Hơn 400 tỷ đồng làm đường tránh QL 1A: Vừa khai thác đã xuống cấp

ANTĐ -Bộ GTVT vừa có kết luận về kết quả thanh tra hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) QL 1A -  đường tránh TP Hà Tĩnh.

Chất lượng công trình giao thông luôn được sự quan tâm của dư luận

Ngày 9-11-2005, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng QL 1A đoạn tránh thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh) với tuyến dài hơn 16km, đường cấp III đồng bằng theo hình thức (BOT). Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao Sở GTVT Hà Tĩnh là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ đầu tư phần vốn Ngân sách Nhà nước. Thời gian xây dựng 30 tháng kể từ khi khởi công (tháng 11-2005), thời gian thu phí hoàn vốn là 19 năm 9 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận (ân hạn) là 3 năm. Tổng mức đầu tư của dự án là gần 460 tỷ đồng. Dự án đã được hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 1-2009, chậm 7 tháng so với hợp đồng. Và, đến nay, vẫn còn 2 hạng mục với trị giá gần 160 tỷ đồng chưa thi công xong do năng lực nhà thấu yếu và vướng giải phóng mặt bằng.

Trong báo cáo Thanh tra, ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định, mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt trên mặt lớp bê tông nhựa gây hư hỏng, chủ yếu là nứt vỡ mặt đường trên diện rộng và lún cục bộ trong phạm vi làn xe cơ giới, nhiều chỗ nước thấm xuống làm hỏng các lớp kết cấu áo đường; một số điểm mặt đường bị lún trồi cục bộ, xuất hiện ổ gà và một số vị trí khe co giãn trên cầu (đặc biệt khe co giãn cầu Cày bị hư hỏng nặng) gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Nguyên nhân được chỉ ra, ngoài lưu lượng xe có tải trọng lớn tăng và do ảnh hưởng của lũ lụt còn có nguyên nhân do chất lượng chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, dự án đưa vào vận hành, khai thác thu phí từ tháng 1-2009, kết quả thu năm 2009 đạt 35,561 tỷ đồng, năm 2010 đạt 39,065 tỷ đồng. Kết quả thu cao hơn phương án tài chính trong hợp đồng nhưng Công ty Hạ tầng Sông Đà chưa báo cáo về hoạt động thu phí, hoạt động duy tu, bảo dưỡng công trình. Ngoài ra, những sai sót về chất lượng bê tông, chủng loại thép, cát sỏi... cũng được chỉ ra. Ông Đức kết luận, những sai sót trong tham mưu lập dự án, lập hợp đồng, lập tổng mức đầu tư điều chỉnh, thẩm định và phê duyệt tổng dự toán và tổng dự toán điều chỉnh thuộc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan tham mưu của Bộ. Còn những sai sót trong thực hiện hợp đồng (đặc biệt trong quản lý chất lượng công trình) thuộc Tổng cục ĐBVN, Tập đoàn Sông Đà, Ban QLDA Quốc lộ 1A Hà Tĩnh... Do đó, ông Đức kiến nghị, cần làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể, đơn vị có sai sót, sai phạm trong trong quản lý và thực hiện dự án; khắc phục triệt để ngay trong quý II năm 2012 những hư hỏng, những hạng mục thi công không đạt yêu cầu, để dự án được khai thác đúng với thiết kế. Khẩn trương có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông trên đoạn tuyến đang khai thác.

Tuyến đường tránh QL 1A TP Hà Tĩnh bắt đầu từ xã Thạch Long - huyện Thạch Hà đến xã Cẩm Vịnh - huyện Cẩm Xuyên dài hơn 16km, mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi đưa vào khai thác (tháng 1-2009) đến nay, đường liên tục xuống cấp. Dù nhà thầu đã nhiều lần sửa chữa, chắp vá nhưng ổ gà, những vết rạn nứt, lớp thảm nhựa bị bong tróc ngày một nặng hơn.

Trước đó, tại cuộc họp giao ban tháng 11-2011 của ngành, Bộ trưởng  Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị, nhà thầu... phải nghiêm túc bảo đảm chất lượng công trình, khắc phục ngay những hạn chế yếu kém vừa qua, không thể để xảy ra tình trạng cầu đường vừa thông xe xong đã hỏng. Phải luôn xác định chất lượng công trình không chỉ là danh dự của các cơ quan đơn vị làm xây dựng cơ bản mà còn là danh dự của cả ngành GTVT. Tuy nhiên, cũng tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, các công trình GTVT ở địa phương thì trách nhiệm của địa phương mà đứng đầu là các Sở GTVT phải đặt hàng đầu, Bộ chỉ có trách nhiệm giám sát, nhắc nhở.