Hồn Việt giữa trùng khơi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có một bức ảnh luôn thu hút mọi người vào những dịp triển lãm biển đảo, bức ảnh ấy chụp đầu năm mới 2019, sư trụ trì chùa Trường Sa rạng rỡ, ân cần mừng tuổi một em nhỏ đang được bồng trong vòng tay mẹ. Giản dị thế, song dường như có những cảm xúc, năng lượng hút mắt, níu lòng người xem.
Ngoài thờ Phật, các chùa đều có ban thờ các Anh hùng liệt sĩ - những người con đất Việt đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc

Ngoài thờ Phật, các chùa đều có ban thờ các Anh hùng liệt sĩ - những người con đất Việt đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc

Tôi có cơ hội chứng kiến khung cảnh thật bình yên ấy khi thầy trụ trì Thích Tâm Tánh chuẩn bị nghi lễ và quà mừng tuổi năm mới cho mọi người giống như trên đất liền. Đặc biệt, vào những ngày Rằm, thầy thường nấu chè, xếp đặt ngay ngắn ra bàn và ngồi đợi. Ngoài các loại chè từ hạt kê, đỗ, lạc, chùa còn có đặc sản chè bưởi. Đơn giản bởi đó là loại quả có thể giữ được cả tháng trời từ đất liền ra tới đảo. Vỏ bưởi đã ngả màu vàng vẫn được sư thầy lau cho sạch sẽ, bóng bẩy rồi dâng cúng. Sau lễ, bưởi được thụ lộc, chia mỗi nơi một chút, còn cùi thầy dành để nấu chè. Những bát chè nho nhỏ, chỉ bằng nửa bát ở đất liền. Có lần, đi ngang qua chiếc bàn đặt đầy chè bưởi, tôi tần ngần giây lát, cũng muốn thử lắm, nhưng lại dấy lên cảm xúc không dám, không nỡ. Ấy là phần quà thảo thơm, mộc mạc nhà chùa dành cho các chú bộ đội đi tập luyện, tăng gia, canh gác mệt nhọc trở về.

Ở đảo Song Tử Tây, sau nhiều ngày về đất liền trở lại chùa, trẻ con cứ quấn quýt quanh sư thầy trụ trì nửa bước không rời. Chúng đòi thầy kể chuyện và dỏng tai lắng nghe như bầy chim non. Thường ngày, ngoài giờ kinh kệ, thầy vẫn đá cầu, chuyện trò, thăm nom người dân, bộ đội. Còn vị trụ trì chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết đã nhiều năm làm công việc Phật sự trên đảo vẫn giữ tâm nguyện được tiếp tục gắn bó với nơi này. Mỗi đảo, chỉ một chùa và người được giao đến đây lo hương khói, chăm sóc cảnh quan, tăng gia trồng trọt là một vinh dự, tự hào và trách nhiệm với Tổ quốc và dân tộc. Hàng năm, Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đều cử các chư tăng ra 6 ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa làm Phật sự. Hầu hết các vị trụ trì khi đã ra nơi đầu sóng đều xem đó như một cơ duyên và thành tâm phát nguyện tiếp tục được lưu lại.

Chùa nào ở Trường Sa cũng có một vẻ đẹp rất riêng. Nhưng có một điểm chung, đó là chúng đều nhìn ra biển, hướng về Thủ đô Hà Nội. Các chùa có nhiều hoa văn hình sóng biển, số gian lẻ, mái cong, sử dụng nhiều loại gỗ quý chịu được môi trường khắc nghiệt. Ngoài thờ Phật, các chùa đều có ban thờ các Anh hùng liệt sĩ - những người con đất Việt đã anh dũng hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Có những buổi chiều, tôi nghe tiếng chuông chùa giữa bao la sóng nước, âm thanh ấy hòa vào tiếng rì rào của đại dương cứ loang rộng về phía chân trời. Điều đặc biệt của 6 ngôi chùa trên quần đảo là giờ thỉnh chuông đều bắt đầu từ lúc 4h30 và 18h. Nghĩa là, sau một giấc ngủ trọn vẹn, lúc ánh nắng đầu tiên vừa ló rạng tiếng chuông sẽ thức tỉnh con người. Tiếng chuông báo hiệu ngày mới bắt đầu, nhắc nhớ tâm tưởng hướng thiện, an lành, rồi cuối ngày sẽ lại vọng ngân. Nó khiến những hình ảnh làng quê với cây đa, giếng nước, sân đình như gần lại, giống như ta chỉ cần đưa tay ra là sẽ chạm vào bảng lảng khói lam chiều.

Chùa nào ở Trường Sa cũng có một vẻ đẹp rất riêng. Nhưng có một điểm chung, đó là chúng đều nhìn ra biển, hướng về Thủ đô Hà Nội. Ngoài thờ Phật, các chùa đều có ban thờ các Anh hùng liệt sĩ - những người con đất Việt đã anh dũng hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.