Hồn phố đượm nồng trên từng ô cửa Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Người ta không thể chặt hết cây để ngăn hoa sấu thôi rụng; cấm hoa sữa thôi tỏa hương; chặn phượng vĩ, bằng lăng, hoàng điệp thôi đua sắc đỏ, tím, vàng; buộc liễu thôi rủ làm xanh ngắt nước hồ; dừng lá me thôi đọng trên môi thiếu nữ; hay không cho cành bàng kia đừng đổ bóng xuống sân trường. Người ta cũng không thể đổ những ồn ào vào không gian tĩnh lặng muôn năm cũ của những phố phường Hà Nội…
Ngã tư quốc tế của Hà Nội

Ngã tư quốc tế của Hà Nội

Những “người Bắc Kinh ở NewYork”

Tôi có anh bạn tên Paul, quốc tịch Hà Lan, nhưng mẹ là người Ireland, cha người Pháp. Xưa, ông cố nội của anh đã sang Canada định cư, vì thế đương nhiên anh sinh ra ở Canada, lớn chừng mươi tuổi gia đình lại chuyển sang Hà Lan nhập tịch. Lớn hơn nữa anh sang Bỉ học đại học, làm việc tại Hoàng gia Bỉ vài năm rồi lưu lạc khắp các vùng châu Phi, châu Á. Anh từng sống nhiều năm ở Thái Lan, lấy vợ người Thái rồi sinh con đẻ cái. Và vào thời điểm gặp tôi thì anh đã kịp có một cô vợ người Việt (tất nhiên sau khi ly dị người vợ cũ). Giờ đã 40 tuổi, anh ở luôn Việt Nam sau 5 năm gắn bó. Tôi hỏi rằng, như thế, rút cục anh tự coi mình là người nước nào và gắn bó với nơi nào nhất. Anh nhún vai, trả lời qua loa, đại ý mỗi nơi thấy quen thuộc một chút, nhưng nay thì rất ấn tượng với Việt Nam.

Tôi cũng có cô bạn thân là nhà văn Cấn Vân Khánh. Nàng sinh ra và lớn lên ở Sơn Tây, chừng mươi tuổi thì chuyển về Hải Phòng sinh sống. Hơn 10 năm sau nàng lại vào Sài Gòn làm việc rồi chuyển ra Hà Nội học tiếp. Giờ nàng sắp sang Mỹ định cư theo chồng. Nghĩa là trong 30 năm cuộc đời, nàng cũng không khác gì anh Paul, và trong suốt quãng thời gian sau này, rất có thể nàng sẽ di chuyển khắp các tiểu bang California, Florida, Texas… theo nhu cầu công việc của chồng.

Tôi vốn rất tò mò với những con người đa quốc gia, đa thành phố như thế. Nhiều người, vì lý do công việc hay cuộc sống, cứ chu du hết thành phố nọ đến thành phố kia, mỗi nơi chỉ đậu lại chừng vài năm rồi lại bước tiếp. Đành rằng, trong thế kỷ 21, những người mang trong mình vài quê hương, thậm chí pha trộn nhiều dòng máu là rất nhiều, nhưng tôi nghĩ mãi, vẫn không hình dung được cảm giác của họ. Mới hay, có thể cho đến suốt cuộc đời này, tôi cũng sẽ không hiểu được cảm giác ấy, đơn giản vì một điều duy nhất: Tôi chưa bao giờ rời khỏi Hà Nội quá 3 tháng. Nhiều lúc, sau khi tính toán thiệt hơn, tôi cho rằng mình có thể từ bỏ rất nhiều thứ, song không bao giờ có thể từ bỏ được thành phố nơi mình đang sinh sống.

Hà Nội lộng lẫy về đêm

Hà Nội lộng lẫy về đêm

Ký ức và sắc màu

Tôi yêu Hà Nội bằng một tình yêu kỳ lạ. Từ lúc nhận thức được lờ mờ những sự vật trên đời, tôi đã cảm thấy máu thịt mình tỏa lan và quyện hòa cùng những con đường lốc cốc tiếng vó ngựa kéo xe hàng qua lại mỗi sáng, tiếng rao trưa của gánh hàng đồng nát, bánh mì, tào phớ, tiếng rao đêm của người tẩm quất rong, của anh xe chở bánh khúc. Quyện hòa cùng đó là những con đường nhỏ xíu quanh co trong nội thành theo đường ray tàu điện dẫn lên tận chợ Đồng Xuân chật ních người mua bán; quyện hòa cùng những chợ cóc, chợ tạm chất đầy thực phẩm mang vào từ ngoại ô; quyện hòa cùng những hồ nước xanh rợn bóng cây rũ ven đường, nức mùi hoa sữa mỗi đêm đông về, rợp vàng lá rụng lúc độ thu và nhức nhối tiếng ve ran giữa sáng hè. Tôi vẫn nhớ mơ hồ như thế về một Hà Nội hơn 20 năm trước.

Ngày nay, Hà Nội y như cô gái mỗi ngày lại sắm thêm cho mình một phụ kiện xiêm y lộng lẫy. Từng tý một, từng chút một mỗi ngày, cuối cùng khi gặp lại cô ấy, người xưa cũ nghe chừng bâng khuâng, ngơ ngác, tự hỏi lòng mình những nét quen thuộc xưa nay đâu? Người thì cứ mãi già cỗi đi, còn thành phố ngày một trẻ lại. Nét trẻ trung, năng động vương vấn trong từng hình khối, âm thanh và màu sắc. Nhưng vẫn còn đó Hà Nội.

Nhiều người nước ngoài nói với tôi rằng, điều mà họ ấn tượng nhất về Hà Nội là một không gian pha trộn đặc biệt không tồn tại ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Thoạt đầu tôi hơi ngạc nhiên, sau ngẫm lại thấy đúng. Có ở nơi đâu người ta nhìn thấy những tòa nhà cao tầng tựa hồ chung cư Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc… mà bên dưới lại thảnh thơi dạo bước vài người bán hàng rong?

Có ở nơi đâu ta đang đi trên con lộ lớn san sát những dãy đậu ô tô và quán cà phê, tiệm thời trang gắn kính shopfront, bất thần rẽ quặt vào một ngõ nhỏ đã lại thấy cổng đình làng ngạo nghễ cùng thời gian? Có ở nơi đâu mái ngói nâu trầm, cửa gỗ thâm niên mục ải, rễ si già vắt vẻo trầm ngâm phủ lên mái hiên của những quán bar nhộn nhịp khách da trắng vào truy cập internet, uống bia Corona, đặt tour đi Tháp Chàm, Angkor và giật cục đầu theo những nhịp thanh của Punk Rock?

Có ở nơi đâu những con phố mang kiến trúc Đông Dương với những ngôi biệt thự Pháp cổ tường vàng, cửa sổ chớp xanh lá, lại nằm bên cạnh những khu phố người Tàu ngõ nhỏ âm u dẫn vào sân giữa; những ngôi nhà cổ kiểu phố Phái trông lên những tòa cao ốc gắn kính đen im lặng? Có ở nơi đâu một đời sống đường phố (streetlife) nhộn nhịp như nơi này: Người ta ăn, uống, ngủ trưa, tắm giặt, cắt tóc, đá bóng, mua bán nhộn nhịp trên vỉa hè?

Tàu điện chạy qua chợ Đồng Xuân năm 1989

Tàu điện chạy qua chợ Đồng Xuân năm 1989

Đã yêu, yêu cả đường đi…

Hà Nội là cả một sự lộn xộn. Lộn xộn từ trong kiến trúc, màu sắc, thanh âm và nhịp điệu, tạo nên một sức sống đáng nhớ, hay nói là một “sự lộn xộn đáng yêu” thì cũng vậy.

Người ta vẫn nhắc đến những bất cập về kiến trúc Hà Nội, nhiều người gọi nó là một thứ… hổ lốn. Tôi thì không hoàn toàn nghĩ như vậy. Có thể, tình yêu đôi khi thường mù quáng, tôi thực sự không muốn phân tích kỹ điểm yếu của những gì tôi đang yêu quý. Cho dù Hà Nội nay đã khác xưa nhiều, kiến trúc khác, nhà cửa ngày càng cao lên, hàng rào thêm một âm u; âm thanh cũng khác, không còn những “tiếng rao vang đâu đây nghe đọng trời đêm”, không còn tiếng chân ngựa, tiếng chuông tàu điện mà thay vào đó là tiếng tập thể dục sáng trong nhịp “Boom boom boom…” của ban Vengaboys; tiếng “dzô trăm phần trăm” giữa trưa hè và tiếng còi xe loạn xạ của trăm nghìn loại động cơ ô tô, xe máy mỗi buổi tan tầm; nhưng nét quyến rũ của Hà Nội vẫn còn nguyên đó.

Người ta không thể chặt hết cây để ngăn hoa sấu thôi rụng; cấm hoa sữa thôi tỏa hương; chặn phượng vĩ, bằng lăng, hoàng điệp thôi đua sắc đỏ, tím, vàng; buộc liễu thôi rủ làm xanh ngắt nước hồ; dừng lá me thôi đọng trên môi người thiếu nữ; hay không cho cành bàng kia đừng đổ bóng xuống sân trường. Người ta cũng không thể đổ những ồn ào vào không gian tĩnh lặng muôn năm cũ của những con phố Hạ Hồi, Nguyễn Gia Thiều, Trần Quốc Toản… Người ta không thể vét hết nước từ bao lòng hồ phẳng lặng ngày đêm ôm bước dạo của những cặp tình nhân đang lặng lẽ trong một nụ hôn dài.

Thành phố này có thể đang đổi thay từng giờ, đổi thay đến mức lâu ngày không đi đến góc phố ấy khi quay lại đã thấy cái nhà hàng quen thuộc biến mất nhường chỗ cho một tiệm cắt tóc thời trang, lâu ngày thấy mọc lên một khu chung cư mới, một cầu vượt mới, một hầm đường bộ mới, nhưng hồn phố vẫn còn đó, đượm nồng trên từng ô cửa để mỗi sớm mai vươn mình thức dậy, đi trong ánh bình minh, thấy rằng, tôi vẫn đang ở đây, giữa đất trời Hà Nội.