Hủ tục biến tướng ở Nigeria - cô dâu trẻ bị rao bán trên Facebook

ANTD.VN - Monica, 16 tuổi cùng cô em gái 14 tuổi được cha mình đăng ảnh lên Facebook của ông rồi gả bán cho những người đàn ông liên hệ qua mạng xã hội. Hai chị em Monica không muốn kết hôn trước lúc học xong trung học ở Ogbakoko, một ngôi làng nhỏ ở khu Obanliku, miền Trung - Nam Nigeria, nhưng họ đã trở thành nạn nhân của một hủ tục khiến các bé gái chỉ khoảng 10 tuổi đã bị biến thành “cô dâu bị gả bán”.

Rose Inyite, một trong những nạn nhân bị gả bán làm vợ từ lúc mới 10 tuổi

Hai chị em Monica là thành viên cộng đồng Becheve, một bộ tộc lớn gồm 17 ngôi làng ở Obanliku, nơi có một phong tục lâu đời rằng các bé gái được coi như một “món trao đổi” cho thực phẩm, gia súc, tiền mặt hay giải quyết các khoản nợ. Giống như hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cô gái từ bộ tộc Becheve là nạn nhân của các cuộc hôn nhân vì tiền, Monica và em gái của cô đã bị gả bán mà không cần phải đồng ý. Cha họ muốn xóa khoản nợ với một người họ hàng xa. Thế là, hai cô gái làm đám cưới cách nhau 1 tháng với những người đàn ông mà họ hoàn toàn không biết còn tuổi tác đủ để làm… ông của họ.

“Chào hàng” trên Facebook

Hai người chồng lớn tuổi này liên lạc với cha Monica sau khi đọc trang Facebook của ông, trên đó ông giới thiệu ảnh 6 cô con gái để thu hút sự chú ý. Những người đàn ông trong gia tộc đã phát hiện thấy công nghệ mới này mở ra khả năng tìm được “đối tác” phù hợp. “Cha tôi không biết gì về Facebook cho đến khi anh trai tôi mua cho ông ấy một chiếc điện thoại thông minh rồi thuyết phục ông ấy tham gia Facebook và đăng ảnh của chúng tôi bất cứ khi nào ông ấy thích”, Monica tâm sự. “Ông ấy sẽ mua quần áo mới, buộc tôi và các chị em tôi phải mặc vào để chụp ảnh”.

“Hầu hết những người đàn ông Becheve không biết gì về Facebook cho đến khi đám thanh niên cho họ xem. Các trang Facebook mang tên các ông bố nhưng tạo tài khoản và đăng ảnh là những người trẻ. Những người trẻ tuổi có một vai trò to lớn trong việc ngăn chặn hủ tục này. Chúng tôi đang tìm đến những chàng trai trẻ trong cộng đồng Becheve để ngăn chặn việc sử dụng Facebook để trưng ảnh của các cô gái với mục đích thúc đẩy họ kết hôn”

Queen Eteng (nhà nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ chuyên về nữ quyền ở Nigeria)

Trong cộng đồng Becheve, cha mẹ cô dâu đưa con gái mình đến với những người đàn ông có tiền bất cứ khi nào họ nghĩ rằng đã đến lúc gả đi hoặc chờ đợi những người đàn ông quan tâm hỏi cưới con gái mình. Nhưng trong những tháng gần đây, các gia đình đang rất muốn gả bán con tìm được một giải pháp, đó là “chào hàng” qua Facebook.

 “Chính những người trẻ tuổi đã thuyết phục những người đàn ông lớn tuổi tìm vợ trên Facebook”, Monica, người đã bỏ chồng chưa đầy 1 năm sau khi cô kết hôn cho biết. “Người đàn ông mua tôi về nói rằng con trai cả cho ông ấy xem ảnh tôi trên Facebook và liên lạc với cha tôi”. 

 “Tập tục này nhằm tăng cường vị thế của những người đàn ông trong cộng đồng Becheve. Càng nhiều vợ, họ càng được tôn trọng trong cộng đồng”, Magnus Ejikang, một quan chức địa phương ở Ogbakoko nói với The Daily Beast. 

Xa hơn là “đấu giá cô dâu” trực tuyến

Trên thực tế, bộ tộc ở Nigeria sử dụng Facebook đúng nghĩa đen là cuốn sách giới thiệu các khuôn mặt, mặc dù việc trao đổi tiền hoặc hàng hóa thực tế không diễn ra trực tuyến. Người ta đã phát hiện ở một số nền văn hóa khác, các cô dâu được bán đấu giá trực tuyến và Facebook đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn giao dịch.

Việc Facebook được sử dụng như một công cụ để tạo điều kiện cho hôn nhân trẻ em không phải duy nhất ở Nigeria mới có. Tháng 11 năm ngoái, nền tảng truyền thông xã hội này đã bị lên án vì đăng thảo luận về việc bán một cô gái 16 tuổi ở Nam Sudan. Nạn nhân được cha mình gả bán để nhận 530 con bò, 3 chiếc xe Land Cruiser V8 và 10.000 USD. Tham gia phiên “đấu giá” thiếu nữ này có 5 người đàn ông, trong đó có cả quan chức cấp cao trong Chính phủ Nam Sudan.

Facebook cho biết họ đã gỡ bài đăng ngay khi biết tin này vào ngày 9-11-2018, nhưng khi đó, nạn nhân Nyalong Ngong Deng Jalang đã trở thành vợ thứ 10 của ông Kok Alat, một doanh nhân giàu có tại Thủ đô Juba sau lễ kết hôn hôm 3-11. Bài đăng tìm kiếm “người đấu giá” được công bố vào ngày 25-10. Sau khi công bố “giá trúng thầu”, Jalang đã được phương tiện truyền thông địa phương gọi là “người phụ nữ đắt nhất Nam Sudan”.

Hủ tục biến tướng ở Nigeria - cô dâu trẻ bị rao bán trên Facebook ảnh 2Cuộc sống của người dân bộ tộc Becheve ở Nigeria còn khá lạc hậu 

Khốn khổ thân phận “vợ được mua về”  

Với nhiều người vợ được mua về, quãng thời gian sống ở nhà chồng trở thành thảm họa, đã có nhiều báo cáo về lạm dụng và bóc lột trong hôn nhân. “Một khi đã bỏ tiền ra cưới, ông ta biến tôi thành nô lệ và thành chiếc túi đấm đá của anh ta”, Monica kể. Hai chị em gái Monica được gả đi để gia đình nhận về 20.000 naira Nigeria (khoảng 50 USD), cùng 2 con dê, 1 con lợn và chút lương thực. “Ông ta nói đã trả rất nhiều tiền để cưới tôi, vì vậy tôi phải làm việc chăm chỉ bằng cách làm quần quật trong trang trại để chứng minh rằng mình là một người vợ biết ơn”. 

Em gái Monica vẫn sống chung với người chồng 65 tuổi, trong khi cô không phải là người phụ nữ duy nhất kết thúc cuộc hôn nhân cưỡng bức sau khi những bức ảnh của họ xuất hiện trên Facebook. Regina, một thiếu nữ 15 tuổi thuộc bộ lạc Becheve, bị cha mẹ gả bán hồi tháng 1-2019 cho một người đàn ông đã có 2 vợ và 11 đứa con. Chồng cô đã nhìn thấy ảnh của cô trên trang Facebook của chú Regina, người thường xuyên đăng ảnh cháu gái trong họ lên mạng xã hội để thu hút sự chú ý của đàn ông đang tìm vợ. Sau đó, người chú gây áp lực với cha mẹ Regina, uy hiếp tinh thần anh trai cô để rồi cô bị buộc phải kết hôn.

“Người chú tham lam của chúng tôi đã thuyết phục bố mẹ tôi cho con gái kết hôn vì ông ta muốn có một phần tiền bán cô dâu”, John Ashua, anh trai của Regina nói. “Ông ta kiếm sống bằng cách tìm chồng cho các cô gái ngay cả khi họ chưa sẵn sàng kết hôn”. Cuộc sống hôn nhân khiến Regina buộc phải bỏ học và làm hầu hết các công việc nhà, và chăm sóc đàn gia súc khoảng vài chục con dê và lợn. Cô còn bị phạt nếu cô không làm việc như yêu cầu. “Đêm qua ông ta đánh tôi vì tôi nói rằng tôi mệt mỏi và không thể “chiều” ông ta được. Cứ khi nào đi đến đêm mới về, ông ta lại đòi “quan hệ”, Regina, hiện đang mang thai phàn nàn.

Thách thức để xóa bỏ hủ tục

Facebook rất phổ biến ở Nigeria với gần 20 triệu người (chiếm 20% dân số) sử dụng. Nhưng ở các vùng nông thôn như cộng đồng Becheve, truyền thông xã hội chủ yếu phổ biến trong giới trẻ, những người chủ yếu dùng điện thoại thông minh. Nhiều người nói rằng, những người trẻ tuổi trong gia tộc thực sự đứng đằng sau những cuộc tìm cô dâu gả bán trên Facebook. “Hầu hết những người đàn ông Becheve không biết gì về Facebook cho đến khi đám thanh niên cho họ xem. Các trang Facebook mang tên các ông bố nhưng tạo tài khoản và đăng ảnh là những người trẻ”, Queen Eteng, một nhà nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ về nữ quyền nói. 

Mặc dù đây là một phong tục có từ lâu đời nhưng các nhà hoạt động xã hội tin rằng vẫn có khả năng thay đổi trên thực tiễn. “Những người trẻ tuổi có một vai trò to lớn trong việc ngăn chặn hủ tục này. Chúng tôi đang tìm đến những chàng trai trẻ trong cộng đồng Becheve để ngăn chặn việc sử dụng Facebook để trưng ảnh của các cô gái với mục đích thúc đẩy họ kết hôn”, bà Queen Teng nói.