"Hot boy nổi loạn": Càng xem, cảm xúc càng…"nổi loạn"

ANTD.VN - 6 năm kể từ sau “Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt”, phần 2 của bộ phim này mới được đạo diễn Vũ Ngọc Đãng tự tin đưa ra rạp.

1. Trong phần 2 của bộ phim mà đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thực hiện chỉ còn lại giữ lại 1 vế nội dung của phần 1 là “Hotboy nổi loạn”, còn “câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt” hoàn toàn biến mất. Sau khi xem phần 1, nhiều người góp ý với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng về sự lan man và thừa thãi khi anh kể cùng lúc hai câu chuyện mà cả hai lại chẳng liên quan gì đến nhau.

Ban đầu thì Đãng không nghe, nhưng sau khi đưa phim tham gia một số liên hoan phim quốc tế, Đãng nhận được những góp ý tương tự, rằng nếu phim chỉ xoay quanh câu chuyện về “Hotboy nổi loạn” thì sẽ cô đọng và có sức nặng hơn. Có vẻ như sau khi cân nhắc, Đãng đã chịu nghe theo lời khuyên của mọi người. Đó cũng là lý do ở phần 2, anh chỉ kể câu chuyện xung quanh cuộc sống của anh chàng “hotboy” làm nghề “đứng đường”. Phần 2 vì thế chỉ còn giữ lại tên “Hotboy nổi loạn”. 

“Hotboy nổi loạn” cũng là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam dán nhãn 18+ dựa theo tiêu chí phân loại phim mới được Cục Điện ảnh đưa vào thực hiện. Tuy nhiên, việc dán nhãn 18+ có lẽ không phải bởi phim có những cảnh nhạy cảm hay còn gọi là cảnh “nóng”, mà bởi cách kể và cách tả của Đãng khiến người xem cảm thấy rùng mình. Trong đó phải kể đến cảnh anh để nhân vật chính - Lam (Lương Mạnh Hải đóng) bị ném xuống cống ngầm rồi ngấu nghiến ăn con cá trê sống.

Những tình tiết sởn gai ốc đó cũng như cách Đãng chọn để mô tả câu chuyện về cuộc sống “đứng đường” nay đây mai đó của Lam giữa thế giới những người đồng tính khiến nhân vật này hiện lên trong phim với bức chân dung mà phần “con” lấn lướt phần “người”: Bất cần, liều lĩnh, bất chấp tất cả, thậm chí đánh đổi cả tính mạng mình chỉ để có tiền. Có điều, có tiền để làm gì lại là lý do không được Đãng lý giải thỏa đáng ở trong phim.

2. Có rất nhiều điều khúc mắc tương tự mà Đãng hoặc là cảm thấy không cần phải lý giải cho thỏa đáng, hoặc là Đãng lý giải nhưng chưa khiến người xem cảm thấy hài lòng. Ví như chi tiết sau nhiều năm lang thang vạ vật khắp Nha Trang để tìm kiếm người tình bị mất liên lạc, Lam trở về quê nhà thăm mẹ và em gái nhưng lập tức bỏ đi, mặc dù biết cả hai thường xuyên bị cha dượng của mình đánh đập.

Điều này Đãng để nhân vật cô em gái lý giải ở trong phim: “Anh mà đánh dượng, mai mốt anh đi, dượng lại càng đánh mẹ và em”. Thế là một kẻ “đầu gấu” và ngổ ngáo chấp nhận lầm lũi quay đi, chọn cách thỉnh thoảng gửi tiền về cho mẹ và em thông qua người hàng xóm.

Hay như cách Đãng để Lam dù ngủ bờ ngủ bụi ngoài chợ hay co quắp trốn chui trốn lủi trong căn căn phòng trọ thuê gần đó, thậm chí cả khi bị thương ở đầu và được một người bạn đưa về nhà băng bó nghỉ ngơi… lúc nào cũng đầu tóc bóng mượt, quần áo là lượt chỉnh tề khiến người xem cảm thấy khó hiểu.

Sự xuất hiện của nhân vật Cuội - người yêu của Long tưởng rằng sẽ đưa người xem đến với câu chuyện tình tay ba đồng giới giữa Lam - Long - Cuội nhưng không phải thế. Nhân vật này suy cho cùng có cũng được, mà không có cũng chẳng ảnh hưởng gì đến kết cấu của phim. Bên cạnh đó, những câu thoại đầy tính triết lý và hướng thiện trong phim lại được cất ra từ Lam - một nhân vật chưa bao giờ có ý định hoàn lương và hướng thiện, cho tới vài phút trước khi phim kết thúc.

Theo dõi cuộc hành trình của Lam từ đầu cho tới cuối phim, người ta chẳng biết rốt cuộc anh quay trở lại nghề “đứng đường” để làm gì, để tìm kiếm cơ hội gặp lại người yêu cũ, để kiếm tiền hay chỉ vì “ngựa quen đường cũ”. Cả ba lý do này xem ra đều không phải, bởi xuyên suốt phim, Lam xuất hiện như một kẻ không có mục đích sống, giống như ngay chính bản thân nhân vật này cũng chẳng biết lý do mình tồn tại. 

Ngoại trừ những góc quay đẹp và sự tối ưu về mặt ánh sáng vốn là thế mạnh của Đãng, “Hotboy nổi loạn” khiến người xem cảm thấy tiếc cho đạo diễn này, chí ít bởi anh đã kể một câu chuyện mà xem xong, nhiều người thấy sợ thế giới của những người đồng tính hơn là cảm thông và rộng lòng với họ.