Hướng về châu Á-Thái Bình Dương

ANTĐ - Trong động thái được cho là thể hiện ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố Washington sẽ tăng cường can dự ở khu vực Thái Bình Dương trong thế kỷ 21.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC ngày 10-11 để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh APEC

Đáng chú ý là tuyên bố trên của Ngoại trưởng Hillary được đưa ra ngày 10-11, tức là ngay trước thềm Hội nghị thường niên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Honolulu (Hawaii, Mỹ). Hội nghị này có sự tham gia của nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ của 21 thành viên chiếm một nửa số dân, gần 58% GDP, hơn 50% xuất khẩu của toàn thế giới.

Các thành viên APEC cũng chiếm 1/2 trong số 14 nền kinh tế có GDP vượt 500 tỷ USD trên thế giới hiện nay. Trong đó có 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Lý giải về nguyên nhân muốn dành sự ưu tiên cho khu vực Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Hillary cho biết chính quyền Mỹ sẽ hướng chính sách ngoại giao sang khu vực này khi mà cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan dần khép lại. Nói cách khác, bên cạnh ưu tiên chống khủng bố ở Trung Đông và Nam Á, nay Mỹ sẽ dành mối quan tâm thích đáng tới khu vực đang được xem là trọng tâm của thế giới trong thế kỷ 21.

Trước đó, nước Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush đã bị cuốn hút quá sâu vào cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Bị "níu chân" trong 2 "vũng lầy" Iraq và Afghanistan suốt gần 10 năm, Mỹ không đủ sức lực và khả năng quan tâm tới những khu vực khác trên thế giới, dù rất quan trọng như châu Á-Thái Bình Dương.

Song ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố dành mối ưu tiên thích đáng với châu Á-Thái Bình Dương. Bản thân Tổng thống Obama cũng tuyên bố ông muốn trở thành "Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên" của nước Mỹ.

Việc điều chỉnh chính sách đối ngoại hướng về châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Obama diễn ra trong bối cảnh khu vực này ngày càng chứng tỏ vai trò trung tâm, đầu tàu của thế giới trong thế kỷ 21. Đồng thời, giữa các cường quốc hàng đầu thế giới cũng diễn ra sự cạnh tranh nhằm tăng cường vai trò, vị trí và ảnh hưởng tại khu vực.

Trong bài phát biểu cam kết tăng cường can dự và nắm bắt cơ hội mới ở khu vực Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Hillary nhìn nhận trong tương lai châu Á sẽ nổi lên như một khu vực với nhiều cơ hội tiềm năng. Bà cho rằng, sức hút về kinh tế và chiến lược của thế giới sẽ là khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên Mỹ sẽ mở rộng sự can dự ở khu vực này bằng việc tạo dựng các mối quan hệ thương mại, củng cố khối đồng minh trong khi tiếp tục thuyết phục cải cách ở  khu vực.

Trên thực tế, Mỹ đang tiến hành các bước đi và biện pháp nhằm cụ thể hoá chính sách đối ngoại hướng về châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có việc xúc tiến vòng đàm phán mới về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Muốn có TPP với 8 nước Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam bởi Mỹ không muốn tụt lại phía sau so với các đối thủ cạnh tranh như Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc trong việc thiết lập các thỏa thuận về tự do thương mại và đầu tư tại khu vực.