Họp khẩn tìm đầu ra cho hàng chục nghìn tấn nông sản ùn ứ

ANTD.VN - Báo cáo từ các địa phương cho thấy, hàng chục nghìn tấn nông sản như: xoài, dưa hấu, thanh long… đến kỳ thu hoạch nhưng đang “bí” đầu ra do Trung Quốc kéo dài thời gian đóng cửa khẩu phụ bởi lo ngại virus corona lây lan.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp khẩn "giải cứu" nông sản chiều 11-2

Chiều 11-2, Bộ Công Thương cuộc họp gấp với thành phần là các lãnh đạo bộ và đại diện một số doanh nghiệp cung ứng nhằm tìm giải pháp đối phó tình trạng hàng hàng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu và có nguy cơ phải “quay đầu” tiêu thụ trong nước.

Bà Nguyễn Thị Lan- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đồng Nai cho biết, lượng nông sản cần tiêu thụ trên địa bàn hiện khá lớn, với khoảng 85.000 tấn chuối cấy mô và 59.000 tấn xoài. “Nếu Trung Quốc tiếp tục đóng giao dịch cửa khẩu biên giới, các sản phẩm nông sản của tỉnh sắp vào mùa vụ như chôm chôm, sầu riêng, mít… cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”- bà Nguyễn Thị Lan nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Dũng- Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, phần lớn nông sản của tỉnh Đồng Tháp đều được xuất khẩu sang Trung Quốc nên dịch viêm phổi do virus corona gây ra gây ảnh hưởng lớn. Tại tỉnh Đồng Tháp hiện còn tồn đọng lớn nhất là mặt hàng khoai lang với khoảng 11.000 tấn, ớt khoảng 6.700 tấn, nhãn khoảng 1.200 tấn…

Chưa kể, Đồng Tháp có trái cây gồm xoài Cát Chu và xoài Hòa Lộc là đặc sản, khoảng 30 ngày nữa cho thu hoạch, ước tính đạt 90.000 tấn. Nếu dịch bệnh tiếp diễn phức tạp, số trái cây này sẽ khó xuất sang Trung Quốc.

“Đồng Tháp đề nghị có chính sách hỗ trợ các hợp tác xã và người sản xuất về chi phí sản xuất, tiêu thụ, lãi suất ngân hàng, thu mua tạm trữ, sơ chế hoặc sử dụng kho đông lạnh để bảo quản nông sản kéo dài trong thời gian thu hoạch”- ông Nguyễn Hữu Dũng nói.

Là “thủ phủ” của quả thanh long và đang mùa thu hoạch, ông Hà Lê Thanh Chung- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, Bình Thuận là một trong những địa phương bị ảnh hưởng khá nặng nề trong khâu tiêu thụ nông sản do dịch n-CoV, đặc biệt là mặt hàng thanh long. Tổng sản lượng thu hoạch thanh long tháng 2 và 3 trên toàn tỉnh dự kiến đạt 96.111 tấn. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu có kho lạnh vẫn đang tiến hành thu mua thanh long cho bà con.

Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm cách thuê thêm kho lạnh để tiêp tục thu mua thanh long cho bà con. Tuy nhiên, địa phương cũng mong muốn sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bán lẻ như siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại…

Đại diện các doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí logistics… để họ có thể thu mua nông sản nhiều hơn trong thời gian này.

Trao đổi ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, mặt hàng thanh long mùa vụ khá ngắn nên trước hết phải tập trung vào thị trường nội địa. Ngoài ra, thị trường thúc đẩy xuất khẩu hướng đến là Campuchia và Myanmar tương đối khả thi, đề nghị Vụ Thị trường châu Á-châu Phi lưu ý vấn đề này.

Với kiến nghị của các địa phương liên quan tới hỗ trợ chi phí tiền điện, giảm chi phí logistics hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…

Bộ Công Thương sẽ tổng hợp lại để kiến nghị với các cơ quan, các cấp có thẩm quyền. Việc kết nối hỗ trợ cho việc thu mua, tiêu thụ nông sản không chỉ đối với các sản phẩm cần ngay lập tức, phải có kế hoạch dài hạn trong trường hợp tình hình bệnh dịch kéo dài.

“Không thể lúc nào cũng hô khẩu hiệu “giải cứu”, cần tái cơ cấu nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, đại diện một số doanh nghiệp siêu thị, bán lẻ như: Vincommerce, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), MM Mega Market… thực hiện nghi thức ký cam kết tiêu thụ nông sản với đại diện Sở Công Thương các địa phương.