Hưởng ứng “Ngày bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu”

ANTĐ - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được xếp hàng thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong.

Ngày 17/11, Bệnh viện Bạch Mai và Dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu 16/11 và hội nghị khoa học.

Tới dự hội nghị có PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên, thứ trưởng Bộ Y tế; PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh; PGS. TS. Nguyễn Quốc Anh, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và các giáo sư, bác sĩ chuyên khoa hô hấp.

Bệnh phổi tác nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến năm 1997 trên thế giới có khoảng 300 triệu người mắc COPD và bệnh được xếp hàng thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong. Dự đoán trong thập kỷ này số người mắc bệnh sẽ tăng thêm 3-4 lần, gây ra khoảng 29 triệu ca tử vong mỗi năm và đến năm 2020 bệnh sẽ đứng hàng thứ 5 trong gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

Từ năm 2010, chương trình phòng và điều trị COPD đã được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Bạch Mai phụ trách dự án “Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” trên toàn quốc”.

Ở Việt Nam, theo PGS. TS. Ngô Quý Châu và cộng sự (2005), tỷ lệ mắc COPD trong dân cư thành phố Hà Nội chung là 2%, ở Hải phòng là 5,56%. Như vậy, cứ 100 người dân sẽ có 2-6 người mắc COPD. Trong lĩnh vực điều trị tại bệnh viện, COPD cũng là bệnh lý chiếm tỷ lệ cao nhất tại các khoa bệnh phổi.

Không chỉ là bệnh thường gặp, tỷ lệ mắc COPD hiện đang gia tăng nhanh chóng. Hiện nay, COPD đang đứng hàng thứ 6 trong 10 bệnh thường gặp nhất.