PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an):

Hợp tác quốc tế chặt chẽ, đặt ra trách nhiệm chung để tạo nên áp lực đủ lớn đẩy lùi khủng bố toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hôm nay 11-9-2021, nước Mỹ tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố thảm khốc, khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Nỗi đau vẫn còn đó, mối họa khủng bố vẫn còn dai dẳng. PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an đã trả lời phỏng vấn An ninh Thủ đô xoay quanh cuộc chiến chống khủng bố của nước Mỹ suốt 20 năm qua và giải pháp trong tình hình sắp tới.

Cuộc chiến chống khủng bố thức tỉnh 7 tỷ người trên hành tinh

- PV: Nhìn lại vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, theo ông, sự kiện này có ý nghĩa gì trong lịch sử hiện đại nước Mỹ?

- PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an: Đây là một sự kiện đặc biệt đối với người dân Mỹ, đối với nước Mỹ và cả thế giới. Chỉ riêng với nước Mỹ thôi, chúng ta nên nhớ kể từ khi thành lập năm 1776 đến năm 2001 là 225 năm nước Mỹ chưa bao giờ xảy ra chiến tranh trên lãnh thổ của mình. Ngoài cuộc chiến tranh Bắc Nam năm 1861, tiếp tục là cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Mexico vào đầu thế kỷ XIX hay trong cuộc đại chiến thế giới thứ hai, không có một viên đạn, một quả bom nào rơi vào nước Mỹ cả. Và ngày 7-12-1941, Hải quân Nhật Bản đã tấn công làm gần như xóa sổ Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Trân Châu Cảng của đảo Hawaii. Đảo Hawaii cơ bản nằm ngoài lãnh thổ nước Mỹ.

Như vậy, 225 năm kể từ năm 1776, nước Mỹ lần đầu tiên bị đánh bom thảm khốc vào trung tâm, đánh thẳng vào tòa tháp đôi - biểu tượng sức mạnh hùng vĩ nhất của Mỹ về kinh tế. Vì vậy, 11-9-2001 là một sự kiện đặc biệt không chỉ với nước Mỹ mà cả toàn thế giới, làm 300 triệu người Mỹ hoang mang, lo lắng, gần như là mất lòng tin, mất phương hướng vì từ nay nước Mỹ không còn an toàn nữa.

- Ngay sau khi xảy ra thảm kịch tấn công ngày 11-9 đó, nước Mỹ đã phát động cuộc chiến chống khủng bố. Vậy đến nay tròn 20 năm, ông nhận định cuộc chiến này thành công hay thất bại?

- Về đánh giá thành công hay thất bại của cuộc chiến chống khủng bố suốt 20 năm qua của nước Mỹ, tôi cho rằng đây là vấn đề cực lớn, phức tạp và không đủ thông tin cứ liệu để đánh giá chính xác. Các nhà khoa học Mỹ sớm muộn cũng nghiên cứu, đánh giá toàn bộ thành - bại, kết quả - tổn thất của Mỹ trong 20 năm chống khủng bố.

Về khách quan, phải thừa nhận rằng, cuộc chiến chống khủng bố 20 năm của Mỹ đã thu được một số kết quả.

- Thành công thứ nhất, Mỹ dẫn đầu liên minh 40 quốc gia đã tiêu diệt Osama Bin Laden, trùm khủng bố của tổ chức Al-Qaeda. Sau đó, các nhân vật chóp bu quan trọng nhất của Al-Qaeda cũng bị Mỹ và liên quân tiêu diệt. Đặc biệt, năm 2014 - 2015, Mỹ liên quân với các quốc gia khác đánh tan phiến quân IS. Chúng ta nên nhớ rằng, năm 2012 - 2013, IS từng chiếm được vùng lãnh thổ rộng bằng 1/3 diện tích Iraq. Ý đồ của chúng là thành lập nên cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, bao trùm lên Syria, Iraq và một số vùng lãnh thổ các nước khác. Nói cho công bằng, cuộc chiến khủng bố 20 năm tiêu diệt các trùm khủng bố khét tiếng, đánh thẳng vào trung tâm các tổ chức khủng bố như IS, Al-Qaeda. Nhưng khi trung tâm đầu não tan rã, nó phân tán trên khắp thế giới, đánh bom khủng bố dưới dạng các con sói đơn độc.

- Thành công thứ hai, người Mỹ, nước Mỹ cũng an toàn hơn. Từ đó, thế giới cũng được an toàn hơn.

- Thành công thứ ba, cuộc chiến chống khủng bố này đã thức tỉnh 7 tỷ người trên hành tinh này hợp tác, đoàn kết với nhau để loại bỏ cái ác ra khỏi xã hội.

Về hậu quả hay thất bại của 20 năm cuộc chiến chống khủng bố này, có thể thấy trên 3 phương diện:

- Tổn thất thứ nhất, ở phương diện vật chất, những thiệt hại có thể đong đếm được là hơn 2.400 lính Mỹ tử trận tại chiến trường Afghanistan. Hơn 4.000 nhà thầu quân sự cũng mất mạng ở chiến trường này, cộng với 1.200 binh lính NATO. Đó là những thiệt hại không thể bù đắp được về con người. Về tài chính, tổn thất cũng đo đếm được là chiến trường Afghanistan đã tiêu tốn của Mỹ trên 2.200 tỷ USD, nếu cộng với hơn 1.000 tỷ USD giải quyết hậu chiến thì chi phí cũng trên dưới 3.000 tỷ USD. Nếu tổng cộng chiến tranh chống khủng bố từ năm 2001 đến 2021 ở chiến trường Iraq, Syria, Lybia…, ít ra nước Mỹ đã chi khoảng 6.000 - 7.000 tỷ USD, tương đương với tổng GDP của Liên bang Nga và Nhật Bản cộng lại.

- Tổn thất thứ hai, cuộc chiến chống khủng bố cũng là một trong những nguyên nhân đẩy Mỹ rơi vào cuộc đại suy thoái 2008-2011. Ngoài ra, về mặt chính trị xã hội, cuộc chiến này góp phần khoét sâu hơn mâu thuẫn, chia rẽ trong xã hội nước Mỹ. Vì vậy, cuộc chiến chống khủng bố này là một nhân tố làm siêu cường Mỹ suy yếu từ bên trong.

- Tổn thất thứ ba, mà tôi cho lớn nhất đó là khi Mỹ sa lầy vào cuộc chiến khủng bố 20 năm, các đối thủ khác như Nga, Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, trở thành các cường quốc hàng đầu thế giới, đe dọa thách thức lợi ích của Mỹ. Rõ ràng, cuộc chiến này làm cho uy tín, vị thế toàn cầu của Mỹ bị sụt giảm nghiêm trọng. Sự suy giảm này không thể đảo ngược được, kết thúc thời kỳ đỉnh cao nhất của siêu cường Mỹ.

Phải thay đổi phương pháp trong cuộc chiến chống khủng bố

- Vài tuần trước lễ kỷ niệm vụ 11-9, Taliban - lực lượng từng bị đánh bại nhanh chóng sau cuộc khủng bố năm 2001 đã trở lại nắm quyền ở Afghanistan. Nhiều người lo ngại vùng đất bất ổn này sẽ tiếp tục trở thành hang ổ cho các phiến quân khủng bố. Ông nhận định gì về khả năng này?

- Ngày 15-8-2021, khi tiến vào Kabul, Taliban phô trương bộ mặt khác hoàn toàn so với lực lượng này hồi năm 2001. Họ tuyên bố không trả thù những người cộng tác với Mỹ trong 20 năm vừa rồi, đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái được đến trường, cam kết thành lập Chính phủ hòa hợp dân tộc đồng thời nhắc lại cam kết không để Afghanistan thành nơi cư trú của khủng bố. Nhưng rõ ràng, cộng đồng quốc tế không yên tâm một chút nào, bởi lẽ trong 20 năm vừa rồi, Taliban, Al- Qaeda, IS cùng tất cả các tổ chức khủng bố quốc tế khác đã kề vai sát cánh với nhau trên một mặt trận chống kẻ thù chung là Mỹ và phương Tây, làm sao có thể tin được Taliban lại quay lưng chống lại, đuổi IS, Al-Qaeda khỏi Afghanistan. Vụ đánh bom ngoài sân bay Kabul làm 13 lính Mỹ và 130 người Afghanistan thiệt mạng ngày 26-8 là biểu hiện đầu tiên của điều mà cộng đồng quốc tế lo ngại - đó là Afghanistan có thể trở thành nơi trú ẩn của các tổ chức khủng bố quốc tế, thành nơi chiêu mộ các phần tử khủng bố khắp thế giới. Lo ngại của cộng đồng quốc tế có lý ở chỗ đó.

- Nguy cơ khủng bố đến nay vẫn là thách thức thường trực không chỉ với nước Mỹ mà bất kỳ nước nào trên thế giới. Theo ông, tội phạm khủng bố hiện nay có những thay đổi gì so với trước kia và cuộc chiến chống khủng bố do đó sẽ phải thích nghi với tình hình mới như thế nào?

- Rõ ràng sau khi Taliban quay lại kiểm soát Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố bước sang giai đoạn khác, có thể nghiêm trọng hơn, gay gắt hơn, nước Mỹ và thế giới sẽ không an toàn hơn. Trong tay các tổ chức khủng bố hiện nay có các vũ khí hiện đại của Mỹ, chắc chắn họ sẽ có quan hệ với Taliban. Cho nên, sắp tới đây, cộng đồng quốc tế tiếp tục đối mặt với những nguy cơ thách thức từ các phiến quân thánh chiến Hồi giáo. Và ngay cả nước Mỹ cũng không an toàn.

Làm thế nào để Afghanistan không thành nơi trú ngụ của các tổ chức khủng bố quốc tế để từ đây tấn công trên khắp thế giới, trách nhiệm này thuộc về Taliban và cộng đồng quốc tế. 5 nước Hội đồng Bảo an cùng với các cường quốc trong và ngoài khu vực như Ấn Độ, Pakistan, Iran, Ả-rập Xê-út, Qatar… cần ngồi lại với nhau bàn thảo chiến lược, buộc Taliban thực hiện cam kết không biến Afghanistan thành nơi dung dưỡng khủng bố.

Một việc hết sức quan trọng đó là cuộc chiến chống khủng bố từ nay về sau phải thay đổi phương pháp. Cuộc chiến này vẫn phải sử dụng vũ khí, súng đạn nhưng quan trọng hơn là cần hợp tác quốc tế rộng rãi. Cùng với đó, bên cạnh biện pháp quân sự, cần phải tiến hành song song các biện pháp kinh tế, nhân đạo. Các quốc gia G7, G20… phải giúp đỡ các nước nghèo, các nước gặp chiến tranh tàn phá bởi nghèo đói là điều kiện tốt nhất để các lực lượng thánh chiến tuyên truyền, kích động bạo lực, khủng bố.

Biện pháp quan trọng khác là ngoại giao. Vì sao trên thế giới vẫn tồn tại khủng bố? Là vì vẫn có những quốc gia, thế lực, sử dụng khủng bố như một công cụ, một phương tiện để tấn công đối phương. Thực tế từ năm 2001 đến nay, Mỹ, Nga vẫn chống khủng bố nhưng sau lưng, vẫn có một số quốc gia hậu thuẫn, ủng hộ cho các thế lực khủng bố. Cộng đồng quốc tế chỉ có hợp tác chặt chẽ với nhau, đặt ra trách nhiệm chung thì mới tạo nên áp lực đủ lớn để đẩy lùi khủng bố toàn cầu.

Việt Nam: Lực lượng Công an nhân dân đã có hệ thống chống khủng bố hiệu quả

- Cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới này đưa đến bài học gì cho Việt Nam, thưa ông?

- Việt Nam không được chủ quan. Nhưng khách quan mà nói, trong 20 năm vừa rồi, chúng ta, nhất là lực lượng Công an nhân dân đã có hệ thống chống khủng bố hiệu quả. Ngay nước láng giềng trong khu vực là Thái Lan, ngày 15-8-2015 đã xảy ra vụ đánh bom ngay trung tâm Thủ đô Bangkok mà đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Còn ở Việt Nam, lực lượng Công an luôn nắm chắc tình hình, vô hiệu hóa mọi âm mưu hoạt động khủng bố bằng trí tuệ, bản lĩnh và khả năng. Tôi cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố còn lâu dài, nhưng lực lượng Công an có giỏi bao nhiêu cũng không làm được nếu không có sự hợp tác chặt chẽ của tất cả người dân.

Chỉ khi nào 100 triệu người dân trên dưới như một, đồng lòng thì các tổ chức khủng bố không có cơ hội chống phá. Tôi tin chúng ta làm được điều này. 20 năm vừa rồi đã chứng tỏ lực lượng Công an xung kích đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, chứng tỏ người dân đã cảnh tỉnh, có trách nhiệm hợp tác với Công an. Hơn lúc nào hết, nhân dân cả nước cần hợp tác tốt hơn nữa để chúng ta có thể đảm bảo an toàn trước các hoạt động khủng bố.