Những ẩn họa từ bệnh nhân tâm thần:

Hung thủ hạ sát nữ điều dưỡng từng giết chết bố đẻ

ANTĐ - Mặc dù vụ việc nữ điều dưỡng viên Phạm Thị Xuân của Trung tâm Hỗ trợ tâm thần Hà Nội (thuộc xã Thụy An, Ba Vì) bị bệnh nhân Đỗ Văn Việt ra tay hạ sát đã trôi qua được 10 ngày, nhưng dư âm của nó vẫn khiến người ta chưa hết bàng hoàng. Đáng sợ hơn đây là hậu quả gần như đã được cảnh báo, nhưng không ai lưu ý .

Anh Đỗ Văn Đức - anh trai Việt trao đổi với phóng viên ANTĐ

Lý lịch một “sát thủ”

Người dân phường Vạn Phúc không ai lạ gì Việt. Từ bà cụ bán quán chè chén đầu thôn cho tới anh cán bộ ủy ban cũng biết tên. Chỉ có điều, sự nổi tiếng ấy lại bắt đầu từ một thảm kịch: Trước khi giết chị Xuân, tháng 5-2005, chính Việt đã ra tay hại chết bố đẻ.

Ngay sau khi vụ việc đau lòng xảy ra với chị Xuân, phóng viên An ninh Thủ đô đã tìm đủ mọi cách tiếp xúc với lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ tâm thần Hà Nội và cả cơ quan chủ quản là Sở LĐ-TB&XH Hà Nội nhằm tìm hiểu về lý lịch cũng như tiền sử bệnh án của Việt, nhưng đều bị khước từ. Chính vì vậy chúng tôi buộc phải “đi đường vòng” bằng cách tìm đến gia đình bị hại và quê quán bệnh nhân. Khi mọi hồ sơ về Việt bị che khuất thì chính những gì được phía gia đình cung cấp lại là những “miếng ghép” tương đối đầy đủ. “Ở cái làng này, cứ gặp hắn là người ta tránh xa. Chẳng phải đầu cũng phải tai, hắn dở điên dở dại như thế, có “chập mạch” thì gặp hắn cũng phải né vì hắn còn “chập” nặng hơn” - ông Nguyễn Mạnh Hùng, trưởng thôn Vạn Phúc nói về Việt như vậy.

Quả thực, với bà con làng xóm, Việt là nỗi kinh hoàng kể từ khi hắn trưởng thành. Hồi bé, so với chúng bạn, Việt vốn là đứa “khác người”. Thế nên hắn chỉ học được hết cấp 1 là phải nghỉ. Tuy nhiên, ngày đó hắn cũng chỉ ù lỳ chứ chưa có những hành vi gây tổn hại cho người khác. Nhưng đến năm 1992, Việt bắt đầu phát bệnh nặng. Cha hắn, ông Đỗ Văn Đài cũng đã tốn không biết bao nhiêu công sức, tiền của đưa con đi chạy chữa khắp các bệnh viện lớn nhỏ, nhưng vô hiệu. Căn bệnh tâm thần biến Việt trở thành kẻ cuồng dại mà mỗi khi lên cơn, hắn cứ đi dọc đường làng gặp ai là đánh người đó bất kể già trẻ, lớn bé… Ở làng Vạn Phúc, cũng không biết bao nhiêu lần ông Đài đã phải đến tận nhà xóm giềng để mở lời xin lỗi về hành vi của con mình. Xin lỗi nhiều đến mức người ta phát chán nên mỗi khi hắn “gây án”, dù nặng hay nhẹ là họ tự đưa nhau về băng bó hoặc đi bệnh viện chứ cũng chẳng buồn đến mách hay bắt đền nhà ông nữa.

Hậu quả của sự lỏng lẻo?

Theo người anh thứ hai của Việt là Đỗ Văn Đức thì Việt bắt đầu được đưa đi điều trị bắt buộc tại bệnh viện Tâm thần Trung ương từ tháng 5-2005 sau khi hắn ra tay giết chết chính bố đẻ là ông Đỗ Văn Đài. Nhắc lại bi kịch ấy, anh Đức rơm rớm nước mắt: “Việc buồn nên tôi không muốn nhắc lại. Chỉ nhớ lúc ấy chớm vào hè, trời khá nóng, những lúc tỉnh táo thì em tôi cũng bình thường, nhưng hôm ấy nó lên cơn bất chợt. Ông cụ bất ngờ bị nó tấn công bằng một chiếc dùi đục. Gây án xong, nó vẫn thản nhiên như chẳng có chuyện gì”. Chỉ vào vết sẹo dài trên gò má anh Đức tiếp: “Vết thương này tôi phải khâu 7 mũi. Bệnh của nó rất khó lường, không thể biết đâu là ranh giới giữa điên và tỉnh. Đến ngay như tôi là anh ruột nó mà đang bữa ăn, bất thình lình nó ném thẳng cái bát vào mặt thì mới biết em mình lên cơn”.

Sau một thời gian dài điều trị tại bệnh viện, Việt được cho về ngoại trú. Nhưng chỉ được một thời gian là bệnh lại tái phát. Có thời điểm, Việt thường xuyên xách dao đi dọc đường làng khiến người ta khiếp vía, thậm chí có vài lần hắn còn mò ra tận ủy ban xã dọa cả cán bộ. “Nhà tôi giấu hết dao kéo, gậy gộc mà không hiểu cách nào nó vẫn tìm được. Ngay cả bản thân tôi cũng nơm nớp lo nó hành hung các cháu trong nhà thì người lạ chẳng biết đâu mà lần” - anh Đức nói. Chính vì biết để Việt ở tại cộng đồng và gia đình quản lý sẽ rất nguy hiểm nên năm 2009, chính quyền và gia đình anh Đức đã đề nghị đưa Việt lên Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Hà Nội nhằm cách ly với xã hội.

“Việt cao 1m75 nặng 80-90kg nên mỗi khi lên cơn sẽ cực kỳ khó khống chế, chính vì vậy nhiều lần tôi lên khu điều dưỡng thăm em, thấy họ giao cho nó việc phụ bếp và chia cơm nên đã cảnh báo nhiều lần. Tôi hiểu bệnh tình em mình, bệnh của nó cần phải nhốt 24/24h chứ không thể cho lao động như các bệnh nhân khác. Em tôi, tôi xót chứ! Nhưng tình thế như vậy biết làm sao được, chỉ sợ hậu quả khôn lường sẽ lại xảy ra. Chỉ tiếc là cán bộ ở đó không nghe lời tôi” - anh Đức cho biết thêm.

Anh Đức khá nghèo, hàng ngày anh vẫn chạy “xe ôm” và nuôi một vợ, 2 con nhỏ cùng bà mẹ già. Dù vậy nhưng anh vẫn cố gắng 1-2 tháng lên thăm em 1 lần đều đặn suốt 4 năm nay. Anh khẳng định: “Sau khi em tôi gây án, tôi đọc báo thấy cán bộ nói, em tôi trốn ra ngoài và chém chị Xuân. Tôi không tin. Suốt mấy năm trời đều đặn lên thăm, tôi có thấy nó bị giam giữ bao giờ đâu mà bảo trốn?”.

Rồi anh bần thần: “Trong các thể tâm thần thì em tôi thuộc loại bệnh nặng nhất. Uống thuốc lúc nào cũng phải dùng liều cao nhất. Tôi tin, nếu em tôi được quản lý chặt như tôi từng cảnh báo, chắc chắn sẽ không bao giờ có hậu quả như vừa qua”.