Họp báo công bố kết luận thanh tra vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề

ANTĐ - Chiều nay (19-8), tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ, Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên).

Quang cảnh buổi họp báo

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội- ông Phan Đăng Long chủ trì họp báo. Phía Công an TP.Hà Nội có Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó giám đốc CATP; Đại tá Vũ Văn Hùng, Trưởng công an quận Long Biên. Buổi họp báo còn có mặt ông Đỗ Mạnh Hải - Chủ tịch UBND quận Long Biên.

Trước khi tiến hành kiểm tra, ngày 5-8, Đoàn kiểm tra đã làm việc với Trụ trì chùa Bồ Đề, thông báo quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, nội dung kiểm tra và đề nghị Trụ trì chùa Bồ Đề phối hợp, tạo điều kiện để Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ. Trong các ngày 6,7-8-2014, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra hoạt động quản lý, nuôi dưỡng trẻ em và các đối tượng BTXH tại chùa Bồ Đề. 

24 trường hợp vắng mặt tại thời điểm kiểm tra

Theo kết luận của đoàn thanh tra, trong các buổi làm việc với bà Phan Thị Lan - Trụ trì chùa Bồ đề, bà Lan giải trình các nội dung theo ý kiến của Đoàn kiểm tra liên ngành và lý do các trường hợp không có mặt tại thời điểm kiểm tra; cơ quan công an đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ và CAP Bồ Đề trực tiếp cử người đi xác minh theo các địa chỉ do bà Phan Thị Lan cung cấp.

Số đối tượng BTXH có mặt tại chùa Bồ Đề tại thời điểm kiểm tra gồm có tổng số 194 người. Trong đó trẻ em từ độ tuổi từ 0 - 6 tuổi có 55 người (1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện); trẻ từ 6 đến dưới 16 tuổi: 37 người; người tàn tật trên 16 tuổi 7 người; người cao tuổi 27 người; người cơ nhỡ xin tá túc tại chùa 9 người.

Theo bà Lan cho biết, trước năm 2012, bà Lan trực tiếp điều hành việc nhận, quản lý các đối tượng BTXH. Sau đó, mọi việc được bà Lan giao lại cho Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, trú tại phố Mai Hắc Đế, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), là người nương nhờ trong chùa ghi chép vào sổ theo dõi quản lý các đối tượng (có ghi chép thông tin cá nhân từ ngày vào chùa Bồ Đề đến ngày ra khỏi chùa).

Chùa Bồ Đề

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra bà Lan không cung cấp được sổ theo dõi như đã nêu và chỉ cung cấp được 3 quyển sổ theo dõi trẻ em đang nuôi dưỡng tại chùa. Sau khi tiếp nhận trẻ, nhà chùa có khai báo với chính quyền địa phương, tuy nhiên chưa kịp thời và không đầy đủ.

Đối chiếu với tổng số người có mặt tại thời điểm kiểm tra với hồ sơ do Trụ trì Phan Thị Lan cung cấp, qua hồ sơ quản lý các cơ quan QLNN cho thấy, có 24 người (21 trẻ và 3 người già) có tên trong hồ sơ nhưng không có mặt tại thời điểm kiểm tra. Cơ quan công an đã chỉ đạo đội nghiệp vụ và CAP Bồ Đề trực tiếp kiểm tra xác minh đến ngày 8-8 làm rõ như sau:

Có 3 người già và 5 đã được đưa vào Trung tâm BTXH của thành phố; 13 trẻ em hiện đang được gia đình nuôi dưỡng; 1trẻ được nhận làm con nuôi (có quyết định của UBND phường Bồ Đề) và 2 trẻ em đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại chùa khác.

Liên quan đến việc khai báo tạm trú tạm vắng, chùa Bồ Đề có sổ theo dõi số người đang cư trú tại chùa, có sổ đăng ký tạm trú với CAP và đã phân công người chịu trách nhiệm theo dõi.

Tuy nhiên, việc phối hợp với chính quyền địa phương, trực tiếp với CAP trong việc quản lý nhân hộ khẩu khi khai báo tạm trú, tạm vắng chưa nghiêm túc, thường xuyên không tự giác khai báo những biến động về số trẻ em và số đối tượng BTXH (chỉ khi CAP rà soát mới báo cáo).

Đối chiếu với hồ sơ nhà chùa cung cấp tại thời điểm kiểm tra, có 3 trẻ là bị bỏ rơi (đã được khai sinh tại UBND phường Bồ Đề theo hình thức con rơi) nhưng kiểm tra thực tế có 2 trường hợp do gia đình gửi gồm: Cù Thế Anh (SN 2007) và Thích Quảng Dương (SN 2004), còn 1 cháu đang ở cùng mẹ ruột tại nhà chùa là Lương Vi Anh (SN 2008).

Theo giải trình của bà Lan, gia đình các cháu mang đến gửi sau đó bỏ đi không thấy quay trở lại thăm. Nhà chùa cũng không biết địa chỉ cụ thể của gia đình nên làm thủ tục xin đăng ký khai sinh cho các cháu bị bỏ rơi không có mặt tại chùa vào thời điểm kiểm tra. Các trường hợp này đều đã được cơ quan công an điều tra xác minh rõ nơi các cháu đang sinh sống.

Chưa chấp hành đủ quy định pháp luật

Cũng tại kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành quận Long Biên cho thấy, việc chùa Bồ Đề tiếp nhận trẻ em và các đối tượng BTXH và nuôi dưỡng khi không đảm bảo các điều kiện để thành lập cơ sở BTXH theo Nghị định 68/2008/NĐ-CP và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép và chưa thực hiện đúng quy định.

Công tác quản lý các đối tượng BTXH tạ chùa chưa chặt chẽ có nhiều sơ hở, bất cập; Thiết lập sổ sách còn sơ sài, không kịp thời cập nhật, bổ sung khi có thay đổi dẫn đến không đủ thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý.

Đối với trẻ em bị bỏ rơi khi phát hiện, Trụ trì chùa chưa khai báo với chính quyền địa phương để thực hiện các thủ tục; lập biên bản, thiết lập giấy tờ về đặc điểm nhận dạng, tài sản và chùa Bồ Đề cũng không đề nghị làm giấy khai sinh cho trẻ là chưa thực hiện đúng quy định.

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng thuốc tân dược tại chùa Bồ đề chưa đúng quy định. Công tác phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn thục phẩm tại khu nuôi dưỡng đối tượng BTXH tại chùa chưa đáp ứng yêu cầu.

Cần sự vào cuộc sớm của các ngành, các cấp

Cũng từ đó, đoàn kiểm tra liên ngành kiến nghị: Đối với bà Phan Thị Lan - Trụ trì chùa Bồ Đề khắc phục các tồn tại nêu trên theo hướng dẫn của các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND quận; phối hợp với chính quyền địa phương trong việc thiết lập hồ sơ đưa một số trường hợp BTXJ vào trung tâm BTXH và công tác quản lý các đối tượng BTXH tiếp tục được nuôi dưỡng tại chùa.

Khi các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi tại chùa Bồ Đề hoặc các đối tượng BTXH muốn tá túc, nương nhờ, đề nghị Trụ trì chùa báo cáo ngày với chính quyền địa phương để thực hiện các thủ tục theo quy định.

Đối với trẻ em và các đối tượng BTXH hiện đang được nuôi dưỡng tại chùa, đề nghị Trụ trì chùa căn cứ điều kiện về cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng BTXH theo quy định; rà soát lập danh sách các trường hợp chùa không đủ điều kiện nuôi dưỡng đề nghị đưa vào trung tâm BTXH, báo cáo UBND quận để quận báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, UBND quận sẽ thống nhất với Trụ trì chùa các nội dung trong việc nuôi dưỡng các đối tượng BTXH tại chùa Bồ Đề.

Đề nghị Trụ trì chùa Bồ Đề phối hợp với UBND phường Bồ Đề và các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em và đảm bảo quyền học tập của trẻ.

Đồng thời, đề nghị Thành hội Phật giáo Hà Nội quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, vận động và tuyên truyền các cơ sở tôn giáo hiện đang nuôi dưỡng các đối tượng BTXH chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng BTXH.