Hợp tác để cùng giải quyết thách thức và tận dụng cơ hội trong kỷ nguyên số

ANTD.VN - Kỷ niệm Ngày Bắc Âu 2019, sáng 19-2, Đại sứ quán bốn nước Bắc Âu tại Việt Nam (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển) cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tính liên tục và sự thay đổi trong mô hình xã hội Bắc Âu – thích ứng trong kỷ nguyên số”. 

Toàn cảnh Tọa đàm “Tính liên tục và sự thay đổi trong mô hình xã hội Bắc Âu – thích ứng trong kỷ nguyên số”

Tại tọa đàm, các diễn giả nổi tiếng đến từ Bắc Âu đã cung cấp cho các đại biểu tham dự bức tranh tổng quan về việc các cơ quan hữu quan trong khu vực đã thực hiện các chiến lược số của quốc gia và của cả khu vực như thế nào, cũng như về các chủ thể liên quan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của khu vực Bắc Âu; những thách thức và bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thay đổi để thích ứng với quá trình số hóa khi sự phát triển của kỹ thuật số đang diễn ra nhanh chóng, thay đổi lối sống, phương thức kinh doanh, cách thức thực hiện dịch vụ công và phúc lợi xã hội.

Phát biểu tại tọa đàm, liên quan đến vấn đề các đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, quá trình điều hành của nhà nước, chính phủ cần có sự tham gia của người dân và các nhóm dân sự.

Hiện nay Hà Nội đã cấp khoảng 4.000 giấy phép cho các hiệp hội, tổ chức hoạt động như: Hội Người mù, Hội người cao tuổi, khuyến học…

Các hiệp hội, tổ chức này đều có nhóm đến tận phường, cụm dân cư để giám sát chính sách của Chính phủ và thành phố cũng như đưa ra khuyến nghị để hoàn thiện chính sách cho các nhóm đối tượng; hỗ trợ trong đào tạo nghề, kiến thức để giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Những tổ chức hoạt động khi chưa được phép, theo pháp luật của bất cứ quốc gia nào cũng vậy, là bất hợp pháp. 

Đánh giá cao đối với hệ thống an sinh xã hội của các nước Bắc Âu, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng là nhờ các nước này có nguồn lực kinh tế, tài chính cao, được tích lũy lâu năm, vận hành trong điều kiện trình độ phát triển cao của xã hội và người dân.

Việt Nam trải qua nhiều năm chiến tranh, nguồn lực xã hội còn hạn chế nhưng Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội và thực tế đã dành tỷ lệ lớn trong thu nhập quốc dân cho công tác này.

Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm xuống còn 12%. Riêng tại Hà Nội, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,16%, trong đó nhiều địa bàn không có hộ nghèo. 

Đối với các hộ nghèo, chính quyền cũng có chính sách hỗ trợ tối đa về y tế, giáo dục, nhà ở, chi phí sinh hoạt (điện, nước), hỗ trợ vay vốn để sản xuất, kinh doanh... Đáng chú ý, về chính sách an sinh xã hội, bên cạnh sự quan tâm của các cấp chính quyền còn có sự tham gia của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp.

Như trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, chính quyền các cấp đã có nhiều hình thức chăm lo cho người cao tuổi, người có công, người nghèo, người yếu thế trong xã hội, bảo đảm ai cũng có Tết...

Những việc làm đó đã dần tạo thành một nét văn hóa "tương thân, tương ái", hỗ trợ giúp đỡ nhau trong những ngày vui cũng như trong thiên tai, hoạn nạn.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định chính quyền thành phố luôn mong muốn học được những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế.

Song, chính sách của mỗi quốc gia phải gắn với từng giai đoạn phát triển của quốc gia đó. Những kinh nghiệm quý chỉ có thể áp dụng khi phù hợp với xã hội Việt Nam và được đông đảo nhân dân đồng thuận.

Tại buổi tọa đàm, Đại sứ các nước Bắc Âu đều khẳng định tiếp tục hợp tác cùng các nước khác, trong đó có Việt Nam để giải quyết những thách thức và tận dụng những cơ hội trong kỷ nguyên số.