Hòn đá thải giúp kẻ lầm đường làm lại cuộc đời

ANTĐ - Từng là công nhân mỏ thiếc, sự ảo tưởng của tuổi trẻ đã khiến anh liên tục sa chân vào “cái chết trắng”. Những tưởng cuộc đời sẽ chìm đắm dưới vực sâu của sự nghiện ngập nhưng với ý chí và quyết tâm làm lại cuộc đời, anh Phạm Đức Sơn (SN 1967), ở tại xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã vĩnh biệt được “ả phù dung” đeo bám mình gần chục năm trời. Và cũng từ chính nơi đồi hoang cỗi cằn sỏi đá đó, anh Sơn không những đã làm lại cuộc đời mà còn trở thành ân nhân cho biết bao mảnh đời nghiện ngập.

Nghiện ngập, vào tù

Sinh năm 1967, trong một gia đình nhà nông nghèo, đông anh em, vì thế Phạm Đức Sơn phải bỏ học giữa chừng để đi làm phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Năm 1988, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Sơn được tuyển vào làm công nhân mỏ thiếc ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trong quãng thời gian đi làm xa nhà, Sơn bị một số bạn xấu rủ rê, lôi kéo nên đã sa chân vào tệ nạn. Bao nhiêu tiền kiếm được, Sơn đều đem dâng hiến cho “nàng tiên nâu”. Rồi Sơn trở thành một kẻ nghiện lúc nào không hay, bị anh em bạn bè xa lánh. Chuyện Sơn mắc nghiện nhanh chóng bị cơ quan, đồng nghiệp biết nên Sơn bị buộc thôi việc. Trở về nhà, sau khi được gia đình động viên, Sơn đã cai được nghiện và lập gia đình, sinh con. Ngỡ rằng, hạnh phúc gia đình sẽ khép lại chuỗi ngày tăm tối nghiện hút, ngờ đâu những bạn nghiện một thời lại tìm đến và rủ rê, lôi kéo Sơn bỏ vợ con để quay lại với ma túy.

Sơn lao vào khói thuốc như con thiêu thân, bao nhiêu tài sản trong nhà đều tan theo làn khói thuốc. Căn nhà, tài sản duy nhất sau khi cưới vợ của hai vợ chồng đã trở nên tuềnh toàng hơn khi chẳng còn vật dụng gì đáng giá để Sơn có thể đem đi bán. Mâu thuẫn bắt đẩu nổ ra, vợ chồng Sơn thường xuyên cãi vã. Trong thâm tâm, dù biết vì bản thân mình khiến vợ con đau khổ, nheo nhóc hơn, kinh tế trong gia đình kiệt quệ nhưng sức quyến rũ của “nàng tiên nâu” quá lớn, khiến Sơn nhắm mắt và chấp nhận buông xuôi cuộc đời mình. Những ngày tháng sau đó cứ triền miên trôi qua, mê man trong khói thuốc. Rồi sau mỗi lần vật vã vì “đói” thuốc, không tiền, Sơn mới sực tỉnh ra rằng mình là một trụ cột gia đình, không thể để vợ con khốn khổ vì mình lâu hơn nữa. Lương tâm và trách nhiệm của một người đàn ông đã giúp Sơn quyết tâm cai nghiện thành công lần hai. Cai nghiện khó bao nhiêu thì tái nghiện dễ bấy nhiêu; thời đó, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nổi tiếng về tệ nạn ma túy, đến mức “con nghiện nhiều như rươi”, chúng cứ lượn lờ, mời mọc, rồi khói thuốc ở đâu đó đã làm cho Sơn thấy nhạt miệng, và thế là anh lại lao đi tìm thuốc. Điều gì đến cũng phải đến, trong lúc cùng nhóm bạn đê mê bên bàn đèn, Sơn đã bị Công an huyện Đại Từ bắt quả tang, TAND huyện xử phạt Phạm Đức Sơn 9 tháng tù giam về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Hòn đá thải cứu một cuộc đời 

Thời gian 9 tháng trong trại giam đủ để cho Sơn nghĩ lại những lỗi lầm của cuộc đời mình, và cũng trong thời gian đó, những cơn nghiện trong anh đã không còn nữa. Hôm mãn hạn tù, vợ và con anh vừa khóc, vừa cười chào đón người chồng trở về. Thân hình teo tóp của vợ và đứa con gái bé bỏng đã khắc sâu vào những suy nghĩ của anh. Sơn tự đay nghiến mình: “Đời thằng đàn ông mà không nuôi được vợ với con thì nhục lắm”. Bế con trong tay, Sơn tự hứa với mình sẽ không bao giờ dây vào thứ thuốc chết người kia nữa. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng như những gì Sơn nghĩ, quá khứ ở tù đeo bám anh ngày về. Chính vì sự kỳ thị của mọi người xung quanh khiến anh muốn kiếm một công việc chân chính để nuôi gia đình mà chẳng ai thuê. Anh Sơn nhớ lại: “Thời điểm đó, nhiều gia đình còn dặn dò con em họ rằng không được phép quan hệ với thằng Sơn, không cho gia đình nó vay mượn bất cứ thứ gì. Vậy đó, lúc ấy tôi đã nghĩ đời mình sao mà nhục nhã ê chề đến thế? Nhưng không lẽ lại buông xuôi lần nữa, không được, ở gần không ai thuê thì đi xa, chẳng nhẽ đất nước rộng lớn này không có chỗ cho mình dung thân hay sao?”… Nghĩ là làm, hôm sau Sơn sang huyện khác để xin việc. Cuối cùng, anh xin được chân phu đá với công việc chân tay của một người thợ khuân đá vào lò cho một gia đình làm nghề nung vôi. “Dù công việc thật sự vất vả, cực nhọc, mồ hôi lúc nào cũng đầm đìa, cổ họng thường trực khô nước nhưng trong lòng tôi thấy vui và thoải mái lắm. Mỗi lần xong việc trở về nhà lại được vợ động viên, con nói cười là động lực rất lớn giúp tôi có thêm nghị lực đi làm thuê để kiếm những đồng tiền sạch sẽ”, anh Sơn kể lại. 

Đến giữa năm 1998, gia đình anh Sơn được hưởng trợ cấp 400.000 đồng tái hòa nhập cộng đồng theo Nghị quyết 09 và Chỉ thị 138/CT-CP với mục đích xây dựng các mô hình tiên tiến nhằm tấn công trấn áp tội phạm và đẩy lùi tệ nạn xã hội. Với số tiền nhỏ nhưng vô cùng quý giá ấy, hai vợ chồng anh đã dùng vào việc mua khuôn và vật liệu về để đóng gạch vồ, sau đó lại bán gạch để quay vòng vốn. Với quyết tâm xây dựng cuộc sống bằng sự chân chính của mình nên chỉ trong ít năm, gia đình anh Sơn đã bắt đầu có một chút vốn liếng. Sau mỗi mẻ gạch được bán, anh chị còn để dành lại một ít gạch, cứ thế tích cóp chẳng mấy chốc số gạch đã đủ để anh chị xây dựng một ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 50m2. Năm 2003, anh Sơn mạnh dạn vay thêm 4 triệu đồng của Hội Phụ nữ xã, cộng thêm số tiền vốn tích cóp, anh bàn với vợ đắp lò nung vôi. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian đi làm thuê, cuối cùng anh Sơn đã cho ra mẻ vôi 7 tấn đầu tiên. Người trong xã thấy Sơn tu chí làm ăn đàng hoàng nên đến mua vôi ủng hộ anh. Cứ thế mẻ vào mẻ ra, anh trở thành người cung cấp vôi cho toàn xã, đời sống gia đình anh cũng vì thế mà thay đổi. 

Chỗ dựa cho những người lầm lỡ 

Năm 2008, do ăn nên làm ra nên vợ chồng anh Sơn đã mua một khu đồi hoang để giúp cho việc mở rộng quy mô sản xuất, xây mới 2 lò sản xuất khác với công suất gần 40 tấn/1 lần ra lò và tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động trong xã. Khi công việc cung cấp vôi đã đi vào ổn định, anh Sơn lại nghĩ cách làm đại lý phân phối than. Anh Sơn mua than xô về sau đó sàng lọc lấy đá để nung vôi, còn than được sàng lọc rồi thì đem bán lấy lãi. Cách làm này vừa tận dụng được nguồn đá thải mà lại tăng thêm thu nhập cho gia đình và công nhân. Khi mẻ lò đầu tiên thành công, Sơn nghĩ tới chuyện tăng công suất và thuê công nhân. Buổi đầu, chẳng ai dám làm thuê cho anh, vì ai cũng nghĩ: “Biết đâu chẳng lấy được tiền công, có khi còn bị rủ rê lôi kéo thử thuốc”. Biết là tuyển công nhân khó khăn nên anh Sơn đã tìm tới những người nghiện trước đây, giúp họ cai nghiện và giúp họ có công ăn việc làm. Anh còn liên hệ với Đoàn Thanh niên trong xã tìm giúp những người lầm lỡ nay muốn làm ăn chân chính. Để đảm bảo niềm tin cho nhân công của mình, cứ ra một mẻ vôi là anh phải thanh toán tiền ngay cho họ. Tiếng lành đồn xa, nhiều người nghe tin đã tìm đến anh Sơn xin việc làm. 

Giờ trong tay anh đã có tiền tỷ, xưởng sản xuất của anh tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập ổn định hàng triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh việc mở rộng sản xuất, Sơn còn làm Trưởng nhóm đồng đẳng với mục đích giúp đỡ những người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Hiện tại nhóm đồng đẳng của anh có hàng chục thành viên độ tuổi từ 25 đến 45. Cuối cùng, giấc mơ của anh Sơn cũng trở thành hiện thực khi anh đã cho xây dựng xong trụ sở làm việc và thành lập Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Đồng Đẳng để tạo thêm công ăn việc làm tại chỗ cho những thanh niên sau cai nghiện trở về địa phương. Một người dân xã Yên Lãng cho biết: “Đúng là trước đây, anh Phạm Đức Sơn là một trong những đối tượng nghiện nặng. Nhưng từ sau khi cai được nghiện, anh Sơn đã làm ăn lương thiện. Hiện tại, anh Sơn là Trưởng nhóm Đồng Đẳng có vai trò rất lớn trong việc  thuyết phục và động viên tinh thần và tạo công ăn việc làm cho những người trở về từ trại cai nghiện”.