Hồng Kông kỳ vọng xây đảo nhân tạo để "hóa giải" khủng hoảng nhà ở

ANTD.VN - Một dự án xây dựng đảo nhân tạo có thể chứa tới 1,1 triệu cư dân vừa ra mắt tại Hồng Kông, Trung Quốc. Liệu dự án đầy tham vọng trị giá 80 tỷ USD này có thể làm dịu thị trường bất động sản đắt nhất thế giới hay chỉ đơn giản là “đổ tiền ra biển”?

“Việc cải tạo là không thể tránh khỏi. Về lâu dài, nhiều thành phố đang phát triển phải chọn cách này”, Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam khẳng định với các nhà báo trong một phiên hỏi đáp về tình hình đất đai vào năm ngoái.

Hồng Kông kỳ vọng xây đảo nhân tạo để "hóa giải" khủng hoảng nhà ở ảnh 1Mô hình dự án “Tầm nhìn Lantau Ngày mai”, nơi có thể chứa được 1,1 triệu cư dân

Thách thức ở thị trường bất động sản đắt nhất thế giới

Hồng Kông bị quá tải và thiếu nhà ở kinh niên, tình trạng này trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 1997, khi 150 giấy phép cư trú được cấp cho công dân Trung Quốc đại lục mỗi ngày. Ngoài ra, 62% đất đai ở đây bị “khóa chặt” hoặc khó đụng chạm do luật pháp và các quy định ràng buộc liên quan đến lý do môi trường trong phát triển đất đai. 

 Đất đai chật hẹp đã khiến giá bất động sản của Hồng Kông luôn đứng ở vị trí đắt đỏ nhất thế giới. Các hộ gia đình ở đây trung bình cần dành dụm 19 năm mới có thể mua một căn hộ. Trong khi đó, mật độ dân số đã lên tới 27.400 người/km2, thậm chí còn vượt xa về mật độ đông của Mumbai, Ấn Độ. Ước tính hơn 200.000 người của khu vực đặc khu này đang sống trong các căn hộ được chia nhỏ, bao gồm cả những căn hộ siêu nhỏ chừng 20m2. Chỉ riêng trong quãng thời gian 5 năm tới năm 2017, sự thiếu hụt tích lũy của nguồn cung nhà ở tại Hồng Kông đã lên tới 99.000 căn.

“Nhưng cuộc khủng hoảng nhà đất ở mức kinh khủng và tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Trong 30 năm tới, dự đoán Hồng Kông sẽ cần thêm 9.000ha đất để tăng không gian sống bình quân đầu người, giảm mật độ dân số và cung cấp đủ đất đai cho các cơ sở hỗ trợ thiết yếu”, ông Stephen Wong - Phó Giám đốc điều hành của Quỹ “Hồng Kông của chúng ta” nhấn mạnh.

 Chính vì vậy, đặc khu này đang thúc đẩy các kế hoạch xây dựng một trong những hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới. Có tên gọi Tầm nhìn Lantau Ngày mai, dự án sẽ có mức đầu tư lên tới 80 tỷ USD và kỳ vọng tạo ra 1.700ha đất trên biển để chứa tới 1,1 triệu người trên đảo nhân tạo. 

 Công trình khổng lồ này dự kiến sẽ khởi công vào năm 2025, với những cư dân đầu tiên chuyển đến vào năm 2032. Giai đoạn ban đầu của dự án là tạo ra 1.000ha đất xung quanh đảo Kau Yi Chau ở phía Đông Lantau - hòn đảo lớn nhất thành phố. Giai đoạn 2 tiếp tục khai phá hơn 700ha đất. Sau khi hoàn thành, vùng đất được cải tạo sẽ chứa từ 700.000 đến 1,1 triệu người ở mức tối đa 400.000 ngôi nhà, trong đó 70% sẽ là nhà ở công cộng và 30% là nhà tư nhân. Đây cũng sẽ trở thành quận trung tâm thứ ba của Hồng Kông với một mạng lưới giao thông xuyên biển.

Hồng Kông không xa lạ gì với việc khai hoang mở đất. Khoảng 6% đất đai của thành phố là do cải tạo và là nơi cư trú của 27% dân số. Kể từ những năm 1970, Hồng Kông đã xây dựng 9 thị trấn bao gồm Shatin, Tuen Mun và Tseung Kwan O, hầu hết là đất hình thành trong quá trình cải tạo.

Hồng Kông kỳ vọng xây đảo nhân tạo để "hóa giải" khủng hoảng nhà ở ảnh 2Theo kế hoạch, dự án sẽ được xây dựng ở vùng nước giữa đảo Lantau và Hồng Kông hiện nay

Tranh cãi quanh dự án “khủng”

Dự án “khủng” này đã gây ra làn sóng tranh cãi trong dư luận Hồng Kông. Các nhà phê bình cho rằng xây dựng đảo nhân tạo là “đổ tiền ra biển” và sẽ xóa sạch dự trữ tài chính của thành phố. Tình trạng một số dự án cơ sở hạ tầng lớn đình trệ cùng với bội chi ngân sách trong những năm gần đây đã làm giảm niềm tin của công chúng. 

Đó là chưa kể đến nguy cơ đối với môi trường. Angel Lam, chuyên gia bảo tồn cao cấp của WWF-Hong Kong cho biết, dự án sẽ thay đổi thủy văn và môi trường sống vĩnh viễn, do đó mà tác động tiêu cực đáng kể đến sinh thái biển và sinh kế của ngư dân Hồng Kông. Các nhà bảo vệ môi trường như Angel Lam đang thúc giục chính phủ áp dụng chính sách ưu tiên với khu đất dành cho tái phát triển rộng 1.000ha ở vùng lãnh thổ mới. “Tại sao phải cải tạo đảo mới khi đã có 1.000ha đất sẵn có. Hồng Kông không thiếu đất, mà thiếu quy hoạch đúng đắn trên vùng đất hiện có”, ông Andy Chu Kong, nhà vận động cấp cao của Greenpeace nói.

 Tom Yam, một thành viên của Lực lượng đặc nhiệm về tài nguyên đất, lại đặt câu hỏi về khả năng ứng phó của các đảo nhân tạo trong trường hợp xảy ra thảm họa và mực nước biển dâng cao. “Không có chính phủ nào lại lên kế hoạch xây dựng một thành phố có tới 1 triệu người ở giữa biển khi các quốc gia khác đang thực hiện các bước để ứng phó với mực nước biển dâng cao. Đây là một dự án rủi ro cao”, ông Yam nói.

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng các đảo nhân tạo được đề xuất, với khung thời gian xây dựng từ 15 đến 20 năm, không thể giảm thiểu cuộc khủng hoảng nhà ở trong ngắn hạn. Ông cũng nghi ngờ về khả năng giảm quá tải như kỳ vọng. “700.000 người sống trên 1.000 ha đất, tương đương mật độ dân số 70.000 người/km2. Con số này còn cao hơn khu vực đông đúc nhất ở Hồng Kông, đó là Kwun Tong với 57.000 người/km2”.

Nhìn chung, giới chuyên gia tin rằng những người hưởng lợi duy nhất của các đảo mới xây dựng sẽ là các công ty xây dựng. Các công ty xây dựng hiện nay chủ yếu đến từ Trung Quốc đại lục sẽ thấy những lợi ích trước mắt nhất từ Dự án Tầm nhìn Lantau Ngày mai chứ không phải là đa số cư dân Hồng Kông, những người sẽ trả tiền mua với phần lớn dự trữ tài chính của họ.

Hồng Kông kỳ vọng xây đảo nhân tạo để "hóa giải" khủng hoảng nhà ở ảnh 3Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam công bố dự án xây đảo nhân tạo 1.700ha hồi năm ngoái

“Việc cải tạo là không thể tránh khỏi. Về lâu dài, nhiều thành phố đang phát triển phải chọn cách này”, Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam khẳng định với các nhà báo trong một phiên hỏi đáp về tình hình đất đai vào năm ngoái. Nhưng nguồn gốc của ý tưởng này đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước. Kế hoạch của bà Carrie Lam là sự phát triển ý tưởng của người tiền nhiệm Leung Chun-ying, khi vào năm 2014, ông này đề xuất dự án “Đô thị Đông Lantau” với một đảo nhân tạo rộng 1.000ha. Trước đó, vào những năm 1980, ông trùm bất động sản Gordon Wu Ying-sheung cũng đã đề nghị chính quyền xem xét cải tạo ở phía Đông Lantau, tạo ra cơ sở hạ tầng gồm cảng, một sân bay mới và 400.000 căn hộ. 

“Điểm danh” một số dự án cải tạo đô thị lớn trên thế giới

Dự án Tầm nhìn Lautau Ngày mai được xây dựng trên đảo Lantau của Hồng Kông ước tính là dự án cơ sở hạ tầng tốn kém nhất của đặc khu này, ước tính tiêu tốn 80 tỷ USD, tương đương tổng thu nhập GDP của Ethiopia năm 2017. Khởi công năm 2025, dự án đề ra mục tiêu là xây dựng đảo nhân tạo rộng 1.700ha, có thể đón 1,1 triệu cư dân vào năm 2032.

Không chỉ là Hồng Kông, các đảo nhân tạo cũng được coi là giải pháp cho những nơi  khác vốn phải đối mặt với tình trạng quá tải và tăng giá đất. 

Singapore đã sử dụng biện pháp cải tạo để mở rộng phần đất sử dụng thêm 25%, tạo được lợi thế cạnh tranh hơn so với Hồng Kông về giá bất động sản thương mại và dân cư. Công trình cải tạo Bờ Đông của Singapore, dự án lớn nhất của quốc đảo này đã bồi đắp 1.525ha đất từ năm 1966 đến 1986, tiêu tốn 281 triệu USD vào thời điểm đó. 

Trong khi đó, quần đảo Palm của Dubai được xây dựng để tăng lượng đất nổi trên mặt nước, thúc đẩy ngành kinh tế du lịch với các khách sạn và khu nghỉ dưỡng sang trọng. Còn Dự án Thành phố kinh tế King Abdullah ở Saudi Arabia, được đặt tên cho vị vua quá cố của quốc gia này, sẽ có vốn đầu tư khoảng 100 tỷ USD. Thành phố rộng 18.000 ha này sẽ được xây dựng trên vùng đất sa mạc không có người ở và dự kiến sẽ chứa khoảng 2 triệu người.