"Hung thần" phá đê ngang nhiên hoành hành

ANTĐ - Là một trong những tuyến đê xung yếu đảm bảo cho việc ngăn lũ giữa địa bàn Hà Nội và Thái Nguyên, nhưng những ngày qua đê Chã (thuộc địa bàn huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) đang phải oằn mình chịu đựng sức nặng của những đoàn xe “hung thần” có trọng tải lên tới hàng chục tấn. Điều đáng nói là tình trạng này xuất hiện chỉ  một thời gian ngắn sau khi UBND huyện Phổ Yên mạnh tay xử lý tình trạng xe quá tải.

Những chiếc xe từ… trên trời rơi xuống

Đã 3 ngày nay, bà N.T.H, nhà ở ngay mặt đê Chã rơi vào tình trạng mất ăn mất ngủ vì những tiếng rầm rập cùng khói bụi mù mịt. Đây là hệ lụy từ những chiếc xe ben có trọng tải lên tới hàng chục tấn bỗng dưng xuất hiện chạy suốt ngày đêm để chở vật liệu xây dựng cùng các loại quặng từ khu vực núi Pháo cách đó hàng chục cây số đưa về tập kết tại bến sông Công này.

Chỉ vào những chiếc xe ben (loại đầu kéo sơ mi rơmooc) bà H. than thở: “Không hiểu sao mấy ngày gần đây những chiếc xe tải hạng nặng này xuất hiện với cường độ dày đặc. Chúng chạy rầm rập trên mặt đê không lúc nào ngớt khiến chúng tôi vô cùng bức xúc. Ngoài tiếng động cơ gầm rú, tiếng thùng xe nhảy qua ổ gà tạo nên những âm thanh nhức óc, còn cả tình trạng bụi bay mù mịt. Gia đình chúng tôi đã phải đóng hết 2 lần cửa mà vẫn không thể nào chịu đựng được. Mỗi chiếc xe này có trọng tải   40-50 tấn nên khi chạy qua khiến nhà cửa cứ rung bần bật. Trước đây tình trạng này cũng đã từng xảy ra, nhưng do người dân nơi đây “kêu” dữ quá nên chính quyền địa phương đã phải vào cuộc. Những tưởng tình trạng này sẽ chấm dứt, vậy mà chỉ một thời gian ngắn đã tái diễn”.

"Hung thần" phá đê  ngang nhiên hoành hành ảnh 1

Những đoàn xe tải 40 tấn như thế này đang ngày đêm băm nát mặt đê Chã

Đê Chã, tuyến đê ngăn lũ sông Công vốn là địa bàn giáp ranh giữa xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) với xã Thuận Thành (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên). Theo thiết kế, đê Chã chỉ có thể chịu được trọng tải tối đa cho phép là 12 tấn, nhưng khi có mặt tại đây phóng viên ANTĐ chứng kiến hàng chục chiếc xe 40 tấn ì ạch nối đuôi nhau từ quốc lộ 3 kéo lên.

Một chủ quán nước gần cầu Đa Phúc than thở: “Tôi bán hàng ở đây đã lâu, nhưng bây giờ mất hết khách cũng vì những chiếc xe “hung thần” này. Chúng chạy suốt ngày phá tan lớp nhựa mỏng trải trên đê khiến bụi cuốn mù mịt vào tận phòng ngủ. Quán nước của tôi lau chỉ được ít phút là bụi lại phủ kín mặt bàn. Khách muốn ngồi uống cốc nước cũng phải đeo khẩu trang vì  chịu không nổi bụi. Mấy chiếc xe này mới xuất hiện cách đây ít lâu, nhưng như các anh thấy, đường đã tan nát cả. Không biết tình trạng này sẽ còn kéo dài đến bao giờ. Ngay cả tấm biển hạn chế trọng tải ở đầu tuyến đê cũng bị cánh lái xe quá tải tháo vứt đi đâu mất”.

Sẽ cho kiểm tra

Được biết, hồi đầu tháng 4-2015, sau khi người dân quá bức xúc với tình trạng xe quá khổ, quá tải tàn phá mặt đê, UBND huyện Phổ Yên đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ tình trạng này với sự tham gia của Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão, các ban, ngành liên quan cùng các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực cụm cảng Đa Phúc.

Tại cuộc họp, các bên liên quan cùng ký vào văn bản với nội dung việc xe quá tải hoạt động trên mặt đê là vi phạm nghiêm trọng pháp lệnh bảo vệ đê điều. Do đó các doanh nghiệp đang hoạt động tại cụm cảng Đa Phúc có xe vận tải phải giảm tải xuống dưới 12 tấn theo đúng quy định. Theo phản ánh của các hộ dân tại đây, sau cuộc họp, tình hình đã được cải thiện rất nhiều. Đặc biệt là khi một trạm cân kiểm soát tải trọng được đặt ngay tại khu vực này. Thế nhưng, từ ngày 1-7, không hiểu sao trạm cân này lại dời đi và ngay sau đó thì xe quá tải phá đê… tái xuất. 

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Thái Nguyên - đơn vị chủ quản của tuyến đê này - tỏ ra rất ngạc nhiên về thực trạng mà phóng viên thông báo. Ông Nam nói: “Cách đây vài hôm, tôi vừa đi kiểm tra và không thấy chiếc xe quá tải nào. Nếu có thì anh em ở dưới hạt quản lý cũng phải báo lên đây chứ?”. Tuy vậy, ông Nam cũng cam kết sẽ tiếp nhận thông tin và sẽ cho kiểm tra, đồng thời lắp đặt lại biển hạn chế trọng tải. “Nếu thực tế đúng như được phản ánh, Chi cục sẽ phối hợp với UBND huyện Phổ Yên và các cơ quan chức năng để có biện pháp chỉ đạo, xử lý vi phạm đê điều. Xe quá tải phá đê Chã không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn làm ảnh hưởng tới cuộc sống của gần 300 hộ dân đang sinh sống ở khu vực này. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này còn uy hiếp sự an toàn của thân đê, nhất là khi đang trong mùa mưa bão như hiện nay” - ông Nam nói.