Hưởng lợi hay “hưởng” hại?

ANTĐ - Kể từ khi khu đô thị Văn Phú bắt đầu đi vào hoàn thiện, cư dân phường Phúc La (quận Hà Đông) đều khấp khởi mừng thầm bởi nghĩ rằng họ sẽ được hưởng lợi từ những hạ tầng mà khu đô thị này mang lại. Thế nhưng, khi những dự án nhà ở thông tầng liền kề với tổ dân phố số 2 đi vào thực hiện lại vấp phải những phản ứng gay gắt từ chính người dân

Hưởng lợi hay “hưởng” hại? ảnh 1
Khu đất TT34A nằm án ngữ ngã ba đường và mặt tiền của các hộ dân tổ 2 phường Phúc La

Mất lối ra vào

Trong lá đơn tập thể của tổ dân phố số 2 gửi tới Báo An ninh Thủ đô thì hộ gia đình ông Vũ Văn Thuận, Lê Văn Tiến, Vũ Tiến Hoàng và bà Nguyễn Thị Uyên là bức xúc nhất. Lý do là bởi nếu khu đất thuộc lô TT34A được Ban quản lý dự án Văn Phú - Invest triển khai xây dựng thì những hộ dân này sẽ bị bịt kín mất lối ra vào.

Lô đất TT34A vốn chỉ là một khoảng đất rộng khoảng 170m2 được thiết kế để xây thành 2 căn nhà nằm tách rời với tổ hợp nhà ở liền kề của khu đô thị. Điều oái oăm là vị trí của nó khi được thiết kế lại quá sát với phần đất thổ cư của người dân. Ông Vũ Văn Thuận, người bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc triển khai xây dựng trên lô đất TT34A cho biết: “Đất mà khu đô thị Văn Phú triển khai xây dựng vốn chính là đất nông nghiệp trước đây của cư dân chúng tôi. Năm 2005 chấp hành chủ trương chính sách của Nhà nước về việc giao ruộng đất để xây khu đô thị mới, chúng tôi đều chấp hành nghiêm chỉnh mà không hề có thắc mắc. Ai ngờ, đến khi giao xong thì chính họ lại dùng mảnh đất ấy để xây nhà bịt mất lối đi của những người chủ cũ”.

Bà Nguyễn Thị Uyên, một hộ gia đình cũng chung tình trạng như ông Thuận bức xúc: “Xét về mặt giao thông thì khu đất TT34A nằm án ngữ ngay ngã ba đường và nó giáp ranh với mặt tiền của 4-5 hộ gia đình chúng tôi. Từ khi dự án được hình thành thì lô đất đó đã không đủ diện tích chiều ngang để xây nhà cao tầng vì nó quá mỏng. Hơn nữa, nằm giữa lô đất lại là hệ thống cống ngầm thoát nước chính. Vì vậy Ban quản lý dự án và các hộ dân đã cam kết với chính quyền xây dựng vườn hoa tạo cảnh quan cho khu đô thị. Nếu việc xây dựng nhà được tiến hành thì 2 căn nhà này sẽ trở thành một lô cốt ngay giữa ngã ba làm khuất tầm nhìn của người đi đường và có nguy cơ biến nơi này trở thành điểm đen giao thông. Mặt khác, những hộ gia đình như chúng tôi sẽ mất lối đi. Đó là điều rất vô lý. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh với Ban quản lý dự án Văn Phú nhưng đến nay vẫn không có kết quả”.

Gia đình ông Lê Văn Tiến cũng kịch liệt phản ứng với việc xây dựng này: “Chỉ bằng mắt thường cũng có thể thấy việc xây nhà bịt toàn bộ lối ra vào của dân như vậy là rất vô lý. Không lẽ họ xây xong thì những gia đình như chúng tôi muốn đi ra ngoài lại phải dùng thang? Ngay cả bản thân khu đất vốn cũng đã rất méo. Do vậy trước đây chúng tôi mới đề nghị họ xây dựng vườn hoa hay tiểu cảnh. Trong khi cả thành phố đang tuyên chiến chống lại những căn nhà siêu mỏng, siêu méo thì ở khu đô thị này họ vẫn ngang nhiên xây dựng những ngôi nhà như vậy. Điều đó với chúng tôi rất khó chấp nhận”.

“Chúng tôi chỉ làm theo quy hoạch”

Để tìm hiểu rõ thực trạng này, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Khắc Huy – Chủ tịch UBND phường Phú La. Ông Huy cho biết: “Việc phê duyệt quy hoạch dự án khu đô thị Văn Phú đã được thực hiện từ năm 2008, khi đó phường còn chưa thành lập. Sau này, khi chúng tôi về tiếp quản nơi đây thì toàn bộ khu đô thị đã được quây kín bằng tôn và bàn giao cho Ban quản lý dự án. Và đến nay họ vẫn chưa thực hiện xong nên chưa bàn giao cho quận và phường. Vì vậy chúng tôi không có hồ sơ tại khu vực đó. Riêng với việc khiếu nại của cư dân tổ dân phố số 2 và một số hộ gia đình, chúng tôi đã mời các bên liên quan ra phường làm việc và tiến hành công tác hòa giải theo đúng thẩm quyền. Với những hộ dân đã được cấp sổ đỏ thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ được tòa án giải quyết”.

Trong khi đó, ông Bùi Quý Hiệp – Giám đốc Ban quản lý dự án Văn Phú Invest thì khẳng định: “Việc xây dựng của chúng tôi là hoàn toàn hợp pháp. Năm 2008 khi còn UBND tỉnh Hà Tây cũ chúng tôi đã được điều chỉnh quy hoạch lần 2, theo đó lô đất lẻ TT34A sẽ được xây nhà ở thông tầng. Và thực tế thì khu đất này đã được công ty bán cho khách hàng. Họ đã nộp đủ tiền đất và 1/3 tiền xây dựng từ năm 2009. Do đó nghĩa vụ của chúng tôi hiện nay là phải tiến hành xây dựng và bàn giao, nếu không chúng tôi sẽ phải bỏ tiền ra đền. Chỉ tính riêng lãi suất tính từ năm 2009 đến nay, chắc con số đó là không hề nhỏ. Đúng là nếu xây dựng tại lô TT34A thì các hộ dân nói trên sẽ bị bịt mất mặt tiền hiện tại, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác. Hơn nữa, nếu sửa đổi quy hoạch thì phải do thành phố quyết định chứ chúng tôi cũng không thể tự ý thay đổi được”.

Trả lời câu hỏi: Giữa quy hoạch và thực tế đôi khi vẫn có những điểm vênh nhất định, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Dù sao những hộ dân này cũng chính là những người đã bàn giao đất đai của họ cho khu đô thị triển khai dự án. Vì vậy, liệu ban quản lý dự án có tính đến việc tìm một giải pháp chung để đảm bảo quyền lợi giữa 2 bên? Ông Hiệp cho biết: “Chúng tôi sẽ báo cáo với Hội đồng quản trị và trong thời gian tới đề nghị UBND quận làm trung gian để xem xét việc này. Chúng tôi cũng mong có một phương án để giải quyết dứt điểm bởi sự việc đã kéo dài hơn 1 năm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự án”.