Hướng dẫn vị trí việc làm công chức chuyên ngành lao động, thương binh và xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo thông tư hướng dẫn vị trí việc làm công chức chuyên ngành lao động, thương binh, xã hội và định mức biên chế công chức trong cơ quan, đơn vị hành chính thuộc ngành.
Vị trí việc làm trong cơ quan, đơn vị hành chính thuộc ngành LĐ-TB&XH gồm 4 nhóm
Vị trí việc làm trong cơ quan, đơn vị hành chính thuộc ngành LĐ-TB&XH gồm 4 nhóm

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của ngành, gồm: Tổng cục, Cục và tương đương, Vụ và tương đương, Sở LĐ-TB&XH trực thuộc tỉnh, thành phố, Phòng LĐ-TB&XH thuộc huyện.

Nguyên tắc xác định vị trí việc làm và định mức biên chế phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức và phải gắn với tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý và tiêu chuẩn ngạch công chức; phải đảm bảo nguyên tắc một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Vị trí việc làm trong cơ quan, đơn vị hành chính gồm 4 nhóm, cụ thể như sau: Nhóm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; Nhóm vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành; Nhóm vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung (tài chính, kế hoạch, đầu tư, thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, văn phòng và một số vị trí việc làm đặc thù khác); Vị trí việc làm hỗ trợ phục vụ.

Ngoài ra, danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành thuộc ngành LĐ-TB&XH, gồm 54 vị trí việc làm thuộc 12 lĩnh vực quản lý nhà nước: lao động-tiền lương; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới; giáo dục nghề nghiệp; lao động ngoài nước; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; phòng, chống tệ nạn xã hội; việc làm; bảo trợ xã hội, trẻ em; giảm nghèo.

Mỗi vị trí việc làm có ngạch công chức tương ứng, phạm vi áp dụng và bản mô tả vị trí việc làm phù hợp (theo phụ lục kèm theo).