Hợp tác chống quân sự hóa Biển Đông

ANTĐ - Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ cho thấy tiếng nói chung mạnh mẽ, nhất là quyết tâm hợp tác giữa hai bên trong nhiều vấn đề hệ trọng, trong đó có việc chống lại toan tính thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, quân sự hóa vùng biển chiến lược sống còn này.

Hợp tác chống quân sự hóa Biển Đông ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ

Sau 2 ngày họp tại Sunnylands (bang California, Mỹ), Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ vào rạng sáng  17-2 đã thống nhất ra Tuyên bố Sunnylands. Tuyên bố chung 17 điểm này đã xác định những nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Mỹ, những lĩnh vực hợp tác chính giữa hai bên trong tương lai… và đặc biệt là những tắc cơ bản để duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông, vùng biển đang trở nên căng thẳng, phức tạp do hàng loạt hành động đơn phương thời gian qua nhằm thay đổi hiện trạng, thực hiện quân sự hóa trên vùng biển này.

Đúc kết lại thỏa thuận của Hội nghị đặc biệt diễn ra sau khi Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ ba diễn ra tháng 11-2015 nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược, Tuyên bố Sunnylands đã chỉ ra toàn diện các lĩnh vực hợp tác, từ kinh tế thương mại, giao lưu nhân dân, quản trị, môi trường… làm nền móng để xây dựng mối quan hệ bền chặt và hiệu quả hơn giữa hai bên trong tương lai. Đáng chú ý, hai bên đã xác định vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong cấu trúc khu vực đang định hình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Là “điểm nhấn” không chỉ khu vực mà thế giới cũng quan tâm, Tuyên bố Sunnylands được xem đã thể hiện tiếng nói, lập trường chung của 10 nước thành viên ASEAN cùng với cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ đối với vấn đề Biển Đông đang nóng hiện nay.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN-Mỹ đã khẳng định lập trường chung về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông như: giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, bao gồm việc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); duy trì hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải; phi quân sự hóa...

Dù không nêu đích danh Trung Quốc - quốc gia thời gian vừa qua có những hành động ráo riết nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông như bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam; xây dựng các công trình nhằm phục vụ mục đích quân sự trên các đảo nhân tạo phi pháp…, song điều đó hiển hiện rõ ràng trong Tuyên bố Sunnylands.

Và càng rõ hơn trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ khi nêu rõ, tình hình phức tạp ở Biển Đông nảy sinh từ những đòi hỏi chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về  Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC 2002), nhất là những hành động đơn phương bồi đắp và xây dựng trên quy mô lớn các đảo nhân tạo, làm thay đổi nguyên trạng, kể cả việc tăng cường quân sự hóa dưới các hình thức khác nhau như vào đầu tháng 1-2016 đưa máy bay ra các đảo nhân tạo…

Xác định những mối đe dọa với hòa bình và an ninh trên Biển Đông; đồng thời đề ra các nguyên tắc cơ bản để bắt tay hợp tác ASEAN-Mỹ xử lý mối đe dọa này tại Sunnylands được giới quan sát bình luận là hành động cụ thể chứ không chỉ là lời nói của Mỹ khi chứng tỏ cam kết triển khai chính sách xoay trục về châu Á.