Theo Luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư Hà Nội, quan điểm này được kế thừa trên cơ sở Hiến pháp 1992. Về quan hệ song phương, Việt Nam tiếp tục phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; ưu tiên phát triển quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng có chung biên giới. Là thành viên ASEAN, Việt Nam chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, duy trì và củng cố vai trò quan trọng của ASEAN. Về ngoại giao đa phương: Việt Nam sẽ mở rộng tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, trách nhiệm vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu, đặc biệt là Liên hợp quốc.
Với tinh thần trên, tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu trong đó nêu rõ: Các nước cùng phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định hợp tác cùng phát triển, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, tăng cường các mặt hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi, không phân biệt quốc gia lớn hay quốc gia nhỏ.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc.