Hộp đen giám sát hành trình

(ANTĐ) - Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sẽ được bàn thảo tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, trong đó, nổi lên một quy định quan trọng: các phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn hộp đen - thiết bị giám sát hành trình. Tại Việt Nam, sử dụng hộp đen còn là điều mới lạ nên có không ít băn khoăn trong giới doanh nghiệp (DN) vận tải.

Thiết bị giải mã bài toán quản lý ngành giao thông vận tải:

Hộp đen giám sát hành trình

(ANTĐ) - Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sẽ được bàn thảo tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, trong đó, nổi lên một quy định quan trọng: các phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn hộp đen - thiết bị giám sát hành trình. Tại Việt Nam, sử dụng hộp đen còn là điều mới lạ nên có không ít băn khoăn trong giới doanh nghiệp (DN) vận tải.

Bước đột phá trong quản lý dịch vụ vận tải

Một thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe ôtô
Một thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe ôtô

Hộp đen được ứng dụng tại Việt Nam trong khoảng 2 năm nay. Số DN đầu tư thiết bị này trong quản lý dịch vụ vận tải còn rất ít. Ông Trương Quang Mẫn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh, đơn vị đã lắp hộp đen cho hơn 100 xe đường dài từ hơn 1 năm nay cho biết: “Hộp đen mang lại hiệu quả rất thiết thực. Bộ phận công nghệ thông tin của Mai Linh chỉ ngồi tại chỗ, xem qua màn hình máy tính là có thể kiểm soát được lái xe đang vận hành thế nào. Cơ chế trực và giám sát thực hiện 24/24h, khi phát hiện có bất kỳ xe nào chạy quá tốc độ thì bộ phận này sẽ nhắc nhở các lái xe qua điện thoại tức thì”.

Tại trụ sở Công ty CP Quốc tế Phi Long, Nghi Tàm, Hà Nội, một trong số  ít các đơn vị đã sản xuất hộp đen tại Việt Nam, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã được quan sát hệ thống này vận hành trên một hãng xe taxi tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Với phần mềm hỗ trợ tracking car, qua bản đồ số hiển thị trên màn hình máy tính, chuyên viên có thể thấy rõ từng chiếc xe taxi ở thành phố Thái Nguyên đang ở trạng thái ra sao. Ví dụ, biểu tượng xe màu đen nghĩa là xe đang chạy, xe màu xám là đang đỗ và tắt máy, xe màu đỏ là đang vượt tốc độ cho phép. Phần mềm này lưu trữ các thông tin hành trình xe tới 6 tháng. Nhà quản lý có thể dễ dàng truy cập để biết rõ các vi phạm của lái xe.

Dự thảo lần 9, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, điều 67 quy định: Về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, các doanh nghiệp phải đảm bảo phương tiện kinh doanh vận tải được gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, phải có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông.

Mặc dù chưa áp dụng hộp đen tại các phương tiện vận tải của mình, song ông Nguyễn Chí Quân - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải Việt Thanh đã bày tỏ sự đánh giá cao giải pháp này. Ông Nguyễn Chí Quân chia sẻ: “Quản lý tác phong làm việc của lái xe là vấn đề rất đau đầu đối với các DN vận tải. Rất khó kiểm soát việc họ “đánh võng”, lái ẩu, thậm chí, có trường hợp còn ăn gian bớt xén tiền mua xăng của chủ DN. Vì vậy, gắn một thiết bị giám sát như hộp đen sẽ rất có ích cho các DN vận tải”.

Sẽ có lộ trình áp dụng hộp đen

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã lưu ý, cơ chế sử dụng hộp đen phải làm sao nhằm trợ giúp cho các lái xe là chính chứ không chỉ phục vụ cho chủ DN hay cho lực lượng cảnh sát giao thông. Tối thiểu, hộp đen phải phát tín hiệu cảnh báo sớm cho các lái xe khi tốc độ vượt mức cho phép hoặc định vị cho lái xe tuyến đường tối ưu. 

Trước mối băn khoăn này, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ GTVT khẳng định: Chắc chắn khi đưa vào luật, sẽ có những quy định tiêu chuẩn tối thiểu về tính năng của hộp đen. Những thông tin từ hộp đen sẽ hỗ trợ nhiều không chỉ cho DN mà còn cho nhà quản lý ngành vận tải, từ đó, nhà quản lý sẽ đưa ra cơ chế chính sách khả thi nhất đối với các hoạt động dịch vụ vận tải.

Hộp đen có thể giúp lực lượng CSGT phân luồng tự động giảm ùn tắc giao thông
Hộp đen có thể giúp lực lượng CSGT phân luồng tự động giảm ùn tắc giao thông

Ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh: Cần phải nhìn nhận rằng, hộp đen là công cụ giúp ích rất tốt nhất cho các doanh nghiệp vận tải quản lý lái xe của mình. Hoạt động vận tải là ở ngoài đường, khi đó, người lái xe làm chủ phương tiện, hoạt động độc lập. Đội ngũ này chịu nhiều chi phối từ bên ngoài, cả tích cực lẫn tiêu cực. Nếu giám đốc DN chỉ ngồi nhà quản lý, mọi chuyện phó mặc vào tính tự giác của lái xe thì rất khó khăn. Do đó, nếu cứ e ngại việc gây tâm lý không tốt cho lái xe là không nên. Bởi lẽ, lái xe là người đi làm thuê cho các DN vận tải, họ cần tuân thủ đúng các quy định của mình. Trong dự án luật GTĐB, các DN cũng sẽ phải có quy chế sử dụng hộp đen tại DN mình.

Như hình dung của các DN đã tiên phong ứng dụng hộp đen, cảnh sát giao thông sẽ không cần phải “bắn” tốc độ. Hộp đen sẽ buộc các lái xe phải thực hiện đúng hành trình, biểu đồ xe. Khi đó, việc tuân thủ quy định của Luật GTĐB sẽ tự động đi vào quy củ. Giải pháp này được kỳ vọng mang lại cả hiệu quả kinh tế và xã hội. Dĩ nhiên, với giá thành còn cao, khoảng vài trăm USD/thiết bị vì vậy, Cục Đường bộ dự kiến sẽ kiến nghị Chính phủ cho áp dụng theo lộ trình dần dần. Trước mắt, cần thiết áp dụng đối với các tuyến vận tải đường dài, liên tỉnh.                

 Phạm Huyền