“Hưởng ứng” chủ trương

ANTĐ - Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước đã cắt giảm được 45.000 tỷ đồng đầu tư công.

Trong đó, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước “làm gương” đi đầu cắt giảm tới hơn 39.212 tỷ đồng, chiếm hơn 87%. Một số lãnh đạo tập đoàn chẳng ngại ngần nói thẳng rằng, cắt giảm đầu tư để chống lạm phát là một chủ trương của Chính phủ. Là doanh nghiệp nhà nước không thể không hưởng ứng chủ trương này. “Không thể không” nghe có vẻ như miễn cưỡng.

Trên thế giới, việc cắt giảm đầu tư công luôn được các chính phủ cân nhắc hết sức thận  trọng. Còn ở nước ta, hầu như người dân tin tưởng rằng bớt đầu tư công là bớt đi lãng phí, thất thoát, bớt đi những công trình dàn trải, kéo dài, kém hiệu quả. Một chủ tịch hội đồng thành viên của một tập đoàn nhà nước “khoe” rằng, tất cả các dự án mà tập đoàn của ông cắt giảm “không có cái nào là không hiệu quả”(!). Tuy nhiên, những dự án này có thể đến năm sau hoặc năm sau nữa làm cũng được, không sao. Hơn thế, có một số công trình đã lên kế hoạch đầu tư, song đến lúc phải quyết định cắt giảm mà vẫn chưa tìm ra được nguồn vốn để bố trí. Bằng chứng này cho thấy phần nào thực trạng các dự án đầu tư công có đáng phải cắt giảm hay không trong bối cảnh ngăn chặn lạm phát.

Qua đó cũng chứng tỏ, tâm trạng của nhiều doanh nghiệp nhà nước có thực sự nhận thấy cần phải mạnh tay tự cắt giảm một số dự án, có ý thức tránh nhiệm xuất phát từ nhu cầu phải nâng cao sử dụng vốn đầu tư hay chỉ cắt giảm một cách miễn cưỡng theo kiểu “hưởng ứng” chủ trương. Câu hỏi này có lẽ khó trả lời đối với những doanh nghiệp ngoài nhà nước đang phải “ăn đong” vốn, cắt giảm sản xuất, tiết kiệm chi phí, thậm chí cắt giảm lao động. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, đến cuối tháng 5 vừa qua, các bộ, ngành và địa phương đã cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách của 2.048 dự án, với tổng kinh phí 5.556 tỷ đồng và 126 dự án đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ trị giá 2.777 tỷ đồng. Tính chi ly ra, bình quân chi phí đầu tư của một dự án sử dụng vốn ngân sách được xếp vào danh sách cắt giảm chỉ có 2,7 tỷ đồng.

Còn các dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ cũng chỉ cắt giảm khoảng 22 tỷ cho mỗi dự án. Tiền tỷ đối với doanh nghiệp tư nhân là một món, nhưng đối với các doanh nghiệp nhà nước chẳng khác gì “muối bỏ bể”. Rõ ràng, việc cắt giảm đầu tư công theo chủ trương chủ yếu tập trung vào những dự án nhỏ và siêu nhỏ. Một số chuyên gia đặt câu hỏi, phải chăng việc cắt giảm đầu tư công trong những tháng qua, chẳng qua chỉ là làm theo kiểu đối phó để “hưởng ứng” chủ trương của Chính phủ?

Tình trạng lạm phát ở nước ta đâu chỉ tại đầu tư công quá nhiều, mà cơ bản là do sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả mà ra. Cho nên, chủ trương cắt giảm đầu tư công để chống lại lạm phát đã được Chính phủ nhắc đi nhắc lại là phải xác định cắt đi những thứ lãng phí, thất thoát và không hiệu quả. Cắt giảm là để làm cho mỗi đồng ngân sách của Nhà nước, của dân chi ra phải đem lại hiệu quả thiết thực cho đất nước.

Nếu như chủ trương cắt giảm đầu tư công chỉ được thực hiện một cái gượng gạo, “hưởng ứng” chủ trương của Chính phủ, chỉ bỏ vài nghìn tỷ hay vài chục nghìn tỷ đồng, thì lạm phát sẽ còn tiếp tục đeo bám và là nỗi ám ảnh thường xuyên của cả nền kinh tế. Siết chặt quản lý tất cả các dự án, chương trình đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách, mới là “trị” tận gốc rễ, chứ không chỉ là cắt giảm “râu ria”.