Họp báo dài kỷ lục, Tổng thống Ukraine gửi thông điệp gì?

ANTD.VN - Bê bối điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump là một phần nguyên nhân khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quyết định tổ chức cuộc họp báo kéo dài hơn 14 tiếng hôm 10-10. Cuộc họp báo lớn đầu tiên kể từ khi ông Zelensky được bầu làm Tổng thống Ukraine cũng lập kỷ lục thế giới mới về thời gian họp báo dài nhất.

Họp báo dài kỷ lục, Tổng thống Ukraine gửi thông điệp gì? ảnh 1Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

“Hóa giải” bí mật về cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ

Một trong những nội dung được báo giới đặc biệt quan tâm tại cuộc họp báo này là thông tin liên quan đến cuộc điện đàm của ông Zelensky với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Zelensky khẳng định, Tổng thống Trump không hề tìm cách đe dọa ông trong cuộc điện đàm hồi tháng 7 hay ngay cả tại cuộc gặp hồi tháng 9-2019.

Cuộc điện đàm hôm 25-7 là lý do để đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ khởi xướng cuộc điều tra luận tội ông chủ Nhà Trắng. Cuộc điều tra này tập trung vào nghi vấn ông Trump sử dụng viện trợ cho Ukraine làm điều kiện để ép ông Zelensky tiến hành điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người được cho là đối thủ nặng ký của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Tổng thống Trump cho rằng, ông Biden dính líu đến các thỏa thuận ở Ukraine và con trai của Phó Tổng thống là thành viên ban lãnh đạo công ty dầu khí Burisma của Ukraine. Ngoài ra, luật sư riêng của Tổng thống Trump là Rudy  Giuliani cho rằng, một số quan chức Ukraine có ý đồ giúp đỡ ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton - đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Tại cuộc họp báo, ông Zelensky khẳng định ông sẵn sàng cho tiến hành một cuộc điều tra chung về công ty Burisma cũng như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, song nhấn mạnh Ukraine có các cơ quan hành pháp độc lập mà ông không có quyền can thiệp. Thông tin chính thức mà nhà lãnh đạo Ukraine cung cấp cho báo chí phần nào “hóa giải” khúc mắc liên quan đến cuộc điện đàm nói trên. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ rằng, sau khi ông Zelensky lên tiếng về cuộc điện đàm, cần chấm dứt thủ tục luận tội mang động cơ chính trị nhằm vào ông.

Theo Guardian, tại buổi họp báo, ông Zelensky nhiều lần được hỏi về mối quan hệ giữa ông và chính quyền của Tổng thống Trump. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Ukraine cũng trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến mối quan hệ với Tổng thống Nga Putin, hay các nỗ lực của ông nhằm chấm dứt cuộc chiến ở khu vực Donbass, miền Đông nước này.

Lập kỷ lục thế giới mới

Hãng thông tấn Nga TASS đưa tin, Thư ký báo chí của ông Volodymyr Zelensky, Yulia Mendel vào tối 10-10 tuyên bố, Tổng thống Ukraine đã phá kỷ lục trong nước về cuộc họp báo dài nhất từ trước tới nay. Cuộc họp báo marathon bắt đầu từ sáng 10-10 tại Kiev với sự tham gia của 300 nhà báo. Các nhóm nhà báo tối đa 10 người đã ngồi phỏng vấn nhà lãnh đạo trong 30 phút mỗi nhóm. Đáng chú ý, nơi họp báo là chợ thực phẩm Kyiv, được cải tạo từ nhà máy vũ khí Arsenal và ông Zelensky ngồi ở chiếc bàn rộng bên cạnh một gian hàng. Địa điểm được lựa chọn tổ chức họp báo cũng là dấu hiệu về sự cởi mở của chính quyền Ukraine. Cuối ngày, Văn phòng Tổng thống Ukraine đã mời một đại diện của cơ quan phụ trách đăng ký kỷ lục của Ukraine tới trao chứng nhận cho Tổng thống. Ông Zelensky nói ông không thích các giải thưởng, tuy nhiên, ông đã gửi lời cảm ơn vì sự ghi nhận này.

Theo truyền thông Ukraine, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko là người giữ kỷ lục tổ chức cuộc họp báo dài nhất thế giới khi trả lời hàng loạt các câu hỏi từ giới báo chí trong 7 giờ 20 phút. Nhiều nhà lãnh đạo, cựu lãnh đạo thế giới cũng từng tổ chức các cuộc họp báo hay giao lưu trực tuyến kéo dài. Cố Tổng thống Venezulea Hugo Chavez từng giao lưu trên truyền hình trong 8 giờ 6 phút. Năm 2005, cố Chủ tịch Fidel Castro từng phát biểu 5 giờ đồng hồ trong một hội thảo về bản sắc Mỹ Latinh trong thế kỷ 21. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng thường tổ chức giao lưu trực tuyến từ năm 2013. Những cuộc trao đổi này thường kéo dài hơn 4 giờ.

“Tổng thống Trump không hề tìm cách đe dọa tôi trong cuộc điện đàm hồi tháng 7 hay ngay cả tại cuộc gặp hồi tháng 9-2019. Giới chức Mỹ cũng không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào về việc Ukraine can thiệp cuộc bầu cử năm 2016, nhưng vì lợi ích quốc gia, Kiev cũng cần tìm hiểu rõ để giải quyết dứt điểm vấn đề này”.