Hợp tác Việt - Trung gìn giữ bầu trời xanh cho khu vực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc chia sẻ hành trình đạt ‘kỳ tích’ chuyển đổi năng lượng, giám sát ô nhiễm không khí toàn diện để giữ bầu trời xanh cho Bắc Kinh.

Hội nghị P4G (Hà Nội, 15-17/4/2025), với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, là sự kiện cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh có quy mô lớn nhất do Việt Nam đăng cai tổ chức trong giai đoạn 2021-2026. Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ cập nhật xuyên suốt những cam kết mạnh mẽ, vai trò chủ động và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị P4G.

Sáng 16/4, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tiếp và làm việc với bà Quách Phương, Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc nhân dịp Thứ trưởng tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G).

Tại buổi gặp, hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ kinh nghiệm về quản lý chất lượng không khí, xây dựng thị trường carbon và ứng phó biến đổi khí hậu.

Buổi tiếp song phương giữa Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, sáng 16/4 tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Chi.
Buổi tiếp song phương giữa Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, sáng 16/4 tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Chi.

Giai đoạn 2015 - 2024, khi GDP Trung Quốc tăng trưởng 55%, số lượng xe tăng tăng 110%, nhưng nồng độ PM2.5 toàn quốc giảm 36%, riêng Bắc Kinh giảm 61%.

Sự thành công này nhờ hệ thống quản trị ô nhiễm môi trường, với phương châm “Chính phủ là chủ đạo, doanh nghiệp là chủ thể, khoa học công nghệ là nền tảng, toàn dân là bảo hộ”. Bốn trụ cột này đã đảm bảo sự phát triển môi trường - xã hội, cải thiện chất lượng không khí cho nước bạn.

Theo lãnh đạo Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, một trong những giải pháp chính là điều chỉnh kết cấu năng lượng sạch trong công nghiệp và giao thông. Trong 10 năm qua, tỷ trọng tiêu thụ than trên thị trường Trung Quốc đã giảm mạnh, từ mức 47% xuống còn 23% vào năm 2024.

Ở miền Bắc nước này, nhiều biện pháp đã được triển khai để thúc đẩy quản trị và cắt giảm khí thải từ than đốt. Hiện nay, thủ đô Bắc Kinh phát triển hệ thống cung cấp nguồn nhiệt thay thế than sưởi ấm cho các địa phương lân cận, giúp 4.100 hộ dân chuyển đổi năng lượng sạch, đồng thời cắt giảm khoảng 80 triệu tấn than tiêu thụ.

Song song đó, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống sản xuất thép sạch lớn nhất thế giới, góp phần quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải của ngành công nghiệp nặng.

Còn trong lĩnh vực giao thông, xuất khẩu xe sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc hiện chiếm tới 70% thị phần toàn cầu và nhiều năm liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu thế giới.

Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Quách Phương chia sẻ kinh nghiệm giám sát ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc. Ảnh: Quỳnh Chi.
Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Quách Phương chia sẻ kinh nghiệm giám sát ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc. Ảnh: Quỳnh Chi.

Đặc biệt, nước bạn cũng ứng dụng nhiên liệu sinh học trong hệ thống sưởi ấm và áp dụng công nghệ vệ tinh viễn thám để giám sát mật độ ô nhiễm tại các địa phương, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Quách Phương, ô nhiễm không khí và môi trường là vấn đề không thể tránh khỏi trong quá trình công nghiệp hóa đất nước.“Bầu trời xanh là kỳ tích của Bắc Kinh, nhờ hệ thống giám sát ô nhiễm không khí toàn diện”, bà Quách Phương khẳng định và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.

Đáp lời Thứ trưởng Quách Phương, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao những nỗ lực của Trung Quốc trong việc cải thiện chất lượng không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn. Bộ trưởng đặc biệt ấn tượng với giải pháp sử dụng công nghệ viễn thám để giám sát mật độ ô nhiễm không khí.

“Đây là hướng đi hiện đại, hiệu quả và có thể được các nước tham khảo, áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm, những biện pháp quyết liệt đã mang lại kết quả rõ rệt, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Trung Quốc trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhận xét, trong quá trình chuyển đổi năng lượng, việc tham gia tài chính xanh sẽ tạo động lực cho quốc gia và doanh nghiệp. Bộ trưởng thông tin, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý, chủ động tham gia các cơ chế hợp tác đa phương, tập trung kiểm soát phát thải khí CO2.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chia sẻ về định hướng tăng trưởng xanh của Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chia sẻ về định hướng tăng trưởng xanh của Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi.

“Việt Nam đang chuyển đổi sản xuất theo hướng phát thải thấp, đồng thời xây dựng nền tảng cho thị trường carbon trong nước, dự kiến vận hành thí điểm đến năm 2028. Với sự đồng hành của các bạn, mong rằng chúng tôi có thể đẩy nhanh quá trình này”, Bộ trưởng Duy kỳ vọng.

Trong lĩnh vực thị trường carbon, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm của Trung Quốc trong tổ chức và vận hành thị trường carbon quốc gia, và mong muốn thiết lập kênh hợp tác chuyên sâu để học hỏi và từng bước triển khai hiệu quả tại Việt Nam.

Cùng với đó, tại Hội nghị P4G, Bộ NN-MT mong muốn hợp tác với Trung Quốc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc chia sẻ thông tin, chính sách liên quan đến các mục tiêu, lộ trình và giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.

Một hướng hợp tác quan trọng là cùng nghiên cứu, so sánh các khung pháp lý và quy định hiện hành, phân tích điểm mạnh, điểm yếu trong hệ thống quản lý khí nhà kính của hai nước nhằm học hỏi và cùng nhau hoàn thiện.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ các công ước quốc tế và sẽ cùng Chính phủ các nước lan tỏa sự đóng góp quốc gia vào mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc chuyển giao công nghệ giám sát khí hậu, hệ thống cảnh báo sớm, cũng như các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu cho cả khu vực công - tư và cộng đồng.