Hủ tục trả thù gia tộc

ANTĐ - Một đêm năm 2010, Shakila bỗng tỉnh giấc khi bị một nhóm đàn ông tay mang súng AK-47 xồng xộc vào nhà bắt cóc cô đi. Họ luôn miệng nói về việc gia đình họ đã từng bị người nhà Shakila làm nhục như thế nào và họ sẽ trả thù cho gia tộc…

Cô bé Shakila bị bắt cóc và giam giữ 1 năm bởi hủ tục “baad”

Vượt ngục

Đêm hôm đó cô bé Shakila, 8 tuổi, ở huyện Naray, tỉnh Kunar, Afghanistan, cùng một em họ bị bắt cóc theo hủ tục có tên là “baad” (trả thù) của người Afghanistan. Một người chú của Shakila đã bỏ trốn cùng vợ của một người đàn ông có quyền thế trong vùng, vì vậy gia đình kia đã cắt cử người đến bắt cóc Shakila để đền tội cho chú của em. Là người ngoài cuộc, cha của Shakila tức giận bởi ông đã hứa gả Shakila cho một người đàn ông khác. Shakila kể lại: “Cháu không hề biết chuyện gì đã xảy ra. Họ đưa chúng cháu đến một căn phòng tối tăm với những bức tường đá và đánh đập”. Sau đó họ liên tục gào thét vì chú của Shakila làm ô danh gia tộc họ nên cô bé và em họ mình sẽ phải đền tội thay.

Ngày đó, sau 3 tháng bị cầm tù, Shakila và em họ được phép ra ngoài để đi lấy củi và nước cho những kẻ bắt cóc. Mỗi ngày hai chị em được cho chút bánh mỳ và nước uống. 6 tháng ròng rã, Shakila không được tắm rửa, thay quần áo. Khi được hỏi về những vết sẹo dài trên mặt, Shakila nói đó là những vết thương khi bị bọn người bắt cóc tra tấn, ném vào tường đá. Một hôm, hai chị em Shakila lợi dụng lúc được ra ngoài đã chạy trốn khỏi nơi tăm tối đó. Em họ của Shakila chạy trốn trước, sau đó Shakila vượt qua cửa chính, luồn mình qua các bụi rậm để trở về ngôi làng nơi cô sinh ra. Nhóm người bắt cóc đã truy tìm hai chị em Shakila. Cha của Shakila, ông Gul Zareen, đoán biết họ sẽ không tha cho gia đình ông nên cả gia đình kéo nhau vượt núi đến sống tại Asadabad, bỏ lại toàn bộ tài sản. Mặc dù ra đi tay trắng, nhưng ông Gul Zareen cho biết gia đình ông vẫn khao khát được trở về Naray sống, họ đã kiến nghị lên tòa án mong nhận được sự bảo trợ nếu gia đình ông trở về nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi đáp.

Nơi không biết đến pháp luật

Theo luật pháp của Afghanistan, tục “baad” (còn được gọi là “baadi”) là bất hợp pháp, tuy nhiên hiện nay hủ tục này vẫn tồn tại và phát triển ở đất nước Hồi giáo này. Khi một người nào đó gây tội với gia đình khác thì những người thân, họ hàng của người ấy sẽ bị trả thù. “Baad” thường liên quan đến những bé gái hoặc phụ nữ trẻ bị bắt ép làm nô lệ, ép cưới. Các cô gái là nạn nhân của hủ tục này phần lớn phải đền tội cho những tội “đáng xấu hổ” như giết người, ngoại tình… do người thân của họ gây ra.

Theo lời của cụ Mohammed Nader Khan, một người cao tuổi sống ở tỉnh Helmand, người thường xuyên tham gia các cuộc phán xét liên quan đến tục lệ “baad”, có 2 lý do người dân không tìm đến tòa án để phân xử, một là do tệ nạn tham nhũng, công khai vòi tiền, hai là do bất ổn. “Ngoài ra, ở những khu vực có Taliban chiếm đóng, chúng sẽ không cho phép người dân đến tòa án để giải quyết vấn đề của họ”, cụ Khan nói. 

Nhà nghiên cứu xã hội học người Afghanistan Nasrine Gross cho biết, nhiều khu vực miền núi và sa mạc của Afghanistan, có những bộ tộc du mục không hề biết đến tòa án, pháp luật hay cảnh sát, họ duy trì quyền thế và trật tự bằng bạo lực và giết chóc lẫn nhau. Khi vấn đề không được giải quyết thì các cô gái sẽ là “vật hiến tế” kết hôn với người của gia đình có mối thâm thù. Thêm vào đó, cô gái sẽ sinh con cho gia đình kia, tượng trưng cho việc thay thế và bồi thường lao động cho bên gia đình có người thân bị mất.

Năm 2009, Afghanistan đã ban hành lệnh cấm hủ tục “baad”. Nhưng theo một báo cáo năm 2010 của Liên hợp quốc, hủ tục “baad” vẫn hoành hành ở khu vực nông thôn Afghanistan.