Hơn 50 triệu người trên toàn thế giới phải di dời nơi ở, tị nạn

ANTĐ - Vì các nguyên nhân khác nhau, năm 2013 có hơn 50 triệu người trên thế giới đã buộc phải di dời khỏi nơi ở của họ. Đây là con số thống kê cao nhất được đưa ra kể từ sau Thế chiến thứ hai được cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc đưa ra hôm 20-6.

Một nửa trong số này là trẻ em. Nhiều người trong số họ bị cuốn vào các cuộc xung đột hoặc khủng bố mà cường quốc thế giới đã không thể ngăn chặn hoặc kết thúc. "Chúng tôi đang thực sự phải đối mặt với một bước tăng nhảy vọt về số người tị nạn trên thế giới", thành viên Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Antonio Guterres cho biết trong báo cáo "Xu hướng toàn cầu" hàng năm.

So với năm trước, số lượng người phải di dời đã tăng lên thêm 6 triệu, dừng ở mức 51,2 triệu người. Trong đó bao gồm 16,7 triệu người tị nạn; 33,3 triệu người di dời trong đất nước của họ, và 1,2 triệu người tị nạn chưa được giải quyết.

Số người chạy trốn trong cuộc xung đột leo thang ở Syria chiếm phần lớn số người tị nạn trong năm 2013 của thế giới (2,5 triệu người). Gần 3 triệu người Syria đã vượt biên giới sang các quốc gia láng giềng như Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Jordan. 6,5 triệu người khác vẫn phải lánh nạn trong lãnh thổ của Syria.

"Chúng tôi cho rằng cần phải chi các khoản tiền khổng lồ nếu không kết thúc chiến tranh, ngăn ngừa xung đột. Hội đồng Bảo an đã bị tê liệt trong nhiều cuộc khủng hoảng quan trọng trên thế giới" Guterres nói. 

Các cuộc xung đột nổ ra trong năm nay tại Cộng hòa Trung Phi, Ukraine và Iraq đang khiến nhiều gia đình phải bỏ nhà cửa của họ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc di cư hàng loạt của người tị nạn Iraq.

Dân thường Afghanistan, Syria và Somali chiếm 53% của 11,7 triệu người tị nạn thuộc trách nhiệm của UNHCR. Và 5 triệu người Palestine đang được chăm sóc bởi Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA).

Hầu hết những người tị nạn đều di dời đến các nước đang phát triển, trái với ý kiến của các nhà chính trị phương Tây cho rằng các quốc gia phương Tây mới là điểm đến của dân tị nạn.

Khối EU đã hệ thống hóa lại quy định về dân tị nạn, nhưng 27 nước thành viên vẫn còn khác nhau trong cách xử lý những người di dời và tỷ lệ phê duyệt đơn xin tị nạn. Một kỷ lục là 25.300 trẻ em đã nộp đơn xin tị nạn trong 77 quốc gia trên thế giới vào năm ngoái, theo UNHCR.