Hơn nửa số doanh nghiệp không có lãi là không bình thường

ANTĐ - Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là động lực phát triển kinh tế

Dẫn số liệu thống kê trong khoảng 15 năm gần đây, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, kể từ ngày có Luật doanh nghiệp, nước ta đã có 941.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập. Nhưng tính đến ngày 31-12-2015, cả nước còn có 513.000 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lý do khác nhau (chiếm 45,5%).

Gần một nửa số doanh nghiệp đã thành lập buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng đáng chú ý, trong số 428.000 doanh nghiệp này, một nửa diễn ra trong khoảng 3 năm trở lại đây và xu hướng này vẫn tiếp tục gia tăng.

“Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng cho thấy bức tranh không mấy lạc quan. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, có cải thiện so với những năm trước, hơn một nửa (58%) doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn. Việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn”- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Mới đây, tại cuộc họp báo “Thái Lan – Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế cho sự thịnh vượng chung”, ông Sanan Angubolkul – Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam đánh giá: “Môi trường đầu tư của Việt Nam chạy sau Thái Lan 20 năm”. Tuy nhiên, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan cho rằng, Việt Nam cứ phải từ từ, bởi vẫn chưa đến cơ hội của Việt Nam!

Vậy khi nào mới đến cơ hội bứt phá của Việt Nam nếu chúng ta đang đi sau Thái Lan ngần ấy năm? Trong khi đó, hội nhập đã trở thành hiện thực.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trong đó tập trung vào 2 việc là giảm lãi suất cho vay và giảm các loại thuế, phí một cách hợp lý, khoan sức cho doanh nghiệp để đội ngũ doanh nghiệp của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, sẵn sàng hội nhập.