Hỏng thì phải thay!

ANTĐ - Năm 2012, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức như áp lực giảm giá VND và yêu cầu kiểm soát tốc độ phát triển tín dụng và tiền tệ, trong khi vẫn phải hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Đó là nét chính trong báo cáo do Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố. Trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trả lời về vấn đề tái cấu trúc ngân hàng, tỷ lệ ngân hàng hoạt động yếu kém; trần lãi suất 14% có phù hợp, có mang lại lợi nhuận cho nhóm lợi ích nào đó...

Tính đến cuối tháng 10-2011, cả nước có 5 ngân hàng thương mại Nhà nước, 37 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó có 8 ngân hàng cổ phần “lành mạnh” làm trụ cột, 8 ngân hàng hoạt động bình thường, 8 ngân hàng nhỏ hoạt động lành mạnh, còn 8 ngân hàng nhỏ hoạt động yếu kém.

Theo ông Thống đốc, số ngân hàng yếu kém chỉ chiếm một phần nhỏ, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành xong đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và trong tháng 11 này sẽ trình Chính phủ. Trọng tâm của đề án này nhằm đảm bảo xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đa dạng về quy mô, đa dạng về loại hình sở hữu. Dự kiến sẽ có 2 ngân hàng có thể cạnh tranh trong khu vực, 10 ngân hàng đủ sức làm trụ cột trong toàn hệ thống. Mục tiêu cuối cùng đã được xác định, song lộ trình và bước đi cụ thể như thế nào để cải tổ hệ thống ngân hàng thành công là vấn đề được các chuyên gia tài chính đặc biệt quan tâm.

Theo một số chuyên gia, đến nay hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã phát triển với quy mô quá lớn so với tiềm lực kinh tế, nhất là so với quy mô GDP. Nhiều năm gần đây, hệ thống luôn nằm trong tình trạng mất cân đối giữa huy động và cho vay. Ở khâu cấp tín dụng còn tăng mạnh hơn cả số tuyệt đối và tương đối. Đến cuối tháng 8-2011, tổng dư nợ tín dụng đạt 2.650 nghìn tỷ đồng, tăng 97% so với cuối năm 2008. Mãi từ đầu năm cho đến nay, do lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước buộc phải thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát lượng tiền cung ứng, khống chế chỉ tiêu tín dụng, hạn chế dư nợ phi sản xuất. Điều đáng lo ngại là, các tổ chức tín dụng luôn “dựa dẫm” vào Ngân hàng Nhà nước.

Nguyên Thống đốc ngân hàng từng nhận xét, từ năm 2007 đến năm 2011, thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa bao giờ có một ngày bình yên. Từ thực trạng này, chuyên gia tài chính Ngân hàng Deutsche Bank, ANZ tại Việt Nam nhận xét, Việt Nam không phải là nước duy nhất đang phải đối mặt với thách thức của hệ thống ngân hàng trong nước. Để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cần có những chỉ tiêu hết sức rõ ràng để xác định xem ngân hàng nào trong diện phải “dỡ ra”, sắp xếp lại. Đây là điều mà Mỹ đã áp dụng trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng năm 2008. Nếu ngân hàng nào nợ xấu nhiều, hoạt động không hiệu quả, vốn chủ sở hữu ở mức âm và không thể cứu vãn được thì Chính phủ Mỹ loại bỏ bằng cách cho phá sản dù đó là ngân hàng lớn. Còn những ngân hàng nào hoạt động ở mức yếu thì ngân hàng Trung ương cảnh báo, có thể buộc phải sáp nhập hoặc bán lại cho ngân hàng khác.

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận xét, chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng xấu đi do tăng trưởng tín dụng nóng, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh tới 8,5%, cao gấp 3 lần mức bình quân năm 2010. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không ngoài mục tiêu có một hệ thống minh bạch, phát triển bền vững, làm tốt chức năng “chiếc van” điều tiết tiền tệ như dòng máu nuôi “cơ thể” kinh tế. Chiếc van nào quá yếu kém, hư hỏng thì dứt khoát phải thay, tất nhiên không gây đổ vỡ, xáo trộn lớn.