Hướng nghiên cứu ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo": Vẫn đang phải bàn!

ANTĐ -Ngày 25-5, một lần nữa, những vấn đề liên quan đến ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo”, được tìm thấy ở tầng văn hóa Trần, trong đợt khai quật khảo cổ học tại Hoàng Thành Thăng Long… tiếp tục được bàn thảo. Cuộc họp do Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTT&DL tổ chức nhằm lấy ý kiến của các giáo sư và các nhà nghiên cứu đầu ngành về sử học và ấn chương học. Tuy nhiên, vì nhiều lý do “khách quan”, báo chí không được tham gia. 

Năm 2014, trong đợt khai quật khu khảo cổ học Vườn Hồng (hố khai quật G18, khu G), ấn “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy trong tầng văn hóa nguyên vẹn, không bị xáo trộn thời Trần (thế kỷ 13-14), cùng phát hiện còn có nhiều hiện vật gỗ, gốm sứ…cùng niên đại. Ngay sau đó, chiếc ấn gỗ này được các nhà khảo cổ học dành sự quan tâm đặc biệt bởi tính độc đáo. Từ tháng 10-2014 đến tháng 12-2015, ấn được nghiên cứu chỉnh lý và trưng bày sơ bộ tại phòng trưng bày của Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long. Chiếc ấn trở nên nổi tiếng và tạo nhiều luồng dư luận bắt đầu từ ngày 9 Tết âm lịch (16-2-2016) khi Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội tiến hành thử khai ấn tại khu vực điện Kính Thiên. Dù chỉ là thử nghiệm, song cũng gây ra một cuộc tranh luận về nguồn gốc, chất liệu của ấn cùng như sự hoài nghi về niên đại và cả những lo lắng, phải chăng Hoàng Thành Thăng Long cũng sẽ có màn phát ấn như ở đền Trần Nam Định?

Ấn gỗ "Sắc  mệnh chi bảo được tìm thấy năm 2014 tại Khu khảo cổ Vườn Hồng"

Để làm rõ hơn về những luồng tranh luận trên báo chí, đến chiều 26-2-2016, một lần nữa những giá trị và nguồn gốc của ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được đưa ra bàn thảo kỹ càng.

Vì sao ấn không có núm (trong khi đáng ra ấn phải được khắc liền), vì sao nằm dưới lòng đất đến 700 năm vẫn còn nguyên vẹn cả dấu son dính trên mặt ấn?

PGS.TS Nguyễn Công Việt, nhà nghiên cứu ấn chương học hàng đầu Việt Nam đưa ra phương án, có khi đây là một dạng tỷ tiết, được dùng để ban mật chỉ, mật dụ. Nếu là một dạng mật dụ thì cực kỳ giá trị, bởi chưa từng có quốc gia nào tìm được một hiện vật như thế này.

Đi ngược lại quan điểm đây là ấn đời Trần, nhà nghiên cứu hán nôm và thư pháp cổ Lê Quốc Việt đưa ra nhiều giả thiết minh chứng rằng, ấn này chỉ có sớm nhất là thời Lê Trung Hưng mà thôi…

Ấn gỗ trong lần ra mắt tháng 2-2016 tại Hoàng Thành Thăng Long

Mặc dù còn nhiều tranh cãi về hình khối, chữ viết, chất liệu và cả tầng văn hóa tìm thấy. Tuy nhiên các nhà khoa học trong cuộc tọa đàm đã thống nhất được một điểm: Không phát ấn tại Hoàng Thành Thăng Long.

Trao đổi cùng PV ANTĐ, ông Trần Thành (Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa) cho biết, cuộc họp sáng 25-5 chỉ nhằm mục đích, xây dựng kế hoạch nghiên cứu về ấn “Sắc mệnh chi bảo” chứ không bàn đến niên đại hoặc có đúng là “Sắc mệnh chi bảo”, bởi nó đã được xác định là hiện vật cực kỳ quan trọng rồi.

“Bây giờ chỉ là nghiên cứu theo hướng nào”- Ông Trần Thành khẳng định.

Theo đó, thời gian tới, “Sắc mệnh chi bảo” sẽ tiếp tục được các nhà nghiên cứu theo nhiều hướng như: khảo cổ, tài liệu (tài liệu liên quan đến ấn đời Trần, các tài liệu về “Sắc mệnh chi bảo”- lịch sử có gì liên quan đến “Sắc mệnh chi bảo” hay không, thư pháp cổ).

PGS.TS Tống Trung Tín (nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học) cũng cho biết, cuộc họp sáng 25-5 nhằm thăm dò xem có ý kiến gì khác và khác như thế nào. Bên cạnh đó, cần làm rõ, tại sao lại là chất liệu ấn gỗ, tại sao lại có hình dạng đó, núm ấn đi đâu…

Ông Trần Việt Anh (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội) cho PV ANTĐ biết: “Mấy hôm nữa, chúng tôi sẽ có thông báo cụ thể về việc này”.