Hơn 70% trẻ em nhiễm bệnh giun sán

(ANTĐ) - Mặc dù ý thức giữ gìn vệ sinh thân thể của người dân những năm gần đây đã được nâng cao, song bệnh giun sán vẫn rất phổ biến không chỉ với trẻ em mà cả người lớn.

Hơn 70% trẻ em nhiễm bệnh giun sán

(ANTĐ) - Mặc dù ý thức giữ gìn vệ sinh thân thể của người dân những năm gần đây đã được nâng cao, song bệnh giun sán vẫn rất phổ biến không chỉ với trẻ em mà cả người lớn.

Khám bệnh cho bệnh nhi tại khoa Nhi - BV Bạch Mai (Ảnh minh họa)
Khám bệnh cho bệnh nhi tại khoa Nhi - BV Bạch Mai (Ảnh minh họa)

Trẻ 2-5 tuổi nhiễm cao nhất

Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống bệnh sốt rét và giun sán do Bộ Y tế vừa tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra thực trạng đáng cảnh báo về tình trạng nhiễm giun sán ở người dân nước ta. Theo đó, tổng hợp số liệu điều tra của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng  - Côn trùng Trung ương giai đoạn 2006-2010 cho thấy, tỷ lệ nhiễm chung các bệnh giun truyền qua đất ở cộng đồng tại đồng bằng sông Hồng là hơn 58%, sau đó đến vùng Trung du và miền núi phía Bắc (khoảng hơn 65%) và thấp nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 12-14%). Trong đó, nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm cao nhất là trẻ em từ 2-5 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Cụ thể, tỷ lệ nhiễm giun truyền qua đất ở trẻ 2-5 tuổi tại Nghệ An lên đến 78%, Thanh Hóa hơn 76%... Tỷ lệ nhiễm giun truyền qua đất ở phụ nữ tuổi sinh sản ở Yên Bái cũng lên đến 76%, Sơn La 68%, Hà Nội hơn 20%.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhấn mạnh, mặc dù ý thức giữ gìn vệ sinh thân thể của người dân đã được nâng cao song bệnh giun sán truyền qua đất vẫn rất phổ biến không chỉ với trẻ em mà cả người lớn. Nguyên nhân chính là do điều kiện khí hậu nước ta rất thích hợp cho các loại ký sinh trùng đường ruột phát triển và đi vào cơ thể người thông qua thói quen ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt tại một số địa phương người dân vẫn ăn gỏi cá, thịt lợn tái, thịt bò tái, tiết canh, gan lợn tái, cua nướng và rau thủy sinh không nấu chín... Đáng lưu ý, nhiễm sán lá gan còn phổ biến ở trên 40 địa phương. Chỉ tính riêng bệnh sán dây lợn, trung bình mỗi năm viện đã tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân, trong đó 84% có tổn thương não với các triệu chứng động kinh, liệt, mù mắt, tăng áp lực nội sọ, nguy cơ tử vong cao.

Với phụ nữ trưởng thành và phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, nhiễm giun truyền qua đất rất có hại tới thời kỳ mang thai, gây thiếu máu và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi, có thể gây đẻ non, trẻ thiếu cân, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Còn với trẻ em, nhiễm giun làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, chậm lớn, học hành sa sút, sức đề kháng giảm và vì thế dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác.

Giữ gìn vệ sinh để phòng bệnh

Theo các bác sĩ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, để phòng bệnh do giun sán truyền qua đất thì biện pháp đơn giản và hiệu quả duy nhất là giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh ăn uống, nhất là đối với trẻ em. Cụ thể, mọi người dân cần duy trì thói quen rửa tay sạch trước khi ăn, cắt ngắn móng tay, lau dọn nhà cửa sạch sẽ; tập cho trẻ thói quen rửa tay chân sạch sẽ; thức ăn cho trẻ phải luôn nấu chín; nước uống phải được đun sôi để nguội. Nếu cho trẻ ăn trái cây hoặc rau sống thì phải rửa nhiều lần dưới vòi nước đang chảy...

Mặt khác, do trẻ em thường hiếu động, chơi những trò chơi tiếp xúc nhiều với đất và bụi bẩn, hay ngồi xuống đất, mút tay, ngậm các loại đồ chơi, chơi với chó, mèo trong nhà… nên các bậc phụ huynh cần chú ý hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh. Không để trẻ nằm, bò trườn dưới đất, quần áo của trẻ nên phơi ở những nơi nhiều nắng để diệt bớt trứng giun. Nên cho trẻ uống thuốc tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần. Biểu hiện chung ở trẻ bị nhiễm giun là hay đau bụng vùng quanh rốn, buồn nôn có khi nôn ra cả thức ăn nên nếu thấy trẻ có các dấu hiệu như vậy cần cho trẻ đi khám và tẩy giun để điều trị dứt điểm. Nếu trẻ đã tẩy giun rồi mà vẫn xanh xao, gầy yếu, kém ăn, thì cần đến cơ sở y tế khám để phát hiện xem trẻ còn mắc bệnh nào khác hay không và có biện pháp chữa trị kịp thời.

Duy Tiến