Hòn đảo Greenland trong thương chiến Mỹ - Trung

ANTD.VN - Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngỏ ý muốn mua lại hòn đảo Greenland thuộc Đan Mạch và sáp nhập nó vào lãnh thổ của mình. Động thái này đã khiến không ít người ngạc nhiên, thậm chí có ý kiến cho rằng, Mỹ chỉ muốn dùng Greenland như một cách để đối phó với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại.

Hòn đảo Greenland có giá trị quan trọng đối với Mỹ

Vị trí chiến lược

Greenland vốn là hòn đảo tự trị thuộc lãnh thổ Đan Mạch, được bao phủ bởi 80% diện tích là băng tuyết. Nhưng với Mỹ, nó lại có tiềm năng và vị trí địa lý quan trọng, về mặt chính trị, hòn đảo có thể giúp Mỹ củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế. 

Theo CNBC, điểm mạnh đầu tiên của Greenland chính là vị trí đặc biệt đối với tuyến đường vận chuyển mới ở Bắc Đại Tây Dương được hình thành sau khi các tảng băng lớn ở đây bắt đầu tan chảy. Tuyến đường này giúp rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển trên biển so với trước đây. Điều này có giá trị vô cùng quan trọng với Mỹ, bởi nó sẽ thúc đẩy giao thương của cường quốc hàng đầu thế giới này. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, đây có thể là một quân bài chiến lược giúp Mỹ hạ bệ đối thủ hàng đầu của mình hiện nay. 

Trước đây, Trung Quốc cũng từng để mắt tới Greenland và mong muốn xây dựng một “Con đường tơ lụa” qua đây để tăng cường giao thương ở khu vực Bắc Đại Tây Dương, nhưng ý tưởng này sau đó đã không được hiện thực hóa. Hiện tại, đất hiếm đang là món vũ khí lợi hại nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Được biết, Bắc Kinh cung cấp ít nhất 70% trữ lượng đất hiếm trên toàn cầu và thường dùng biện pháp hạn chế xuất khẩu mặt hàng này như một đòn đánh mạnh nhằm vào đối thủ của mình.

Phía Washington cho rằng Trung Quốc luôn mang tham vọng lớn đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và mong muốn phát triển các tuyến liên kết thương mại, đặc biệt là tuyến giao thương qua đường biển ở Bắc Đại Tây Dương. Bởi vậy, giới quan sát cho rằng, việc Tổng thống Trump đề xuất mua Greenland và nỗi thất vọng của ông khi bị từ chối là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang lo lắng về sự tăng trưởng kinh tế cũng như mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu. 

Phía Washington cho rằng, Trung Quốc luôn mang tham vọng lớn đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và mong muốn phát triển các tuyến liên kết thương mại, đặc biệt là tuyến giao thương qua đường biển ở Bắc Đại Tây Dương. Bởi vậy, giới quan sát cho rằng, việc Tổng thống Trump đề xuất mua Greenland và nỗi thất vọng của ông khi bị từ chối là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang lo lắng về sự tăng trưởng kinh tế cũng như mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu. 

Bên cạnh đó, Greenland còn nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú gồm cả than, kẽm, đồng, quặng sắt và khoáng chất quý hiếm. Đã có nhiều cuộc thám hiểm để đánh giá về tài nguyên thiên nhiên tại Greenland, song vẫn chưa có con số cụ thể nào được đưa ra. Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên phong phú trên, Mỹ hoàn toàn có thể tăng cường lợi thế của mình trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Ngoài ra, Greenland cũng có vị trí chiến lược quan trọng đối với quốc phòng. Mỹ và Greenland đã có một thỏa thuận từ Chiến tranh thế giới II về việc Mỹ sẽ đặt căn cứ quân sự trên vùng lãnh thổ này - căn cứ Không quân Thule Air. Tại đây trang bị những radar và thiết bị thuộc hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo, có khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa sâu hàng nghìn km từ lãnh thổ Nga.

Theo tờ SCMP, Mỹ có thể nhận ra Trung Quốc đã xây dựng một mối quan hệ kinh tế tương đối chặt chẽ với  Greenland, khi Công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc đã nỗ lực để đảm bảo hợp đồng xây dựng 2 sân bay mới trên lãnh thổ Greenland. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang phát triển những dự án khai thác khoáng sản tại hòn đảo này, đáng chú ý là 2 dự án khai thác uranium và đất hiếm. 

Thủ tướng Đan Mạch bất ngờ sau khi Tổng thống Mỹ hủy chuyến thăm Đan Mạch

Mất và được

Mặc dù những thế mạnh của Greenland đã được liệt kê hết ở trên, song, nhiều người cho rằng, Tổng thống Mỹ chỉ muốn mua lại bởi ông muốn có một di sản của riêng mình. 

Những hiệu quả kinh tế mà Greenland mang lại cho Mỹ không thể được khai thác trong ngày một, ngày hai mà cần một quá trình dài, đặc biệt đối với trữ lượng khoáng sản tại đây. Greenland được bao phủ bởi lớp băng tuyết dày, khiến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên gặp nhiều trở ngại. Để khai thác được, nhiều khả năng Mỹ phải bỏ ra hàng tỷ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng trước khi muốn thu lời từ vùng đấy này.

Tờ Wall Street Journal cho rằng, những lợi ích kinh tế thu được từ Greenland nghe có vẻ hấp dẫn, song lại không mấy thiết thực. Điều này khiến nhiều người đánh giá, Tổng thống Mỹ muốn biến Greenland thành một di sản của riêng mình giống như việc Tổng thổng Dwight Eisenhower từng công nhận Alaska là một bang của Mỹ. Cũng theo tờ báo này, các phụ tá của Tổng thống Mỹ đã tranh cãi căng thẳng và gần như bị chia rẽ thành 2 phe trước quyết định mua lại   Greenland. Nhiều người cho rằng, những lợi thế của hòn đảo lớn nhất thế giới sẽ giúp Mỹ củng cố quyền lực và tầm ảnh hưởng của mình trong khi số còn lại chỉ xem đây là một “giấc mơ viển vông”. 

Ngoài ra, đặt vào tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, băng ở Greenland đang tan nhanh ở mức đáng báo động. Nếu Mỹ muốn mua lại hòn đảo này, chính phủ Washington cũng cần tính tới chi phí phát sinh do ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu cũng như chi phí phúc lợi xã hội đối với những người dân tại đây. Đặc biệt, việc giải quyết việc làm cho những người dân sinh sống trên đảo Greenland ít nhất là khoảng 500 triệu USD/năm, đây là con số mà chính phủ Đan Mạch đã phải bỏ ra để hỗ trợ Greenland duy trì hoạt động kinh tế của mình hàng năm. 

Tổng thống Donald Trump không phải người đầu tiên ngỏ ý muốn mua lại Greenland từ Đan Mạch. Trước đó, Tổng thống Harry Truman cũng từng bày tỏ ý định này hồi năm 1946 với giá 100 triệu USD. Tuy nhiên, cả 2 lời đề nghị của Mỹ đều đã bị chính phủ Đan Mạch và Greenland từ chối khiến người đứng đầu Nhà Trắng không mấy hài lòng. 

Thái độ không vui của Tổng thống Mỹ được thể hiện ngay trong việc ông thẳng thừng hủy bỏ chuyến công du tới thăm Thủ tướng Đan Mạch vốn đã được quyết định trước đó. Theo tờ Guardian (Anh), nữ Thủ tướng Mette Frederiksen phát biểu trong buổi họp báo chiều ngày 21-8 đã nhấn mạnh, bà vô cùng bất ngờ và thất vọng trước hành động trên của người đồng cấp Mỹ. Đồng thời, bà Mette Frederiksen cũng khẳng định rõ ràng quan điểm, Đan Mạch sẽ không bán lại Greenland cho Mỹ. Bà còn gọi ý tưởng mua lại Greenland của ông Trump là “điên rồ”.

Động thái của Mỹ khiến không chỉ Thủ tướng Đan Mạch mà cả những người dân nước này tức giận. Song bà Mette Frederiksen chia sẻ: “Vụ việc này sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Đan Mạch trước đó”. Bà cũng hy vọng mọi chuyện sẽ lắng xuống và ổn thỏa.