Nhà văn Chu Lai:

Hưởng gene đa tình từ cha

ANTĐ - Ở độ tuổi gần 70, ít ai nghĩ rằng nhà văn Chu Lai còn cha. Mà điều đáng ngạc nhiên hơn, cha ông-nhà văn, nhà viết kịch Học Phi ở tuổi 100 nhưng hàng ngày vẫn cặm cụi bên trang giấy… Nhà văn Chu Lai dành cho ANTĐ một cuộc trò chuyện về người cha nổi tiếng của mình.

Nhà viết kịch Học Phi

- PV: Ông đã bao giờ thử lý giải sức hấp dẫn khiến người đàn ông tròn 100 tuổi vẫn ghì người vào bàn mà viết chưa? 

- Nhà văn Chu Lai: Tôi, bằng hai phần ba tuổi ông, đã mệt mỏi, đã chán viết chán đọc lắm rồi mà mỗi khi đến thăm, nhìn thấy người đàn ông 100 tuổi vẫn ghì người vào bàn mà nổi da gà. Nhưng có ai hay, đằng sau cái ghì người đó là một bi kịch khốc liệt vì không viết ông sẽ cắn lưỡi mà chết, viết xong rồi lại muốn kéo thêm ra, tức là trang viết với ông không chỉ còn là cảm hứng sáng tạo, là niềm say mê vốn có nữa mà giờ đây nó là cái neo neo ông vào cuộc đời. Có lẽ cái bí quyết để ông sống lâu và viết bền như thế là bởi ông là một người đàn ông đa tình, hết lòng yêu cuộc sống, yêu con người và… phụ nữ. Nhưng trên hết là ông biết tìm cho mình một thế cân bằng trong cõi tĩnh để tránh xa những đam mê, dục vọng vặt vãnh tầm thường làm tổn hại đến cái tâm. Muốn sống lâu, làm việc dài, trước hết cái tâm phải nhàn. 

- Nhà văn vừa nói đến người đàn ông đa tình ở độ tuổi 100, điều này khó tin lắm!

- Thì đó, 100 tuổi ngồi trước một nữ phóng viên đến phỏng vấn, ông nói năng rất duyên dáng, thỉnh thoảng lại cắn môi cho đỏ chứ nếu là một nam phóng viên ư, ông nói năng nhạt lắm (cười!).

- Về độ đa tình, có thể coi đó là gene được truyền từ cha sang con không, thưa ông? 

- Nhiều người bảo tôi được thừa hưởng tài văn chương và hùng biện từ cha. Nhưng tôi không dám nhận 2 cái tài ấy đâu. Nhất là tài văn vì biển văn là vô bờ, càng bơi càng lạc lối, biết sao là tài là không. Tất nhiên hồi nhỏ, nhà tập thể có mười mấy thước vuông, cả đêm phải nằm vạ vật ngoài ban công muỗi bay như vãi trấu để dành chỗ cho bạn của bố là: Thế Lữ, Đào Mộng Long, Tào Mạt, Lộng Chương… bàn luận về kịch rồi chắc nó cũng ngấm. Buồn cười, ông tôi thường nói với mọi người, cái thằng Lai nó viết như bổ củi thế thì văn vẻ cái gì! Nhưng thỉnh thoảng lại lúng túng bảo tôi, còn sách cho ông một cuốn, ký vào đàng hoàng, mấy ông bạn đòi quá! Mà nói cho cùng, tôi không biết ơn ông về cái  gene hay sự ảnh hưởng văn chương vì văn chương nó cực khổ quá, cứ như cái đứa tâm thần hàng ngày tự nhóp nhép ăn óc mình mà tôi biết ơn ông ở cái gene thể lực và nồng độ đa tình. 

- Được biết, ông cụ thân sinh ra nhà văn từng là một lão thành cách mạng. Chất cách mạng đó, hẳn ông cũng được cha truyền cho?

- Tôi hồi bé là một đứa trẻ ngỗ ngược, sức vóc mạnh mẽ nên hay cầm đầu những đám đánh nhau.  Một lần như thế tôi bị bắt vào đồn công an, bắt chước bố ngày bị giam ở Hỏa Lò năm 1933 cũng làm ra vẻ tuyệt thực. Ông đến bảo lãnh và trình bày với mấy đồng chí công an: “Cái thằng này nhầm khái niệm nghiêm trọng. Bố nó ngày xưa tuyệt thực để biểu thị lòng yêu nước, giờ nó tuyệt thực để biểu thị cái gì nhỉ, tính côn đồ à? Tính thằng này rồi sau này chả học hành đến đầu đến đũa gì đâu”. Thế là sau lần đó tôi cạch, từ Kungfu đường phố bắt đầu chuyển sang tình yêu học đường. Và ông dự đoán đúng, học hết trung học tôi bỏ luôn, dính vào đủ trò để rồi cuối cùng giả chữ ký của ông để tình nguyện đi làm thằng lính đặc công đánh nhau mù mịt suốt 10 năm ở vùng ven Sài Gòn. Đánh nhau xong, ngơ ngác giữa Sài Gòn giải phóng chả biết làm gì, về đi học trở lại đã hơi muộn, hay làm tiếp cái anh diễn viên kịch vốn được đào tạo cơ bản cũng không ổn, mà đi tuyển tình báo cũng không xong với câu nói xanh rờn: “Tình báo là người có khuôn mặt nhìn 10 lần vẫn quên, còn mặt đồng chí chưa nhìn đã nhớ”. Thế là viết văn, nghe ông khuyến khích mà viết và thành nghề đeo đẳng cho đến tận bây giờ.

- Ông có định viết một cuốn hồi ký về cha mình? 

- Không, chả dại, vì trong tất cả các tiểu thuyết, các vở kịch  của ông đều thấp thoáng có hồi ký rồi, hơn thế, chính ông cũng đã cho ra một cuốn hồi ký mỏng kể lại một mảng đời mình trong những năm kháng chiến, phong ba bão táp sinh động lắm. Và nếu chưa thì chắc tôi cũng không viết, cha con cùng nghề, chữ nghĩa nó kỵ nhau lắm.

- Xin cảm ơn nhà văn!