Họp điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016: Thương lượng lại thất bại

ANTĐ - ​Hôm qua, 25-8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên thứ hai để chốt phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 nhưng cũng giống như phiên họp ngày 5-8 trước đó, cuộc thương lượng lại thất bại. Trong khi đại diện người lao động yêu cầu tăng 16,8% so với năm 2015 thì đại diện giới chủ không chấp nhận tăng quá 10%.

Họp điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016: Thương lượng lại thất bại ảnh 1Đời sống khó khăn, công nhân mòn mỏi chờ tăng lương trong khi doanh nghiệp đề nghị tăng nhỏ giọt vì lo ngại phá sản

Tăng 17%, hàng nghìn doanh nghiệp sẽ phá sản

Dù đã có thêm 3 tuần để thương lượng nhưng tại phiên họp ngày 25-8, phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng của 2 bên thành viên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia là Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI - đại diện cho giới chủ) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ Việt Nam - đại diện cho người lao động) đưa ra vẫn chênh lệch rất lớn. Trong cuộc họp này, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị chỉ tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức 6-7% với lý do các doanh nghiệp dệt may hiện đang gặp vô vàn khó khăn. Cân đối chung cả khối doanh nghiệp, VCCI đề nghị mức tăng đối đa không quá 10%. 

Trao đổi bên lề phiên họp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ, mặc dù tình hình kinh tế xã hội của nước ta đang trên đà phục hồi, song qua thực tiễn khảo sát hoạt động của doanh nghiệp trong nước 7 tháng đầu năm nay, có đến 70% doanh nghiệp hoạt động không có lãi. Bên cạnh đó, đã có khoảng 38.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động, phá sản, tăng hơn 1,2% so với cùng kỳ năm 2014, trong khi số doanh nghiệp hoạt động có lãi chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Chưa kể không ít doanh nghiệp khác cũng đang chấp nhận chịu lỗ để cố gắng duy trì. Nếu tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, chắc chắn số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động sẽ còn tăng cao hơn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Đặc biệt từ ngày 1-1-2016, Luật Bảo hiểm xã hội mới chính thức có hiệu lực sẽ tác động lớn đến quỹ tiền đóng bảo hiểm của doanh nghiệp cho người lao động.

“Chúng tôi đã tham khảo, khảo sát rất kỹ ý kiến từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và thấy rằng doanh nghiệp chỉ chịu được mức tăng lương 10%. Tăng cao hơn mức này, doanh nghiệp sẽ không thể kham nổi. Bản thân các doanh nghiệp cũng đều muốn tăng lương cho công nhân, muốn công nhân đủ sống bởi công nhân là tài sản của doanh nghiệp, đó cũng là cách để doanh nghiệp giữ chân lao động, tăng năng suất lao động nhưng trong bối cảnh còn khó khăn như hiện nay, chúng tôi mong muốn người lao động cùng chia sẻ với doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng nói.

Tăng 10%, công nhân kiệt sức vẫn… trắng tay

Không đồng tình với cách lý giải của đại diện VCCI, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam kiên quyết bảo vệ phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 lên 16,8% so với năm 2015. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phân tích: “Muốn thấy thực tế của công nhân hiện nay ra sao và sức chịu đựng của doanh nghiệp đến đâu, tôi đề nghị các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia  đi xuống các khu nhà trọ của công nhân ở các khu công nghiệp để mắt thấy tai nghe.

Đồng thời chúng tôi cũng đề nghị Hội đồng phải làm việc với Tổng cục Thuế xem doanh nghiệp hạch toán tiền lương của người lao động là bao nhiêu, làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem thực tế tiền lương doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm cho người lao động ở mức nào và làm việc với cơ quan thuế để xem doanh nghiệp lỗ lãi ra sao?”.

Theo ông Mai Đức Chính, phương án của Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất đã tính toán kỹ lưỡng. Có 4 yếu tố mà Tổng LĐLĐ đưa ra, gồm: cuộc sống người lao động đang hết sức khó khăn, khả năng chi trả của doanh nghiệp vẫn trong mức chấp nhận được, tình hình tăng trưởng kinh tế đất nước khá hơn và cuối cùng là phải thực hiện theo đúng Điều 91 của Bộ luật Lao động. “Chúng ta đã thống nhất lộ trình lương tối thiểu đáp ứng đời sống tối thiểu của người lao động phải kết thúc vào năm 2017.

 Hiện nay mức lương tối thiểu mới đạt khoảng 74% nhu cầu sống tối thiểu, như vậy 2 năm còn lại chúng ta phải đảm bảo mức tăng từ 25- 26%, mỗi năm phải tăng từ 12-13%, cộng thêm CPI khoảng 5%, như vậy tăng lương tối thiểu năm 2016 khoảng 17% là phù hợp. Còn nếu không được thì tối thiểu cũng phải tăng ở mức 14,65% như năm 2015 bởi kinh tế khá hơn năm ngoái thì không thể có chuyện mức tăng lương thấp hơn”, ông Mai Đức Chính cương quyết.

Nhắc lại kết quả cuộc khảo sát đời sống công nhân vừa được thực hiện tháng 4-5 mới đây, trong đó nhấn mạnh nội dung 92% người lao động hiện tằn tiện hết mức mới đủ sống chứ chưa có tích lũy, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - công đoàn nói một cách hình ảnh: “Cứ điều chỉnh tiền lương nhỏ giọt thế này, người lao động của ta không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh khi vào khu công nghiệp tay trắng, lúc ra về vẫn trắng tay”. Thậm chí theo ông Vũ Quang Thọ, lương tối thiểu không đủ sống, công nhân ngày càng kiệt sức, không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lao động mà còn ảnh hưởng cả đến thế hệ “con cháu của công nhân” sau này. 

Trợ cấp thất nghiệp không quá 5 tháng lương tối thiểu

Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

 Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của người lao động tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc diện thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. 

Người sử dụng lao động phải lập và nộp hồ sơ tham gia BHTN của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi hợp đồng lao động của người lao động thuộc diện bắt buộc tham gia BHTN có hiệu lực. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15-9.