Hợp tác giáo dục là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mối quan hệ giữa con người với con người bắt đầu từ giáo dục và điều này thực sự quan trọng và sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ sau khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhiều chương trình hợp tác giáo dục đào tạo Việt - Mỹ

Quan hệ hợp tác Việt Nam - Mỹ trải qua nhiều giai đoạn phát triển, giáo dục luôn là một trong những lĩnh vực hợp tác mạnh nổi bật nhất giữa hai nước. Các nhà lãnh đạo hai nước đều cùng chia sẻ quan điểm giáo dục là một nền móng cho sự phát triển của mỗi quốc gia và tích cực đẩy mạnh những chính sách, chương trình nhằm tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực này.

Việt Nam có số lượng sinh viên, học sinh đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á đang theo học tại Mỹ

Việt Nam có số lượng sinh viên, học sinh đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á đang theo học tại Mỹ

Những năm gần đây, Mỹ tích cực triển khai một số chương trình hỗ trợ Việt Nam trong giảng dạy tiếng Anh và nâng cao chất lượng giáo dục. Vào tháng 7-2020, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ đã ký kết Hiệp định thực thi về giảng dạy tiếng Anh của Chương trình Hòa bình nhằm hướng tới mục tiêu giúp học sinh Việt Nam phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cần thiết để có thể tiếp cận các cơ hội học tập và việc làm.

Theo chương trình, các tình nguyện viên của Chương trình Hòa bình được phân công tới các trường học ở vùng nông thôn để nâng cao trình độ tiếng Anh cho giáo viên giảng dạy tiếng Anh; tăng cường năng lực sử dụng tiếng Anh nói chung và nâng cao thành tích tiếng Anh của học sinh, đặc biệt là kỹ năng nói, nghe hiểu, đọc hiểu. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, dự án này rất phù hợp về mặt chiến lược với các ưu tiên của Việt Nam, bởi kỹ năng tiếng Anh tốt sẽ mở rộng cơ hội học tập và nghề nghiệp cho người dân.

Cùng với Chương trình Hoà bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ (ETS) vào tháng 9-2022 đã ký kết Bản ghi nhớ về chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh và năng lực công tác khảo thí cho hệ thống giáo dục Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn ETS xem xét cử chuyên gia sang Việt Nam để tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm về một số hoạt động khảo thí phía Việt Nam quan tâm; chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến việc tổ chức một kỳ thi; tạo điều kiện cho chuyên gia của Việt Nam sang nghiên cứu, trao đổi tại ETS…

Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vào tháng 9-2022 đã ký Bản ghi nhớ về việc hỗ trợ phát triển nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Đây là minh chứng cho những cam kết nhằm phát triển giáo dục và trao đổi hợp tác giữa hai nước về phát triển giáo dục đại học, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Dự án tăng cường năng lực giáo dục đại học cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trị giá 15,4 triệu USD dự kiến sẽ bắt đầu từ cuối năm 2023 này.

Những năm qua, Chính phủ Mỹ đã dành cho Việt Nam hàng trăm suất học bổng đại học và sau đại học thông qua Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), hỗ trợ nâng cao năng lực tiếng Anh thông qua các chương trình Fellowship và Fulbright. Cùng với đó là hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực giáo dục đại học thông qua các dự án BUILT-IT, FURTHER do USAID tài trợ. USAID đã hỗ trợ đáng kể cho giáo dục đào tạo Việt Nam, đặc biệt là các ngành kỹ thuật và y tế phục vụ Cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

USAID đến nay đã tài trợ tổng cộng khoảng 68 triệu USD cho các dự án tại Việt Nam gồm: Dự án thúc đẩy hợp tác trường đại học - doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ (BUILD-IT); Dự án nâng cao chất lượng đào tạo y tế ở một số trường Đại học Y của Việt Nam; Dự án xây dựng chương trình đào tạo, quản trị hệ thống, các chính sách vận hành, kiểm định quốc tế tại trường Đại học Fulbright Việt Nam; Dự án tăng cường năng lực giáo dục đại học cho 3 đơn vị Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Đà Nẵng.

Cùng với đó, Mỹ cũng có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, với 6 cơ sở giáo dục phổ thông tại thành phố Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương và một trường đại học tại TP.HCM. Đáng chú ý là trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) được thành lập tháng 5-2016 với tư cách pháp nhân là cơ sở giáo dục đại học 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giáo dục đào tạo

Có thể nói, giáo dục đào tạo là một lĩnh vực hợp tác quan trọng, mang tầm chiến lược bởi lẽ con người luôn là yếu tố quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm đã quan tâm hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực giáo dục. Chỉ 2 tháng sau ngày đọc bàn Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu đề nghị cử 50 tri thức Việt Nam sang học tập ở Mỹ trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ ngày 1-11-1945.

Hiện nay, số học sinh, sinh viên Việt Nam hiện đang theo học ở Mỹ đã lên tới hơn 30.000 người, đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về số lượng học sinh, sinh viên theo học tại Mỹ. Ở chiều ngược lại, trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 10-20 sinh viên của Mỹ sang Việt Nam học tập về tiếng Việt và Việt Nam học.

Với khoảng 4.500 trường đại học và cao đẳng ở Mỹ, điều này tạo cơ hội học tập phong phú, đa dạng cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam. Mỹ là nước có nền khoa học - công nghệ hàng đầu thế giới, là môi trường đào tạo chất lượng cao cho các sinh viên Việt Nam để có kiến thức và kinh nghiệm khi trở về nước. Khoảng 70% số lượng sinh viên theo học tại Mỹ tham gia các ngành học như khoa học, kinh tế, toán học, kỹ sư và quản lý…

Hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ đang phát triển nhanh. Việc đào tạo một thế hệ mới của cả hai bên là một trong những vấn đề hợp tác quan trọng nhất và ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ qua các năm. Lãnh đạo hai nước mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là một lĩnh vực trọng yếu và lâu dài trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Mỹ.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khi phát biểu tại Ngày hội Văn hóa hữu nghị Việt - Mỹ diễn ra trung tuần tháng 7 vừa qua tại Hà Nội đã nêu rõ điều mà ông cho là tự hào khi có đang hơn 30.000 học sinh và sinh viên Việt Nam đang theo học ở Mỹ. Việt Nam là nước có số lưu học sinh tại Mỹ đứng thứ 5 trên thế giới. Đại sứ Mỹ bày tỏ hài lòng về quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục, các trường ở Hà Nội với các địa phương Mỹ và hy vọng sẽ được chứng kiến thêm nhiều thành tựu hợp tác hơn nữa. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng trong phát biểu khi tới thăm và làm việc hồi tháng 7 vừa qua tại Đại học Virginia (bang Virginia) cũng nhấn mạnh, hợp tác giáo dục là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ.

Trên nền tảng phát triển nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, hợp tác giáo dục đào tạo Việt Nam - Mỹ chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Lãnh đạo hai nước đã ghi nhận tầm quan trọng cấp thiết của việc đầu tư vào nguồn nhân lực, coi đây là nguồn lực thiết yếu đối với sự thịnh vượng, an ninh, ổn định và phát triển trong tương lai.

Việt Nam và Mỹ nhận thức rằng việc đảm bảo thịnh vượng lâu dài chỉ có thể đạt được khi người dân hai nước có nhiều cơ hội học tập các kỹ năng mới, trao đổi ý tưởng, tích lũy kinh nghiệm và hiểu biết quốc tế. Theo đó, Việt Nam và Mỹ sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác giáo dục đào tạo.