NSƯT Đỗ Thanh Hải - Tổng đạo diễn chương trình giao lưu nghệ thuật “Những bước chân lặng lẽ”:

Hướng tới giá trị nhân văn, góc nhìn mới và khác về người chiến sĩ công an

ANTĐ - Nhận lời làm Tổng đạo diễn chương trình giao lưu nghệ thuật “Những bước chân lặng lẽ” do CATP Hà Nội tổ chức, đạo diễn NSƯT Đỗ Thanh Hải chia sẻ anh cùng êkip thực hiện chương trình mong muốn đem lại cho mọi người góc nhìn mới và khác về người chiến sĩ công an. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng anh trước khi chương trình diễn ra vào 20h ngày 7-8 tại Hội trường CATP Hà Nội (87 Trần Hưng Đạo). 
Hướng tới giá trị nhân văn, góc nhìn mới và khác về người chiến sĩ công an ảnh 1

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật lớn

Đằng sau những vụ án và chiến công

- PV: Đây chắc là lần đầu tiên anh làm tổng đạo diễn một chương trình giao lưu nghệ thuật làm về các chiến sĩ công an? 

- Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Đúng là lần đầu tiên tôi đạo diễn một chương trình làm về các chiến sĩ công an và điều này với tôi giống như một mối duyên khá bất ngờ và thú vị. Trước đây, tôi cũng từng có dịp tiếp cận với các anh qua rất nhiều bộ phim về đề tài lực lượng CAND mà Trung tâm sản xuất phim truyền hình VTV sản xuất, trong đó có series phim “Cảnh sát hình sự”.

Tuy nhiên, làm một chương trình khác với làm một bộ phim, vì thế đây là dịp để tôi có thể đối thoại và hiểu sâu hơn về những khoảng lặng phía sau cuộc sống của người chiến sĩ CAND - những góc khuất mà có thể chúng ta chưa bao giờ “chạm” tới. 

- Những khoảng lặng đó sẽ được anh phác họa như thế nào trong chương trình, thưa 
đạo diễn?

- Tôi cũng như êkip thực hiện đã bàn bạc rất nhiều và đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Đằng sau bản lĩnh và sự hy sinh trong công việc của người chiến sĩ công an là gì? Và chúng tôi thống nhất rằng, đó chính là sự quên mình, vì nhân dân phục vụ. Thực tế trong suốt 70 năm hình thành, xây dựng và phát triển của lực lượng CAND, người chiến sĩ công an dù ở thời chiến hay thời bình, khi đã khoác lên mình bộ sắc phục thì nhiệm vụ của họ là phải quên bản thân mình, vì thế mới có những sự hy sinh.

Bởi, nếu chỉ nghĩ đến bản thân, đến gia đình mình thì sẽ không có ai dám đối đầu với những hiểm nguy, kể cả đánh đổi mạng sống. Ngay cả người thân của họ cũng phải chịu đựng những khoảng lặng không bình yên khi thiếu vắng, thậm chí là vĩnh viễn mất đi trụ cột trong 

gia đình. 

-  Nhắc đến người chiến sĩ công an, không ít người vẫn mặc định về các anh với hình ảnh khô khan và cứng nhắc. Để thay đổi được suy nghĩ ấy trong 120 phút của chương trình không phải dễ, thưa đạo diễn? 

- Với những câu chuyện, những nhân vật mà chúng tôi tiếp xúc, trò chuyện khi chuẩn bị nội dung chương trình, tôi tin là sau khi xem chương trình này, tự mỗi người sẽ có cảm nhận khác về người chiến sĩ công an. Khi nhận lời làm đạo diễn chương trình này, tôi đã tìm đọc lại tất cả những vụ án từng gây chấn động dư luận, những chiến công của lực lượng Công an Hà Nội và biết thêm nhiều câu chuyện xúc động đằng sau những vụ án và chiến công ấy.

Như vụ giải cứu cháu bé mới vài ngày tuổi bị bắt cóc ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương cách đây 4 năm, tôi thực sự xúc động khi biết các chiến sĩ công an đã đi tìm cháu bé bằng tâm thế của người cha, người mẹ chứ không phải đơn thuần vì nhiệm vụ. Những điều nhân văn như thế chẳng bao giờ khô khan và cứng nhắc. Tôi tin những câu chuyện chưa từng được kể trong công việc và cả cuộc sống đời thường của người chiến sĩ công an đủ sức làm người xem thổn thức.

Hướng tới giá trị nhân văn, góc nhìn mới và khác về người chiến sĩ công an ảnh 2

Người công an có cả tố chất nghệ sĩ

- Vậy yếu tố nghệ thuật sẽ được xây dựng như thế nào trong chương trình, thưa 
đạo diễn? 

- Nếu chờ đợi đây là một chương trình nghệ thuật hoành tráng thì không phải. Sự thăng hoa về cảm xúc mới là điều chúng tôi hướng đến. Cảm xúc ấy không chỉ đến từ âm nhạc mà còn đến từ những đoạn phóng sự được thực hiện rất chân thực, những màn giao lưu cảm động với các vị khách mời và các nhân chứng lịch sử.

Tất cả những điều này sẽ được xây dựng rất gần gũi, bình dị chứ không cầu kỳ. Qua đó, khán giả sẽ nhận ra người chiến sĩ công an bình dị trong cuộc sống thường ngày, họ anh hùng, gan dạ khi đối đầu với tội phạm, nhưng cũng có những tố chất rất nghệ sĩ và rất yêu nghệ thuật.

- Anh có thấy sự tương đồng nào giữa một người làm nghệ thuật như anh với người chiến sĩ công an hay không, thưa đạo diễn?

- Tôi nghĩ là có đấy (cười). Vì tôi biết có rất nhiều chiến sĩ công an còn có tài nghệ thuật và nghệ sĩ hơn cả… nghệ sĩ. Nói vui vậy chứ mỗi lần đi ngoài đường, nhìn các chiến sĩ Cảnh sát giao thông phơi mình ngoài nắng hay dầm mình trong mưa để làm nhiệm vụ, tôi rất thông cảm và nể phục các anh.

Nghệ sĩ chúng tôi cũng vậy, để có được những thước phim phục vụ khán giả, anh em cũng không quản ngại mưa nắng nhưng so với sự vất vả hy sinh trong công việc của các chiến sĩ công an thì vẫn chưa thấm vào đâu. Thỉnh thoảng, tôi cũng không có mặt ở nhà vào những dịp lễ Tết chỉ vì bận rộn với công việc, nhưng còn người nhà của các chiến sĩ công an thì chắc phải thường xuyên quen với sự vắng mặt ấy. 

-  Cảm ơn đạo diễn về những chia sẻ chân thành của anh.