Hứa nhiều, thất hứa cũng nhiều

ANTĐ - Ngày tái cử Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VI (2009-2013) ông Nguyễn Trọng Hỷ đưa ra nhiều hứa hẹn, vẽ ra nhiều viễn cảnh tươi sáng cho bóng đá Việt Nam. Thế nhưng 4 năm trôi qua, khi thời điểm ông Hỷ rời nhiệm sở đang đếm ngược từng ngày, nhiều việc vẫn chỉ dừng ở lời hứa.

Ông Nguyễn Trọng Hỷ (trái) sắp ra đi, để lại sau lưng một nền bóng đá ngổn ngang

Ánh hào quang từ chức vô địch AFF Cup 2008 đã gián tiếp giúp ông Hỷ tái đắc cử nhiệm kỳ (2009-2013) với số phiếu tuyệt đối 67/67. Ở Đại hội năm đó, ông Nguyễn Danh Thái (lúc đó là Thứ trưởng Thường trực Bộ VH-TT&DL) đã thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề mà BCH khóa V chưa làm được và phải khắc phục như tập hợp hơn nữa các nhà chuyên môn bóng đá, tránh tình trạng lãng phí chất xám; nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển của bóng đá Việt Nam; giới hạn số lượng cầu thủ ngoại trên sân, bảo đảm cơ hội phát triển cho các cầu thủ trẻ trong nước; trả lương cầu thủ phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam; quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo trẻ, tạo sân chơi cho các cầu thủ trẻ, không vì thành tích trước mắt mà xao nhãng việc xây đắp tương lai cho bóng đá Việt Nam… Đáp lại, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ hứa hẹn: “Khóa VI sẽ là một khóa đoàn kết và có đột phá. Mục tiêu của tôi đề ra trong nhiệm kỳ mới là phải nhanh chóng hoàn thiện Trung tâm đào tạo trẻ. Nâng cao chất lượng HLV, cầu thủ và đưa giải đấu Việt Nam thực sự trở thành giải chuyên nghiệp”. 

4 năm qua, ông Hỷ với cương vị Chủ tịch VFF đã thực hiện lời hứa như thế nào? Đầu tiên, mục tiêu xây dựng đoàn kết nội bộ. Rõ ràng chưa thành công khi bản thân các thành viên BCH không ít lần “nói xoáy” nhau trên báo, hoặc nêu quan điểm kiểu “mỗi người một phách” trước một sự kiện quan trọng cần sự thống nhất cao. Mới nhất là cơn sóng ngầm giữa 2 vị Phó Chủ tịch VFF xoay quanh việc chọn HLV cho đội tuyển. Còn về Trung tâm đào tạo trẻ. Sự thật là VFF cũng đã xây dựng được 3 sân cỏ tự nhiên chất lượng trung bình trên mặt bằng sẵn có của VFF.

Điều đáng nói, nó được xây bởi tiền FIFA cấp, và hiện chỉ cho thuê hoặc để đội tuyển tập chứ không có lứa trẻ nào. Hệ quả là giải đấu trẻ gần đây nhất tại Nhật Bản, VFF phải “cầu cứu” đội trẻ Hoàng Anh Gia Lai tham dự. Riêng mục tiêu nâng cấp chất lượng đội tuyển? Việc thụt lùi từ HCV AFF Cup 2008 đến Á quân SEA Games 2009,  HCĐ AFF Cup 2010, hạng 4 tại SEA Games 2011 đến bị loại ngay từ vòng loại AFF 2012 đã thay lời minh chứng. Còn mục tiêu đưa giải đấu Việt Nam thực sự chuyên nghiệp đã chính thức phá sản, thậm chí còn đẩy V-Leauge tới đáy khủng hoảng. Trong khi khán giả - thước đo thành công của giải đấu liên tục giảm từ 10.326 người/trận năm 2009 còn 7.760 người/trận năm 2012. 

Đại hội VFF khóa VII đang cận kề. Ông Hỷ chắc chắn sẽ ra đi, nhưng sau lưng vẫn còn đó những lời hứa…