Húng Láng di cư về Thái Bình hơn 600 năm trước?

ANTĐ - Khi rời vùng đất Láng Mọc, các dòng họ đều mang theo giống rau húng Láng, vốn là đặc sản của quê hương về trồng tại vùng đất mới.

Ít ai biết rằng giống rau thơm rất quý này đã “di cư” theo người dân ở làng “Láng Mọc” (Mộc) – Cầu Hàn về vùng đất Hổ Đội xã Thụy Lương (Thái Thụy, Thái Bình… đã hơn 600 năm trước.

Theo thần tích, thần phả của đền, đình và gia phả 12 dòng họ đang sinh sống tại làng Hổ Đội thì tên đất, tên làng nơi đây đã gắn liền với giai đoạn lịch sử oanh liệt đầy máu và nước mắt trên dưới 600 năm có lẻ; từ cuối đời Trần, đầu đời Hồ (khoảng năm 1398 – 1400).

Vào những năm cuối thời Trần, đầu thời Hồ, ông Phùng Thế Kỳ là cháu 12 đời của Phùng Đỗ (một vị tướng thời vua Lý Thái Tông – quê ở làng Minh Nghĩa thuộc trấn Sơn Tây, đã có công diệt loạn ở động Ma Sa – nay thuộc tỉnh Hòa Bình. Khi mất, ông được triều đình phong là thượng đẳng Phúc thần. 

Húng Láng di cư về Thái Bình hơn 600 năm trước?
Cánh đồng trồng húng Láng làng Đổ Hội. 

Phùng Thế Kỳ vào lúc đó nổi danh với tài văn, võ. Ông được vua Trần Thuận Tông gả con gái là công chúa Thiên Hương và phong cho chức Chiêu thảo An phủ xứ, trấn thủ ở miền tả ngạn sông Đà. 

Lúc đó Vương triều nhà Trần đã suy yếu, quyền chính trong triều lọt vào tay cha con Hồ Quý Ly. Năm 1398, Hồ Quý Ly bức vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho con là vua Trần Thiếu Đế. Năm 1399 Hồ Quý Ly sai người giết vua Trần Thuận Tông. Năm 1400 Hồ Quý Ly phế bỏ vua Trần Thiếu Đế rồi lập ra nhà Hồ. 

Trước tình cảnh Hồ Quý Ly lấn áp vua Trần, một số trung thần của triều đình nhà Trần cùng với danh tướng Trần Khát Chân lập mưu giết Hồ Quý Ly nhưng việc không thành. Trần Khát Chân cùng 370 người bị Hồ Quý Ly sát hại. 

Căm giận Hồ Quý Ly bạo nghịch, phò mã Phùng Thế Kỳ chiêu ngộ những người trung thành vì nghĩa lớn, thành lập đạo quân tinh nhuệ với tên gọi là đội quân Hổ Bôn, nhằm chống lại Hồ Quý Ly. 

Húng Láng di cư về Thái Bình hơn 600 năm trước?
 

Bị nhà Hồ truy kích gắt gao, vợ chồng phò mã Phùng Thế Kỳ đã cùng đội quân của mình và vài chục người thân tín (trong đó có 12 vị – sau này trở thành 12 vị thủy tổ của các dòng họ hiện đang sống tại xã Thụy Lương). Những người dân đi theo phò mã họ Phùng đều có nguồn gốc ở đất Yên Lãng và Nhân Mục mà tục gọi là làng Láng – Láng Mọc – Cầu Hàn). 

Đoàn quân rời thành Thăng Long di cư về vùng đất Noi Cáo (nay thuộc khu vực đất Hạ Hồng – Ninh Giang – Hải Dương) rồi vượt sông Luộc, men theo sông Hóa về vùng đất Tô Xuyên (Quỳnh Phụ). 

Do bị quân nhà Hồ truy kích ráo riết, đoàn quân tiếp tục vượt qua các làng Tu Trình – Quảng Nạp rồi tiến tới vùng đất ven biển Diêm Điền, cây cối um tùm, cồn cát hoang vắng, trước mặt là biển, xung quanh các cồn cát được bao bọc bởi nhiều sông lạch chằng chịt. 

Trước địa thế hiểm trở, họ quyết định định cư tại vùng đất mới. Đức Phùng Thế Kỳ đã lấy tên đội quân Hổ Bôn để đặt tên cho xóm, ấp mới xây dựng – sau này trở thành làng - đó là làng Hổ Đội ngày nay. 

Húng Láng di cư về Thái Bình hơn 600 năm trước?
Bia đá Hồng Đức sau đình làng Hổ Đội. 

Từ vùng đất hoang vu hẻo lánh, những người lính và dân làng Láng Mọc (Mộc) xưa đã xây dựng ngày đêm, đổ biết bao mồ hôi nước mắt và máu để tạo thành một vùng quê trù phú, giàu có nổi tiếng là vùng đất học, đất võ của vùng quê biển Thái Thụy, tỉnh Thái Bình ngày nay.

Thần tích, thần phả, gia phả của các dòng họ của làng Hổ Đội còn ghi rõ: Thủy tổ của các dòng họ trong làng là người làng Láng Mọc– Cầu Hàn. Sở dĩ gọi như vậy vì theo tương truyền thời bấy giờ (lúc còn ở Láng Mọc – Cầu Hàn) giữa hai làng giáp ranh nhau có một cây cầu tên gọi là Cầu Hàn bắc qua sông Tô Lịch để dân hai làng đi lại thuận tiện. 

Làng Yên Lãng (Làng Láng) đã sản xuất ra thứ rau thơm nổi tiếng để cung cấp cho sinh hoạt của nhân dân đô thành thời đó. Húng Láng – là một đặc sản trong 5 đặc sản nổi tiếng của vùng đồng bằng bắc bộ thời xa xưa: “Dưa la, húng láng, tương bần/ Cá rô đầm sét, sâm cầm Hồ Tây”.

Theo gia phả các dòng họ thì khi rời vùng đất Láng Mọc – Cầu Hàn ra đi, các dòng họ đều mang theo các giống rau húng Láng, tỏi, hành, vốn là đặc sản của quê hương về trồng tại vùng đất mới định cư. Trong thần phả, gia phả còn ghi câu thơ nhắc lại hành trình gian nan vất vả của các cụ xưa: “Tiền cư noi cáo/ Hậu đáo Tô Xuyên/ Vãng qua Tu Trình/ ký cư Quảng Nạp/ An cư Hổ Đội”.

Tại làng Hổ Đội xã Thụy Lương, qua tìm hiểu những người dân sở tại, chúng tôi được biết hiện đang có 20 – 30 hộ dân chuyên trồng rau húng Láng. Mỗi hộ trồng trên dưới 1 sào. 

Húng Láng di cư về Thái Bình hơn 600 năm trước?
Đình làng Đổ Hội. 

Theo những người dân địa phương, thời điểm trồng rau húng Láng thích hợp nhất là từ tháng giêng. Rau trồng chỉ sau 15 – 20 ngày đã cho thu hoạch, giá trung bình từ 10.000 – 15.000đ/1kg. 

Bên cạnh việc trồng rau húng láng người dân nơi đây còn trồng hành, tỏi (đây cũng là hai thứ củ rau gia vị từ Láng Mọc – Cầu Hàn di cư theo người xưa, hiện đang được trồng tại đồng đất Hổ Đội cho giá trị kinh tế rất cao. 

Rau húng Láng ở Hổ Đội thân tròn, đanh chắc - được trồng thành từng khóm, lá nhỏ, mặt lá màu xanh thẫm, cuống lá và gân lá có màu tím, thân cây có màu tím, mép lá có răng cưa (hơi thưa). 

Cho một lá húng láng vào miệng nhai ta thấy lúc đầu có vị hơi cay, sau đó dậy mùi thơm man mát lan tỏa rất dễ chịu. Thật đúng là mùi thơm rất đặc trưng chỉ có ở rau húng Láng. Nó không giống với mùi thơm hắc hoặc hương vị cay nồng của rau húng chó, húng chũi… 

Rau húng Láng được ăn cùng với các loại rau sống hoặc ăn cùng gỏi nhệch, gỏi día, hay những đặc sản khác của vùng biển thì quả là tuyệt vời. Nhấm nháp từng lá húng Láng, cho ta cảm nhận mùi thơm đặc trưng riêng có của giống rau thơm quý hiếm này mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. 

Tại cánh đồng trồng rau húng Láng ở làng Hổ Đội, chúng tôi gặp cụ Phạm Thị Được (73 tuổi ) – thôn 3 làng Hổ Đội. Cụ cho biết: “Đồng đất xã Thụy Lương và các làng Bao Hàm, Tu Trình … huyện Thái Thụy rất thích hợp với việc trồng và phát triển cây húng Láng - điều rất quan trọng là hương vị của rau húng Láng ở đây vẫn giữa nguyên mùi thơm của nó, không thua kém rau húng Láng ở đất Hà Thành”. 

Được biết, hiện tại ở các xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), Đông Hòa, Đông Mỹ, Hoàng Diệu (TP. Thái Bình) và nhiều xã trong tỉnh Thái Bình đều trồng cây húng Láng cung cấp cho các nhà hàng ở trong và ngoài tỉnh. 

Húng Láng di cư về Thái Bình hơn 600 năm trước?
Cây đa cổ trước đình Đông. 

Theo thần phả, thần tích còn lưu tại đình Đông của làng Hổ Đội thì khi rời đất Láng Mọc – Cầu Hàn, các cụ xưa đã mang theo bài vị của đức Thành hoàng Phùng Đỗ về vùng đất Hổ Đội. Sau khi phò mã Phùng Thế Kỳ và công chúa Thiên Hương qua đời, dân làng đã tôn họ là Thần hoàng và xây đình, đền để thờ. 

Hiện ở đình Đông còn lưu giữ 21 đạo sắc phong của các triều đại từ thời hậu Lê đến thời Nguyễn. Sắc phong cho Đức Phùng Đỗ là: Lân Linh Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần, Đức Phùng Thế Kỳ là Kỳ Đà Đại Vương, công chúa Thiên Hương là Nhân Nương Đại Vương…

Hiện ở đình làng còn lưu giữ hàng chục bức hoành phi, câu đối, ca ngợi công lao của các vị thần hoàng đối với dân, với nước. Tiêu biểu như đôi câu đối trước ngai thờ Đức Phùng Đỗ: “Nhất trận Ma Sa kinh phá phủ/ Thiên thu Hổ Đội thượng dư uy” (Tạm dịch nghĩa: Một trận đánh ở động Ma Sa phá tan sào huyệt, khiến cho giặc phải kinh sợ/ Nghìn năm sau đất Hổ Đội còn lưu mãi ghi danh).

Trước cửa đình Đông làng Hổ Đội hiện còn lưu giữ được cây đa cổ – tương truyền có niên đại trên dưới 600 năm, đường kính của cây đa cổ này khoảng 2,5 – 2,7m, chiều cao 25m. Đặc biệt phần gốc cây có nhiều bìu bạnh ra tạo ra những hang hốc gồ ghề cổ quái. Bộ rễ của cây đan cài vươn xa phủ quanh gốc trông thật kỳ thú. 

Theo di huấn của các tiền nhân, cây đa được trồng cùng vào thời gian phò mã Phùng Kỳ quyết định an cư tại đất Hổ Đội. Cây như vật chứng khẳng định những ngày đầu “khai hoang lập ấp” của người xưa tại vùng đất này. 

Hiện nay cây đa cổ làng Hổ Đội đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. 

Vùng quê Hổ Đội – Thụy Lương trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nay là một làng duy nhất của một xã với 5.300 nhân khẩu, hiện đang lưu giữ rất nhiều giá trị lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể. 

Đặc biệt nơi đây còn bảo lưu và thuần chủng được giống hành, tỏi và giống húng Láng có hương vị đặc biệt không thua kém gì giống húng Láng từng được trồng ở vùng Láng – TP. Hà Nội. 

Ông Lê Ngọc Tài – Chủ tịch UBND xã Thụy Lương khẳng định: “Giống húng Láng là “di sản” hơn 600 năm của tổ tiên trên con đường đi tìm đất mới. Húng Láng quê tôi có hương vị rất đặc biệt, lại cho giá trị kinh tế cao. Ngoài giá trị kinh tế, cây húng Láng còn được biết bao thế hệ người dân Hổ Đội coi như “báu vật gia truyền” của cha ông để lại cần phải gìn giữ và phát triển cho muôn đời sau”.