Hợp tác Hà Nội – Pháp: Xây dựng thành phố thông minh, nâng cao đời sống người dân

ANTD.VN - Trao đổi với 30 doanh nghiệp Pháp tháp tùng Thủ tướng Pháp trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Pháp đầu tư, hợp tác trong việc xây dựng Hà Nội thành đô thị thông minh...

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin về các lĩnh vực thành phố quan tâm tới các doanh nghiệp Pháp

Chiều 3-11, tại trụ sở UBND TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có buổi tọa đàm với Phái đoàn doanh nghiệp Pháp. Đây là hoạt động bên lề chuyến thăm của Thủ tướng Pháp đến Việt Nam.

Hợp tác sâu rộng nhiều lĩnh vực

Chủ tịch UBND TP đã giới thiệu với 30 doanh nghiệp pháp về  Hà Nội – 1 trong 2 thành phố có mức tăng trưởng cao nhất của cả nước.

Hiện Hà Nội có thu nhập bình quân đầu người là 4.880 USD/năm.

Hàng năm Hà Nội có trên 20.000 doanh nghiệp mới được thành lập với số vốn khoảng 300.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Hà Nội cũng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước.

Hiện có khoảng 3.300 doanh nghiệp FDI tại Hà Nội, đóng góp 16% GDP mỗi năm. Hiện nay, tại Hà Nội, Cộng hòa Pháp có 102 dự án đầu tư còn hiệu lực thực hiện với tổng vốn đăng ký 273,6 triệu USD trong nhiều lĩnh vực, gồm sản xuất, dịch vụ xây dựng - thương mại, kinh doanh bất động sản, tài chính - ngân hàng...

Khách du lịch Pháp đến Việt Nam trong 10 tháng qua đứng thứ hai trong các nước EU. Đáng chú ý Hà Nội có quan hệ mật thiết với nhiều thành phố, vùng của Pháp trong các lĩnh vực: y tế;  bảo tồn văn hóa, phố cổ và gần đây là phát triển tuyến tầu điện ngầm, xử lý ô nhiễm không khí, xây dựng chính phủ điện tử.

“Song hành với các chính sách phát triển, tạo điều kiện thuận lợi nhất phục vụ người dân, doanh nghiệp, Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đầu tư đảm bảo an sinh xã hội như: xây dựng sửa chữa nhà cho người có công; hỗ trợ cho vay, dạy nghề để người nghèo thoát nghèo.

Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, đảm bảo ai cũng có nhà ở”, Chủ tịch UBND TP thông tin.

Chủ tịch UBND TP thông tin tới các doanh nghiệp Pháp, Hà Nội đang ưu tiên đầu tư các lĩnh vực: đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử; sắp xếp lại bộ máy hành chính, doanh nghiệp công ích của TP. Bên cạnh đó là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục; y tế và các thiết chế văn hóa.

Với sự phát triển mạnh mẽ, hợp tác sâu rộng giữa 2 nước, Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp Pháp đầu tư các lĩnh vực cơ sở hạ tầng; y tế, giáo dục; đào tạo nhân lực cho Thủ đô. “Đặc biệt chúng tôi mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Pháp để xây dựng Hà Nội thành thành phố thông minh”, Chủ tịch UBND TP bày tỏ.

Trong lĩnh vực giao thông, trả lời băn khoăn của Tập đoàn Alstom về dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, Chủ tịch UBND TP cho biết Hà Nội đánh giá cao Tập đoàn đã đưa ra mẫu thiết kế đoàn tàu mẫu tuyến đường sắt đô thị số 2.

Về các vướng mắc, TP đã báo cáo Chính phủ đưa phần nổi dự án sử dụng vào năm 2020, phần ngầm vào năm 2022. “Các bộ ngành đều thống nhất đồng tình. Không còn khó khăn, vướng mắc gì”, Chủ tịch UBND TP nói.

Nêu vấn đề thách thức của Hà Nội hiện nay là hạ tầng còn yếu kém, ô nhiễm tiếng ồn còn nhiều, Chủ tịch UBND TP mong muốn các doanh nghiệp Pháp tham gia cùng thành phố xử lý các thách thức này.

Chủ tịch UBND TP cùng các đại biểu đã chứng kiến lễ Ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công Thương Hà Nội, doanh nghiệp Pháp và Việt Nam về việc hợp tác khảo sát xây dựng chợ đầu mối nông sản…

Xây dựng thành phố thông minh, chăm lo đời sống nhân dân

Trả lời các doanh nghiệp Pháp, Chủ tịch UBND TP khẳng định, tập trung giải pháp xử lý rác thải là ưu tiên hàng đầu của TP. 95% rác thải hàng ngày phải xử lý bằng công nghệ chôn lấp và đây là nguy cơ lớn nên Hà Nội đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, đốt rác phát điện.

Hiện đã có 36 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký đầu tư trong lĩnh vực này tuy nhiên đến nay TP mới cấp phép cho 3 nhà đầu tư đều sử dụng công nghệ châu Âu.

Hà Nội vẫn cần thêm các nhà đầu tư và Hà Nội hoan nghênh các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào lĩnh vực này với công nghệ tiên tiến.

Trả lời câu hỏi của Tập đoàn Điện lực EDFF về việc Hà Nội quan tâm đầu tư đô thị thông minh thế nào? Chủ tịch UBND TP cho biết, chiến lược phát triển đô thị thông minh cần có 3 trụ cột: một là đào tạo nguồn nhân lực (từ tiểu học phải biết, sử dụng được dịch vụ công); tạo hệ sinh thái số hóa các dữ liệu đang có; ứng dụng quản lý thành phố. Trước mắt, Hà Nội cần sớm xây dựng khung kiến trúc điện tử, từ đó, ứng dụng dần các dịch vụ thông minh phục vụ người dân.

Thành phố ưu tiên xây dựng nền tảng số. Số hóa toàn bộ dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư (đã xong, sử dụng ổn định) và đất đai.

Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp với các công nghệ radar tham gia cùng thành phố để xây dựng bản đồ 3D đất đai.

Bên cạnh đó là cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức; phần mềm một cửa điện tử dùng chung giải quyết thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND TP cũng bày tỏ, thành phố mong các doanh nghiệp Pháp tham gia xây dựng các phần mềm ứng dụng liên quan đến quản lý xã hội như: giao thông thông minh, số hóa dữ liệu tế; đưa công nghệ thực tế ảo, 3D vào giảng dạy ở học sinh Tiểu học; tiết kiệm điện trong chiếu sáng; xây dựng các trung tâm công nghiệp sạch; công nghệ trích xuất nguồn gốc dược phẩm, hàng hóa để chống hàng giả; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; đầu tư dịch vụ lưu trú khách sạn…

“Chúng tôi chọn thông điệp “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” và chúng tôi mong muốn gặp lại quý vị và sẵn sàng phục vụ khi quý vị quay lại đầu tư ở Hà Nội” - ông Nguyễn Đức Chung nói.