Huế: Không dùng ngân sách nhà nước trong triển khai mặc áo dài nam nơi công sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước những ý kiến cho rằng, việc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến khích người lao động mặc áo dài vào 1 ngày trong tháng sẽ phát sinh chi phí không cần thiết, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thừa Huế khẳng định, kinh phí may áo dài không lấy từ nguồn kinh phí nhà nước mà nhận được sự hỗ trợ của các nhà may và lãnh đạo Sở bỏ tiền túi để góp thêm cho chi phí mua vải. Vì thế, không có sự lãng phí nào ở đây cả. 

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, mỗi bộ áo dài ngũ thân của nam giới có chi phí khoảng 800.000 đồng, áo dài của nữ giới thì chi phí thấp hơn. Nhưng cơ sở may đo đã hỗ trợ thiết kế và công may, nên chỉ tốn chi phí cho mua vải. Và chính ông đã chủ động bỏ tiền cá nhân để hỗ trợ anh em chi phí này.

“Việc mặc áo dài vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng, Sở chỉ khuyến khích chứ không có bất cứ văn bản nào bắt buộc cán bộ phải mặc áo dài. Khi chúng tôi đưa ra ý kiến về việc cả nam và nữ văn phòng mặc áo dài cố định trong 1 ngày, đã nhận được sự hưởng ứng của người lao đông. Do vậy, chúng tôi đã bắt tay ngay vào thực hiện", ông Hải nói.

Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế triển khai mặc áo nam đến công sở

Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế triển khai mặc áo nam đến công sở

Ông Phan Thanh Hải cho biết thêm, tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, xây dựng Đô thị di sản trên nền tảng phát huy giá trị di sản văn hóa và bản sắc văn hóa Huế.

Tỉnh cũng đang xây dựng đề án “Kinh đô Áo dài Việt Nam”, mà thời gian qua đã có nhiều sự kiện, hoạt động để phục hồi áo dài truyền thống như: Hành hương tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng, những người được xem là sáng tạo và phát triển áo dài Việt như “quốc phục”; Vận động các cán bộ viên chức, giáo viên, học sinh sinh viên (nữ giới)… mang áo dài truyền thống đến cơ quan công sở, trường học.

Trong khi áo dài nữ dễ dàng được chấp nhận tại công sở, trường học thì áo dài nam khi đưa vào thực tế lại khó khăn hơn trước định kiến cho rằng, nam giới không phù hợp khi khoác lên mình tà áo dài quê hương. Tuy nhiên, các nhà thiết kế thời trang và các nhà nghiên cứu đã lên tiếng ủng hộ cách làm này của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế vì cha ông ta từng mặc áo dài ngũ thân và đây là một hoạt động hướng về truyền thồng.

Hơn thế, đàn ông các nước như Scotland, Mianmar còn mặc váy thì chiếc áo dài ngũ thân dành cho nam giới của Việt Nam xem ra vẫn còn nam tính và mạnh mẽ hơn nhiều. Đây cũng chính là cách phản biện hiệu quả nhất mà mọi người đều nhìn thấy và tin tưởng, hoạt động của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế là đúng đắn và hiệu quả nhằm thực hiện đề án xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài, góp phần phát triển kinh tế du lịch địa phương.