Hòn đá thần kỳ mải miết đưa bước chân người mài dao

ANTĐ - Lưỡi dao trở nên sắc ngọt chỉ qua vài đường lướt ngược, lướt xuôi trên hòn đá nhỏ. Người sơ ý thử độ bén của nó là máu tứa ra trên đầu ngón tay.

3.600 ngày với hòn đá hái tiền.

Chẳng thể phân định nghề nào cao quý, nghề nào sang hèn, miễn là kiếm ra tiền bằng mồ hôi và công sức lao động chân chính của mình. Mài dao đã có trong sách nghề chưa thì cũng chưa ai dám chắc, nhưng đối với ông Đoàn, người đã có 10 năm bách bộ mài dao ở phố cổ Hà Nội thì đó là nghề thực thụ, đã ngần ấy năm nuôi sống gia đình và 4 người con ăn học.

Bước chân và hòn đá mài dao đã đưa ông Đoàn đi khắp nơi để góp nhặt 
niềm vui trong cuộc sống

Trong cuộc sống thường nhật, biết bao lo toan phải toan tính. Bởi vậy nên cái thiết thực và gần gũi không thể thiếu trong mỗi gia đình dường như bị lãng quên, hay nói đúng hơn là chẳng ai thèm để ý đến. Nhưng cứ thử không có nó xem, ta sẽ sinh hoạt như thế nào. Chẳng thế, ông Nguyễn Văn Đoàn quê ở Hưng Yên đã coi đồng ruộng là phụ, lên Hà Nội làm mài dao là nghề kiếm sống chính. Ông thuê trọ ở bãi Phúc Tân, sáng sớm tinh mơ, người dân còn chưa thức hoặc còn đang uể oải tập thể dục buổi sáng thì ông đã quẩy đồ đi khắp phố. Với kinh nghiệm chục năm, ông Đoàn đúc kết được một điều rằng, chính những buổi sáng ấy mới là sáng kiếm tiền dễ hơn.

Người ta chưa kịp làm gì cả, thấy thợ mài dao ngang qua cửa nhà, kèm theo tiếng rao “ai mài dao đê” là gọi lại để làm sắc cái vật dụng nhỏ trong gia đình. Tại sao sáng lại đông khách hơn trưa hoặc chiều? Ông Đoàn cứ thủng thẳng mà rằng, sáng tiếng ồn ào còn chưa kịp vội vã. Người ta nghe tiếng rao rõ hơn chiều. Cứ thế, mỗi buổi sáng ông Đoàn lại bách bộ như kẻ lang thang. Như lịch của những bước chân định trước ở những lần mài góc nọ, phố kia. Ông Đoàn phân định để cho thuận lợi công việc của mình, nay Hàng Điếu, mai Hàng Bồ, rồi bờ Hồ, Tông Đản…Lịch thời gian được ông sắp xếp theo ngày mài dao trước đó. Đó là ngày ông đoán dao sắc sẽ cùn theo những buổi sinh hoạt và ông hỏi chủ nhân mỗi khi mài. 

Nghề mài dao hay nghề nào cũng vậy, cái sang hèn
thể hiện ở mỗi con người lao động chân chính

Ông Đoàn hỏi rõ mỗi khi mài dao cho khách. Dao dùng vào việc gì, và nhà thường làm gì để đoán thời gian sẽ quay lại. Kinh nghiệm lâu năm đã cho ông Đoàn một số vốn kiến thức về dao sắc, cùn và dao chặt xương phải mài ép sát đá, hay dao thái thịt phải mài mỏng dền đều… Chỉ có đơn giản thế thôi, song không phải người “ngoại đạo” nào cũng nắm bắt được. Tiếng mài dao của ông cũng trở thành “thương hiệu” sắc cùn của dao kéo ở phố cổ Hà Nội. Và từ chữ tín góp nhặt trong tháng ngày, giờ mỗi sáng ông cũng kiếm được bốn chục nghìn từ việc làm sắc cho dao, kéo.

Hòn đá “thần kỳ” làm dao sắc ngọt.

Ông Đoàn đến với nghề mài dao như câu chuyện đầy hoang đường mà có thực. Cách đây khoẳng 20 năm, khi hòn đá mài dao mà ông đang dùng, là gia đình dùng để mài dao thái thuốc lá. Khi ấy, quê hương Hưng Yên ông nhiều gia đình trồng thuốc lá. Mà dao thái thuốc không thể thiếu cho những gia đình làm nghề. Thế nhưng để có hòn đá mài ưng ý không phải dễ. “Đá mài thì có nhiều nhưng cách chọn và phải gặp may mắn mới được hòn đá mài dao vừa sắc mà lại không mất nước sắc của dao. Khi ấy hòn đá này gần như vật bất ly thân của gia đình, mài dao nhanh sắc ai nấy đều thích. Nhiều năm sau khi gia đình không trồng thuốc lá và không phải mài dao thái thuốc nữa, nên tôi bỏ ra góc vườn. Đến năm 2002, khi tôi lên Hà Nội làm nghề bán đồ lặt vặt, mang theo con dao lên để phục vụ sinh hoạt ở nơi trọ nhưng khi dao cùn tìm hỏi mãi mà không thấy ai có đá để mài. Sau đó, tôi về nhà gặt lúa và mang tìm hòn đá mài bên góc vườn mang lên Hà Nội để mài lưỡi dao cùn của tôi. Rồi tôi tính sẽ đi làm nghề mài dao cho thiên hạ…”.- ông Đoàn bộc bạch.

Âm hưởng mài dao ở góc phố có thể chẳng ai để ý,
nhưng đó chính là nhịp đập cuộc sống

Từ nhu cầu cuộc sống, ông Đoàn nảy ý và đã thành nghề như một bước ngoặt trong cuộc đời. Ông Đoàn mải mê đi khắp phố trong tiếng rao mài dao kéo vào mỗi sớm mai nhặt từng đồng tiền lẻ. Rong ruổi trên phố, ông Đoàn góp nhặt cuộc sống từ những đồng tiền mồ hôi công sức để xây hạnh phúc gia đình từ niềm vui nghề đã lựa chọn. Nghề mài dao có thể chỉ có trong suy nghĩ của ít người, nhưng ông Đoàn vẫn miệt mài để có giá trị với ông trong cuộc sống. Chỉ là góp nhặt đời thường, nhưng tiếng thép nghiến vào đá mài cũng là nhưng âm hưởng của người biết coi trọng giá trị đồng tiền công sức. “Tôi chẳng nghĩ nghề mình đang làm sang hay hèn nhưng với tôi là niềm hạnh phúc. Hạnh phúc được làm việc và hạnh phúc còn sức để kiểm tiền dù chỉ ít ỏi. Nhiều tiền mà phải toan tính, lừa lọc liệu hạnh phúc được bao lâu?”- ông Đoàn triết lý.

Cặm cụi nơi góc phố, dưới ánh đèn vàng cao áp

Trong nhịp sống bộn bề của phố cổ có cả nghìn nghề giản dị như nghề mài dao của ông già 65 tuổi. Giờ ông vẫn thế, bước chân bách bộ khắp nơi, trong năm chỉ nghỉ những ngày quê có việc bận, còn lại ông quẩy đồ nghề khắp phố phường, quận, huyện của Hà Nội. Với suy nghĩ thật giản dị, nghề sang nhất đối với ông là có được sức khỏe để lao động chân chính, dù nghề đó chẳng bao giờ có tên trong bất cứ quyển sách nghề nào, điều đó chẳng nghĩa lý gì với ông, miễn sao kiếm được đồng tiền trong sạch từ nghề bằng cách lao động chân chính.