Hồn đất Điện Biên

ANTĐ - Hai chữ “Đại tướng” vừa kính trọng, vừa bình dị đã gắn bó mật thiết với nhân dân, cho dù những người con sinh sau đẻ muộn chưa từng một lần được vinh dự gặp nhưng trong lòng luôn tôn kính ông - vị tướng của lòng dân.
Hồn đất Điện Biên ảnh 1
Bên ngoài hầm xuyên núi - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Vị Đại tướng in đậm trong lòng nhân dân
Từ lâu, những chiếc cột mốc bên con đường trở về Mường Phăng nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng chỉ ghi thông tin giản dị “hầm Đại tướng”. Chỉ có thế thôi, nhưng từ người trẻ đến người già, từ khách trong nước và quốc tế đều hiểu rõ đó là cột mốc ghi danh con người vĩ đại làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Rừng Mường Phăng thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, là nơi đặt sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân đội nhân dân Việt Nam do Tổng tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp lãnh đạo. Giờ nơi này đã trở thành điểm du lịch về nguồn hút khách muôn phương.  Cuộc chiến thần thánh đã khiến thế giới phải khâm phục. Có muôn vàn sự tôn kính dành cho vị Đại tướng tài ba, nhưng với những người con ở quê hương Mường Phăng, tất cả đều gắn mật thiết với một người con vĩ đại nhưng rất đỗi bình dị. Những cái tên: “rừng Đại tướng” “hầm Đại tướng” hay con đường “Đại tướng”… chưa một lần xuất hiện trên bản đồ, hay sách vở, nhưng ai cũng hiểu rõ, bởi đơn giản đó là vị tướng của nhân dân, và đó chính là hồn đất Điện Biên. Trở về nơi từng là sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ mùa này, hoa ban trắng rừng, hoa trảu bạt ngàn. Những con đường của một thời gian khó, giờ không lầy lội mà thảm nhựa vào tận cửa rừng Đại tướng. Trên những chuyến xe đông người trở về nơi ấy, với họ không chỉ là tham quan mà còn là sự tri ân, tôn kính một con người vĩ đại. 
Hồn đất Điện Biên ảnh 2
Chiếc chõng tre dường như vẫn ấm hơi thở của Đại tướng - Tổng Tư lệnh
Hai chữ “Đại tướng” bình dị và tự hào không chỉ với bà con ở Mường Phăng, ở Điện Biên mà cả thế giới phải rưng rưng khi Người ra đi. “Trời mưa xong, lá rơi xuống lối đi nhiều quá, tôi nhặt cho sạch để khách tham qua đi lại cho tiện” - ông Nguyễn Văn Quỳ, 65 tuổi, ở bản Phăng nói. Hình ảnh ông Quỳ lặng lẽ nhặt lá rụng tôi bắt gặp trên đường vào hầm Đại tướng. Dù việc làm đó không ai phân công cho ông, nhưng theo cách suy nghĩ của ông Quỳ thì “Đại tướng nổi tiếng lắm, ngày cụ mất cả nước xếp hàng dài mấy ngày để đưa tang, tôi chưa được vinh dự gặp cụ bao giờ nhưng tôi biết đây là rừng cụ ở để chiến đấu giải phóng Điện Biên” - ông Quỳ tự hào. Ở góc rừng Tây Bắc này, có những tấm lòng mộc mạc, và suy nghĩ cũng rất chân thành. Chẳng thể ai có thể bắt họ phải yêu cụ thể người nào đó được, mà với họ việc gì cũng phải xuất phát từ đáy lòng, và khi đã “ưng cái bụng” thì chắc như cây rừng cắm vào đá núi. Người “em gái” ở rừng Đại tướng
Hồn đất Điện Biên ảnh 3
Cụ Lù Thị Đôi 101 tuổi - người từng được Đại tướng giao nhiệm vụ ở Mường Phăng
Căn nhà sàn của cụ Lù Thị Đôi nằm dưới tán dẻ già ở cửa rừng Đại tướng. Cụ Đôi năm nay 101 tuổi, không biết nói tiếng phổ thông, nhưng còn minh mẫn. Để ghi được câu chuyện này, tôi đã phải nhờ một “phiên dịch” của Báo Điện Biên Phủ giúp đỡ. Nhắc đến tên vị Đại tướng, khóe mắt nhăn nheo của cụ giật giật. “Ải pú tạp xấc” - ông nội đánh giặc của người Mường Phăng. Ngày Đại tướng mất, chị em thanh niên trong bản đi viếng tấp nập, đoàn thì vào hầm Đại tướng, đoàn thì ra tượng đài chiến thắng, có người lên chuyến xe đêm, từ Mường Phăng trở về Hà Nội hòa vào dòng người dài như vô tận để được một lần kính dâng bông hoa lên hồn đất của Điện Biên. Những ngày đám tang Đại tướng, cụ Đôi khóc nhiều lắm. Chị Lò Thị Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Mường Phăng phải động viên cụ gắng giữ sức khỏe để còn bảo ban con cháu trông giữ rừng Đại tướng cho mai sau. Cụ Đôi gật đầu nghe theo, nhưng cụ ra điều kiện, phải đưa cụ lên Hầm Đại tướng để nhìn một lần cho đỡ tủi. Hôm đó, Hầm Đại tướng hoa trải dài khắp lối vào rừng nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên. Chiếc chõng tre, bàn làm việc như vẫn còn nhịp đập hơi thở của vị Đại tướng. Ánh đèn vàng trong hầm tỏa sáng ấm áp, rọi chiếu rõ từng vết chân. Cụ Đôi từng vinh dự được Đại tướng giao nhiệm vụ dẫn công binh tìm đường để đào hầm Sở chỉ huy chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. 
Hồn đất Điện Biên ảnh 4
Đồ lưu niệm được nhiều người ưa chuộng khi đi du lịch Mường Phăng
Cụ Lù Thị Đôi tự hào: “Tôi được trực tiếp nhận lệnh Đại tướng 3 lần. Nhưng nhớ nhất là lần Đại tướng căn dặn kĩ càng: “Cô là Trưởng ban dân vận của địa phương, phải tích cực truyên truyền bà con ủng hộ cho chiến dịch, nhưng tuyệt đối bí mật việc quân ta xây dựng căn cứ chỉ huy để đảm bảo cho chiến dịch toàn thắng” - cụ nghẹn ngào. Trong mấy ngày vận động mà cụ Đôi đã được dân bản chuyển đến cho bộ đội 9 tấn lúa gạo và 5 con trâu mộng. Chiến thắng Điện Biên tấu khúc ca khải hoàn, Đại tướng đã cho mổ 3 con trâu để khao quân. “Ngày đó, tôi thạo việc rừng, việc bản nên hay được Đại tướng giao việc. Lâu lắm rồi tôi chẳng được gặp người anh cả của rừng…” - cụ Đôi lấy chiếc khăn piêu lau những giọt nước mắt. Tin  Đại tướng ra đi, là cái tin mà chẳng ai nghĩ tới mặc dù quy luật nghiệt ngã của mỗi con người đều phải trải qua.  “Hôm ấy, trời Điện Biên tối sầm. Gió đại ngàn giật réo không ngơi. Cây dẻ già bên cánh rừng Đại tướng đã nghiêng ngả như muốn đổ… Tất cả chị em phụ nữ xã đang bàn bạc kế hoạch chuẩn bị cho ngày Phụ nữ Việt Nam, tin ùa về mà mọi người òa lên khóc” - chị Lò Thị Thanh nghẹn ngào. Nắng chiều đổ xuống  Mường Phăng, những đứa trẻ ùa ra từ cổng trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp, tôi hỏi một cậu bé tên Lò Văn Hùng, dân tộc Thái đen, có biết tên trường mang tên gì không, Hùng cười hồn nhiên: “Cụ Giáp là người bản cháu, cụ “tạp xấc” - đánh giặc - giữ Mường Phăng, giữ bản của cháu. Nhưng... nhưng... Cụ mất rồi, cô giáo cháu bảo thế. Cụ sẽ không về thăm Mường Phăng nữa...”.