Hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán:

Hướng tới thị trường minh bạch, lành mạnh

ANTD.VN - Theo đề án Bộ Tài chính xây dựng, dự kiến, lộ trình hợp nhất hai Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) được triển khai trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2017-2019), sẽ thành lập Sở GDCK Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Sở GDCK TP.HCM (HoSE). 

Về hoạt động, tiếp tục duy trì hoạt động các thị trường GDCK như hiện nay tại HoSE, HNX (các công ty con), trong đó tại HoSE sẽ duy trì giao dịch cổ phiếu của công ty niêm yết quy mô lớn, chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng quyền có bảo đảm.

Tại Hà Nội sẽ duy trì giao dịch cổ phiếu của công ty niêm yết quy mô vừa và nhỏ, các công ty đại chúng đăng ký giao dịch (UPCoM), trái phiếu Chính phủ, từng bước triển khai GDCK phái sinh dựa trên trái phiếu Chính phủ và chỉ số chứng khoán.

Giai đoạn 2 của lộ trình (từ năm 2020) sẽ đưa hệ thống công nghệ thông tin đi vào hoạt động áp dụng cho toàn bộ TTCK Việt Nam. Trên cơ sở đó, thực hiện lộ trình phân khúc các khu vực thị trường bao gồm thị trường giao dịch cổ phiếu tổ chức tại TP.HCM; Thị trường phát hành và giao dịch trái phiếu, trong đó trước mắt và chủ yếu là trái phiếu Chính phủ tổ chức tại Hà Nội, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo lộ trình; Phát triển TTCK phái sinh tại Hà Nội.

Đánh giá về đề án hợp nhất hai Sở GDCK, các chuyên gia cho rằng điều này là cần thiết và lẽ ra phải làm từ rất lâu. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết Hiệp hội đã kiến nghị vấn đề này cách đây hơn chục năm, tuy nhiên vì nhiều lý do nên đến bây giờ việc hợp nhất mới được triển khai. “Việc hợp nhất sẽ tránh được chuyện cạnh tranh không lành mạnh, lôi kéo khách hàng giữa các sở dẫn đến dễ dãi trong việc cho doanh nghiệp lên sàn” - ông Nguyễn Hoàng Hải đánh giá.

Theo ông Nguyễn Thế Minh (Công ty Chứng khoán SSI), việc hợp nhất 2 sở giao dịch sẽ giúp tránh tình trạng dư thừa cơ quan quản lý như hiện nay. “Việc thành lập nhiều sở giao dịch chỉ có ý nghĩa khi cần các tổ chức để quản lý riêng một nhóm cổ phiếu nào đó. Còn ở Việt Nam, các doanh nghiệp giao dịch chung, trong khi cách thức, cơ chế hoạt động 2 sở giao dịch gần như giống nhau thì việc tồn tại 2 sở giao dịch là không cần thiết” - ông Nguyễn Thế Minh nói. 

Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sở dĩ trước đây phải thành lập 2 Sở GDCK do khoảng cách địa lý. Những doanh nghiệp ở Hà Nội thường niêm yết ở HNX, ở TP.HCM sẽ niêm yết ở HoSE để thuận tiện về thủ tục hành chính, đồng thời các các công ty chứng khoán cũng thuận lợi trong việc đặt lệnh và xử lý các vấn đề liên quan đến giao dịch. Tuy nhiên, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh, hầu hết các giao tiếp trên TTCK là qua online, nên yếu tố địa lý không còn là cản trở nữa. 

Đánh giá việc hợp nhất 2 Sở GDCK là cần thiết, song theo ông Nguyễn Hoàng Hải, đây chỉ là bước đầu, còn tiến tới phải cổ phần hóa sở này. “Hiện nay mô hình hoạt động của 2 sở vẫn theo hình thức công ty TNHH một thành viên thuộc Nhà nước, dẫn đến hoạt động chưa minh bạch, còn có sự chi phối của lợi ích nhóm... làm méo mó thị trường” - ông Nguyễn Hoàng Hải nói và cho biết ở nước ngoài, thậm chí người điều hành các tổ chức quản lý hoạt động giao dịch chứng khoán còn thuê người nước ngoài quản lý.

Thận trọng hơn với đề xuất này, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng với một thị trường còn nhỏ như Việt Nam việc cổ phần hóa sở GDCK ở thời điểm này “vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại”. Theo ông Minh, cổ phần hóa sở GDCK sẽ giúp việc quản lý và thị trường minh bạch hơn, nhưng về vấn đề quản lý vĩ mô thì sẽ khó khăn. Vì với mô hình trực thuộc Nhà nước, việc đưa ra các quyết định sẽ có sự thống nhất, đồng bộ nhanh hơn.