Hợp tác Quốc phòng Nga-Việt 2017: Vũ khí Nga là xương sống của hải quân Việt Nam

ANTD.VN - Hãng thông tấn Nga Sputnik vừa có bài tổng kết về hợp tác quân sự Nga-Việt năm 2017, đặc biệt nhấn mạnh về lĩnh vực hải quân.

Nga đẩy mạnh xâm nhập vào thị trường tiềm năng Đông Nam Á

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đa dạng hóa các mối quan hệ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và an ninh với việc mua một số hệ thống vũ khí của nước ngoài như tên lửa phòng không Israel, máy bay tuần tiễu hàng hải CASA C-212 của Airbus, thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter của Canada… Thế nhưng, Nga vẫn là một trong những đối tác chính về quốc phòng của Việt Nam.

Trong khi đó, chính quyền Moscow cũng coi thị trường Việt Nam nói riêng cũng như Đông Nam Á nói chung, là một trong những điểm đến chính cho xuất khẩu của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Điều này đã được các nhà lãnh đạo của Rosoboronexport nhắc lại nhiều lần trong năm qua. Hơn nữa, Nga mong muốn tăng cường việc hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước trong khu vực Đông Nam Á, mà trong đó, Việt Nam là một đầu mối trọng điểm để vũ khí Nga xâm nhập ASEAN.

Ông Alexander Mikheev, Tổng giám đốc của Rosoboronexport, lưu ý với giới truyền thông Nga, thị trường các nước Đông Nam Á đã cho thấy sự tăng trưởng cao, với các nền kinh tế mới nổi hứa hẹn đầy tương lai của thế giới như Malaysia, Singapore, Indonesia, Việt Nam…

Khu vực này có nhu cầu cao đối với các chiến hạm mặt nước và tàu ngầm; tổ hợp hàng không quân sự, máy bay trực thăng, hệ thống tên lửa phòng không (ví dụ như Pantsir S-1, S-400, Buk…) của Nga. Đồng thời, ở những nước này có yêu cầu thiết kế "hệ thống cơ sở hạ tầng an ninh" mới.

Theo vị quan chức của Rosoboronexport, ngành công nghiệp quốc phòng và lưỡng dụng của Nga sẵn sàng cung cấp các hệ thống hiện đại nhất và Moscow “không có ý định để mất thị trường Đông Nam Á”.

Vụ trưởng Vụ Đối ngoại của Rosoboronexport là ông Viktor Brakunov cũng nhấn mạnh rằng, Đông Nam Á là một trong những ưu tiên của Tập đoàn Xuất khẩu Vũ khí Quốc gia Nga. Kể từ đầu những năm 2000, hợp tác quân sự với các nước trong khu vực đã có mức phát triển nhanh chóng.

Mặc dù đã đa phương hóa hợp tác quân sự, nhưng vũ khí Nga hiện vẫn đang là phương tiện tác chiến chủ lực của Hải quân Nhân dân Việt Nam

Các công ty chế tạo vũ khí-trang bị Nga đang tích cực hợp tác với Việt Nam, Indonesia, Philippines… và xây dựng triển vọng hợp tác trong tương lai gần với Thái Lan, thể hiện bằng những kế hoạch hoàn toàn nghiêm túc và được hoạch định kỹ lưỡng.

Các sản phẩm được quan tâm nhất ở Đông Nam Á hiện nay là máy bay chiến đấu đa năng Su-30, Su-35; máy bay huấn luyện Yak-130; trực thăng chiến đấu Ka-52 và Mi-28 NE, trực thăng vận tải quân sự Mi-17, máy bay không người lái (UAV) Orlan-10E và Tachyon….

Trong lĩnh vực hải quân, hiện đang có sự chú ý vào dự án tàu hộ vệ tên lửa hạng nặng dự án 11356, lớp Đô đốc Grigorovich; tàu ngầm động cơ AIP Amur-1650 và tàu ngầm diezen-điện Project 636, lớp Varshavyanka (NATO định danh là Kilo); cũng như các hệ thống vũ khí cho tàu chiến và tàu ngầm.

Lực lượng lục quân trong khu vực cũng thể hiện sự quan tâm đến xe tăng T-90S, xe chiến đấu bộ binh BMP-3M, xe bọc thép chở quân BTR-80, BTR-82A và vũ khí chống tăng. Các hệ thống phòng không lục quân Nga với nhiều tầm bắn khác nhau cũng có thị phần ổn định trong thị trường khu vực.

Tại Đông Nam Á, giới công nghiệp quốc phòng Nga cũng nhận thấy có sự chú ý tới hệ thống thiết bị đặc biệt dành cho các cơ quan thực thi pháp luật, mà Rosoboronexport đã mang đi giới thiệu tại nhiều triển lãm quốc phòng trong và ngoài khu vực.

Trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự trực tiếp với Việt Nam, năm 2017 đã được đánh dấu bằng một số sự kiện quan trọng. Trong đó, ví dụ điển hình là hợp tác trong lĩnh vực hải quân.

Hợp tác kỹ thuật quân sự Hải quân Nga-Việt

Bài viết trên trang web của Sputnik nhấn mạnh, trong tiến trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang, với trọng tâm là các lực lượng Hải quân, Không quân, Thông tin Liên lạc…; giới lãnh đạo Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường sức mạnh chiến đấu của hải quân Việt Nam.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard-3.9, Project 11661 Nga đóng cho Việt Nam

Trong tháng 10, tại Cam Ranh đã tiếp nhận tàu hộ vệ tên lửa thứ ba thuộc Project 11661 (lớp Gepard-3.9), được chế tạo cho Hải quân Việt Nam theo đơn đặt hàng tại Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk (thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga).

Ngày 28 tháng 11, tàu vận tải bán ngầm Rolldock của Hà Lan đã khởi hành từ Novorossiysk, vận chuyển tàu Gepard 3.9 thứ tư sang bàn giao cho Hải quân Việt Nam. Dự kiến con tàu sẽ cập Quân cảng Cam Ranh vào giữa tháng 1 năm 2018.

Hiện vẫn chưa rõ những đơn hàng tiếp theo của Việt Nam cho dự án Gepard 3.9, nhưng theo giới phân tích, rất có thể phía Việt Nam chỉ đặt mua bốn tàu lớp này nhưng không phải là chấm dứt mua sắm các chiến hạm của Nga, mà chuyển sang mua các tàu có năng lực phòng không mạnh hơn.

Theo các chuyên gia quân sự Việt Nam, lý do là việc hệ thống phòng không Gepard không đủ mạnh. Không phải ngẫu nhiên, giới chuyên gia quân sự Việt Nam đã quan tâm đến các tàu hộ vệ mới nhất của Nga thuộc dự án 20.380 và 20.385 với khả năng tác chiến chống tàu ngầm và phòng không vượt trội (gồm các hệ thống tên lửa phòng không hạm với nhiều tầm bắn khác nhau, có khả năng phòng không khu vực/hạm đội).

Chuyên gia tác chiến hải quân Nga, Chuẩn Đô đốc Vladimir Bogdashin thừa nhận Việt Nam đã đúng với lựa chọn này.

Theo ông, hệ thống tên lửa chống hạm với 16 quả tên lửa Kh-35 Uran-E là khả năng tấn công đáng kể cho một con tàu có lượng giãn nước chỉ hơn 2000 tấn như Gepard. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của các tàu Project 11661 là hệ thống phòng không mà nó được trang bị khá yếu ớt.

Do đó, Gepard là một tàu hộ vệ có khả năng tấn công mạnh mẽ nhưng lại không thể tự bảo vệ mình, trong khi yêu cầu tác chiến trong chiến tranh hiện đại là các tàu chiến phải có hệ thống phòng không tầm trung, với phạm vi phòng không từ 150-180 km; để không chỉ đảm bảo yêu cầu tự vệ của bản thân, mà còn đủ khả năng bảo vệ cho cả hạm đội.

Báo Nga cho rằng, Việt Nam đang quan tâm đến tàu hộ vệ Project 20.385, lớp Gremyashchy

Trong tất cả các khả năng, đánh giá tình hình hiện nay, Việt Nam thể hiện sự hợp lý khi quan tâm tới dự án tàu hộ vệ Project 20.385, lớp Gremyashchy; được trang bị hệ thống tên lửa tấn công đối hải/đối đất Kalibr-NK mạnh mẽ và hệ thống phòng không tầm xa Polyment-Redut, có tầm bắn từ 30 đến 150 km.

Việc mua sắm các chiến hạm lớp Gremyashchy (với lượng giãn nước tương đương với Gepard là 2.200 tấn) sẽ giúp Hải quân Việt Nam không chỉ có khả năng hủy diệt các chiến hạm và mục tiêu mặt đất của đối phương; mà còn có thể bảo vệ một nhóm tàu chiến khỏi cuộc tấn công từ trên không, mà không cần sự tương tác của bất cứ tàu nào.

Tuy nhiên, đơn đặt hàng các tàu lớp này của Việt Nam là vấn đề của tương lai; còn vào ngày 09/10/2017 vừa qua, Hải quân Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận vào biên chế hai tàu tên lửa cỡ nhỏ lớp Molniya (số hiệu tàu 382 và 383), được đóng tại nhà máy đóng tàu Ba Son, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là những con tàu cuối cùng được đóng theo hợp đồng chế tạo sáu tàu tên lửa dự án 12418 với tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E, được Việt Nam ký với Tập đoàn Rosoboronexport của Nga từ năm 2006.

Tham gia chính phía Nga là Công ty Cổ phần Nhà máy Đóng tàu Vympel (Rubinsk), nhà cung cấp thiết kế và linh kiện cho Việt Nam đóng các tàu được cấp phép; giám sát kỹ thuật đóng tàu theo hợp đồng là Công ty thiết kế Almaz, St. Petersburg (công ty phát triển dự án).

Tuy nhiên, dự án Molniya vẫn chưa kết thúc, bởi hợp đồng năm 2006 bao gồm điều khoản chế tạo bổ sung thêm 4 tàu loại này tại Việt Nam và từ năm 2015, Nga và Việt Nam đã nhất trí biến điều khoản bổ sung (có thể) thành điều khoản chính thức (chắc chắn).

Sputnik nhấn mạnh, với bề dày hợp tác truyền thống và những bước phát triển mới mạnh mẽ, có thể nhận định rằng, vũ khí Nga đã trở thành xương sống của Hải quân Việt Nam, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.