì phải có thiên nhiên ưu đãi, mưa thuận gió hòa.

Những cô gái răng vàng nở nụ cười tươi tắn

Theo quan niệm của đồng bào Lự ở Nà Tăm, Tam Đường, té nước cầu mưa, cầu mùa còn là cách để báo với thiên nhiên, cảm tạ thiên nhiên và xin những điều may mắn vào mùa năm tới. Bao đời qua vẫn vậy, dịp du xuân là bản tình ca đẹp của những dòng suối. Dòng Nậm Tăm chảy ngang qua bản trở thành nơi giao hòa giữa thiên nhiên và con người vào ngày xuân đến.

Cả bản cất tiếng hát, nhảy múa, khua chiêng, rồi vung từng giọt nước trong trẻo lên giời để báo hiệu một mùa xuân đến, và mong mùa năm sau dân bản lại có sự che chở cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Té nước cầu mưa, là tiếng nói vọng lại từ ngàn năm qua của nền văn minh lúa nước lâu đời, mà đến nay đồng bào Lự vẫn lưu giữ như nét văn hóa đặc sắc. Ý nguyện cho mùa mang bội thu, ngày nay đã được sự phát triển nông nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa thành hiện thực, song trong tâm niệm, hướng về cuội nguồn thì đồng bào nơi đây coi như cuộc sống của họ. Bởi thế mà tục xưa đến nay vẫn nguyên một nét của bản.

Mỗi năm du xuân té nước chỉ có một lần, đồng bào Lự rất coi trọng tục này

Dòng suối Nậm Tăm vào ngày té nước, cầu mùa, cầu mưa đã làm dậy lên một mùa xuân ở núi rừng Tây Bắc. Những chứa đựng trong nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Lự, được lưu truyền từ những cuộc sinh hoạt cộng đồng như thế. Sự hòa hợp giữa người già, người trẻ, trai, gái đã tạo nên một sức mạnh đoàn kết cộng đồng trong phong tục, cuộc sống của bà con nơi đây. Đó cũng là cách hóa giải những lo toan trong cuộc sống thường nhật, để mỗi con người dân bản trở nên phóng khoáng ở nơi núi rừng quanh năm vất vả. Cuộc chơi như thế như không có hồi kết thúc, bởi người trên bờ hay dưới suối sẽ khó mà tránh được những giọt nước may mắn, mà chỉ dừng lại khi ánh sáng đã tắt trên đỉnh núi, người người đẫm ướt niềm vui, tiếng cười vang vọng vào núi rừng như tiếng hẹn vào mùa xuân sau, trở lại dòng Nậm Tăm, ở Tam Đường mà hòa vào những nhịp xuân thật độc đáo.

(Còn nữa...)