Hôn nhân giả dối

ANTĐ - Để tránh gia đình xáo trộn, con cái bị ảnh hưởng, người ngoài dị nghị và cốt yếu, tránh sự cãi vã mệt mỏi, nhiều người đã cố gắng diễn vở kịch đầm ấm, đeo mặt nạ cười cho hôn nhân của mình. Tuy nhiên, sự mâu thuẫn, nỗi đau khổ vẫn ngấm ngầm phá huỷ hạnh phúc. 
Vở kịch hoàn hảo

Bạn bè, chòm xóm của chị Lê Thị Đức Hạnh (quận Hai Bà Trưng) luôn ghen tị với cuộc sống gia đình chị. Nhà to rộng, có ô tô riêng, hai con cũng lớn, ngoan ngoãn, chồng làm lãnh đạo, thu nhập cao. Anh Vinh – chồng chị cũng rất xởi lởi, nhiệt tình, được lòng mọi người. Đã thế, anh còn chăm sóc chị từng ly từng tí. Mọi người thường chứng kiến anh mở cửa ô tô, xách đồ cho chị mỗi khi hai người cùng về nhà. Buổi tối, anh còn thường chở chị đi chơi, hàng xóm bảo thì chị đều cười dịu dàng: “Chúng em ra công viên hóng mát”. Trong nhà lúc nào cũng ríu rít, một điều anh, hai điều em. Sáng sáng, chị cầm cặp cho anh ra tận ô tô, anh còn ngoái lại hôn lên má vợ. Tuy gia đình sung túc, được chồng chăm sóc, con ngoan ngoãn, nhưng mọi người đều thấy lạ là mắt chị Hạnh luôn thâm quầng, cơ thể gầy yếu, héo hắt.

Tuy nhiên, chỉ người thân mới biết, chị Hạnh đã âm thầm chịu đựng suốt 10 năm nay vì chồng mình có bồ, đã thế về nhà còn ghen tuông, bạo hành với vợ.  Chị Hạnh biết chuyện, chồng chị không hối hận mà còn tuyên bố “không bỏ được nhân tình”. Sợ ảnh hưởng đến con cái, công danh của chồng, nên chị Hạnh cũng không dám ly hôn. Chị đành chấp nhận chồng có bồ, với điều kiện anh phải đóng kịch “tổ ấm lý tưởng” cho hoàn hảo. Anh chị thường xuyên chở nhau ra công viên để “cãi nhau”. Nếu giận quá, anh chị đóng cửa phòng, âm thầm cắn cấu nhau. 

Theo giáo sư Lê Thi (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới), phần lớn bi kịch này thường xảy ra ở những gia đình trí thức. Có nhiều nguyên nhân khiến người ta phải đeo “mặt nạ” cho cuộc hôn nhân của mình như sợ ảnh hưởng đến công danh, sự nghiệp, sợ xáo trộn cuộc sống của con cái. Nhưng “gót chân Asin” của nhiều người chính là lòng tự trọng, tự ái bị tổn thương. Họ luôn tự hào về sự thông minh, tài giỏi, thành đạt của mình. Việc hôn nhân thất bại là cú đánh chí mạng vào sự kiêu hãnh của họ. Vì thế, để lại được “lớn tiếng” chỉ dạy và khoe mẽ với thiên hạ, họ tiếp tục đóng kịch với nhau để “mua danh”.

Hạnh phúc tan vỡ

Vở kịch của chị Hạnh và anh Vinh hoàn toàn thành công nếu như bỗng nhiên, đứa con gái 15 tuổi đang ngoan ngoãn, học giỏi bỗng nhiên trở nên ương bướng khó bảo. Thậm chí, con gái chị còn bỏ học, đi lang thang với đám bạn lêu lổng. Khi chị giận dữ, mắng con “hư hỏng”, bỗng nhiễn, nó quắc mắt lên nhìn chị: “Bố mẹ chẳng có tư cách gì dạy con. Ít ra con không giả dối như các người”. Nói xong, nó ôm mặt khóc nức nở. 

Hoá ra, trong một lần vào công viên chơi với bạn, con gái chị đã chứng kiến “sự thật” của gia đình mình. Nó nhìn hai bố mẹ vốn vẫn luôn là “thần tượng tình yêu” trong mắt nó cãi nhau, mạt sát nhau, gọi nhau là mày tao và xông vào túm tóc nhau, cào cấu ngay giữa công viên. Thất vọng, thiếu tin tưởng, không coi trọng bố mẹ, con gái anh chị bỏ bê học hành, lang thang đi chơi với bạn bè xấu. Hai bố mẹ có nói gì nó cũng để ngoài tai. Cái vỏ hạnh phúc mà chị Hạnh đã cố gắng giữ gìn với mục đích “vì sự êm ấm của con” đã vỡ tan. Không những thế, những mảnh vỡ đã đâm trúng trái tim của con chị, khiến nó tổn thương, tan nát. 

Đứa con trai lớn sau khi biết chuyện giả dối của bố mẹ, cũng chui vào phòng riêng đóng chặt cửa, không muốn nói chuyện với bố mẹ. Gia đình bỗng nhiên tan hoang, rạn vỡ. Đau khổ, chị Hạnh bị suy sụp, ốm nặng. Danh sách kê bệnh của chị cũng dài dằng dặc: viêm đại tràng, đau dạ dày, mất ngủ, tiền đình, suy kiệt thân thể. Chị bạn cứ thắc mắc, cuộc sống của bạn có vẻ ổn, sao sức khoẻ lại bị dày vò đến mức tàn tạ như vậy. “Đã nhiều năm nay tôi không ngủ được. Tôi luôn đau đớn khi nghĩ đến cảnh mình bị phản bội, đã thế, hàng ngày vẫn phải đối mặt, cười nói âu yếm, dịu dàng với anh ta. Điều đó, khiến tôi cũng cảm thấy ghét bản thân mình hơn” – chị Hạnh tâm sự. 

Theo GS. Lê Thi, đã mang mặt nạ, đương nhiên mọi người sẽ cảm thấy vướng víu, khó chịu, căng thẳng. Mặt nạ chỉ để đóng kịch với thiên hạ, với con cái nhưng không thể đánh lừa tình cảm của mình. Mệt mỏi vì đóng kịch, “tô vẽ bộ mặt hạnh phúc cho mình”, họ rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, buồn rầu, bệnh tật. 

Hậu quả của những đứa trẻ khi phát hiện ra tình yêu giả dối của bố mẹ thường là trầm cảm, buồn rầu, trở thành những đứa trẻ ương bướng, khó bảo, thậm chí bỏ nhà, bỏ học theo bạn bè xấu. Chúng sẽ luôn tự hỏi, liệu có lúc nào bố mẹ chúng thực sự yêu nhau, liệu chúng có phải là sự kết tinh của tình yêu hay chỉ là một “sản phẩm” của sự giả dối? Điều đó có thể khiến cuộc đời của một đứa trẻ bị thay đổi hoàn toàn, theo chiều hướng xấu. Người mẹ, người cha giả dối sẽ đánh mất hoàn toàn sự tin tưởng, kính trọng, yêu thương của các con. 

“Khi có mâu thuẫn, tốt nhất các cặp vợ chồng nên ngồi lại đối thoại và tìm một giải pháp trung thực, bình tĩnh hơn. Nếu như không còn tình yêu, không thể sống chung thì cũng nên chia sẻ thành thật với các con để chúng hiểu. Chỉ cần bạn luôn có trách nhiệm với con, luôn thể hiện cho chúng biết việc hôn nhân tan vỡ không ảnh hưởng đến tình yêu bạn dành cho chúng thì trẻ em cũng sẽ không quá bị tổn thương, đau đớn khi cha mẹ chia tay”.

 GS. Lê Thi