Honduras: Động vật hoang dã có nguy cơ biến mất vì tội phạm ma túy

ANTĐ - Hình ảnh những chú báo đốm mạnh mẽ trong khu rừng ở Honduras - nơi được “mệnh danh” là thủ đô bạo lực của thế giới có thể sẽ không còn trong tương lai do hoạt động của tội phạm ma túy gia tăng. Thực tế cho thấy, nhiều băng đảng ma túy lớn đã “rửa tiền” bằng cách đầu tư vào nông nghiệp và chính điều này làm hủy hoại môi trường tự nhiên khiến động vật hoang dã không có nơi an toàn để trú ẩn.
Honduras: Động vật hoang dã có nguy cơ biến mất  vì tội phạm ma túy  ảnh 1

Một vụ buôn lậu ma túy bị bắt giữ ở Honduras trong năm 2014

Tội phạm ma túy rửa tiền băng cách đầu tư vào nông nghiệp

Honduras và Guatemala được coi là “tâm chấn” của hoạt động buôn bán ma túy toàn cầu. Đây cũng là những nơi mà môi trường thiên nhiên đang bị biến đổi nhiều nhất ở Mỹ Latinh. Trong năm 2012, chính phủ Mỹ cho biết, 75% các chuyến bay buôn lậu cocaine đến Mỹ có liên quan đến Honduras. Ma túy từ Honduras chiếm số lượng hàng đầu trong tổng số ma túy buôn lậu vào Mỹ. Lực lượng an ninh Honduras đã xác định và triệt phá được nhiều vụ buôn lậu ma túy lớn trên lãnh thổ quốc gia. 

 “Hoạt động của các băng đảng ma túy ở Honduras chắc chắn ảnh hưởng đến việc bảo tồn động vật hoang dã nói chung, báo đốm nói riêng. Tiền từ hoạt động mua bán ma túy được “hợp pháp hóa” thông qua chăn nuôi đại gia súc ngay cả trong khu vực bảo tồn thiên nhiên. Sự kết hợp giữa cocaine và bò có thể nghe rất kỳ lạ nhưng chăn nuôi đã được chứng minh là giải pháp lý tưởng để rửa tiền của tội phạm ma túy”, Jorge Guardia, nhà bảo vệ môi trường thuộc một tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động ở Honduras nói.

Jorge Guardia cho biết thêm, điều rất đáng lo ngại là nhiều người dân địa phương đã “tiếp tay” cho tội phạm ma túy rửa tiền bằng cách bán đất cho tội phạm, mặc dù có vùng đất nằm trong khu vực bảo tồn và không được phép bán. “Những kẻ buôn lậu ma túy thường xuyên tìm cách mở rộng diện tích đất đai. Điều này bắt buộc phải tìm đến những khu vực mới, xa trung tâm. Chúng thường trả rất nhiều tiền để người dân hoặc các quan chức địa phương đồng ý bán đất”, Jorge Guardia cho biết.

Khu dự trữ sinh quyển Rio Platano, một Di sản văn hóa thế giới nằm trong La Mosquitia cũng đang “mất dần, mất mòn” vào tay tội phạm ma túy. “Có những tay buôn ma túy đã mua các khu vực ở La Mosquitia để đầu tư nông nghiệp”, James Adams, nhà tự nhiên học, sống gần Rừng quốc gia Pico Bonito nói. “Không ai ngăn cản điều đó. Họ đang cần hợp pháp hóa khoản tiền kiếm được vào chăn nuôi gia súc và họ cần đất”.

“Biến mất” vì không có môi trường sống

Trong bài viết có tên “Tội phạm ma túy phá rừng: tội phạm và chính sách”, Giáo sư Kendra McSweeney, giảng viên địa lý tại Đại học Ohio đăng tải trên tạp chí khoa học Science nhận định, tội phạm ma túy thường thích “ẩn mình”, hoạt động tại địa bàn vùng sâu vùng xa để tránh sự kiểm soát của Chính phủ. Họ nhanh chóng đưa vật liệu, xây dựng những con đường bí mật và đường băng tại khu vực xa xôi để phục vụ rửa tiền thông qua nông nghiệp.

Giáo sư McSweeney cho biết thêm, thịt gia súc được nuôi ở Honduras thường được xuất khẩu sang Mexico. Santiago Ochoa, một nhà bảo vệ thiên nhiên nói rằng, “giờ đây, nếu đi qua một số khu vực ở Honduras, bạn sẽ nhìn thấy nhiều đường băng được xây dựng. Khi đường băng xuất hiện, điều đó cũng đồng nghĩa rằng, môi trường sống sẽ bị hủy hoại. Môi trường sống không còn, các loài động vật hoang dã chắc chắn sẽ biến mất”.

Nhà sinh vật học Ochoa cho rằng, dễ dàng nhận thấy môi trường sống của động vật hoang dã đang bị hủy hoại trong tay các trùm ma túy nhưng để đấu tranh ngăn chặn tình trạng này lại là câu chuyện khác. “Các thành viên của chúng tôi đã bị tấn công. Họ có thể giết người bất cứ lúc nào”, ông Ochoa nói. Jose Alexander Gonzalez, một nhân viên kiểm lâm đã bị sát hại trên con phố ở Puerto Lempira, Honduras vào một buổi chiều tháng 5 năm ngoái.

Đến nay, vẫn chưa xác định được danh tính của những kẻ đi xe máy tấn công Jose Alexander Gonzalez.“Cuộc chiến ma túy ở Honduras đang rất nóng bỏng. Nó gây nên nỗi sợ hãi đối với những người có nghĩa vụ thực thi luật pháp bảo tồn thiên nhiên hoang dã” - Guardia nói - “Trong nhiều trường hợp, khi cán bộ kiểm lâm theo đuổi vụ việc liên quan đến tội phạm môi trường, điều đó đồng nghĩa với việc họ đang phải đối đầu với các trùm ma túy, bên cạnh đó là rất nhiều mối quan hệ phức tạp với các quan chức chính phủ. Nhân viên kiểm lâm tuần tra đang đặt cược mạng sống của mình. Các băng đảng ma túy đã thắng trên nhiều phương diện”.

Theo ông Guardia, thì lực lượng mỏng, cùng nhiều bất cập trong quy định về thực hiện công vụ khiến công tác đấu tranh với tội phạm ma túy gặp nhiều khó khăn. Trước những thông tin trên, quan chức Honduras nói rằng, quốc gia này đang tiến hành nhiều giải pháp chống ma túy cũng như bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Oscar Rueda, điều phối viên của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Honduras cho biết, cơ quan ông đang triển khai dự án trồng lại cây tại các khu vực rừng bị phá với tổng diện tích là 1.500 ha trong năm nay.