- Hoàn thành kho dữ liệu về hộ, cá nhân kinh doanh, không để thất thu thuế
- Bộ Tài chính: Các sàn thương mại lớn nhất thế giới đều nộp thay thuế cho người bán
- Tổng cục Thuế làm việc với đơn vị vận chuyển để cung cấp thông tin thương mại điện tử
Theo số liệu từ cơ quan thuế, trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2024, tổng số thu thuế của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có xu hướng tăng, với năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là 97 nghìn tỷ đồng và năm 2024 là 116 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, số thu từ hộ, cá nhân kinh doanh rất thấp: năm 2022 là 183 tỷ đồng và năm 2023 là 67 tỷ đồng, năm 2024 đạt khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng.
Tổng số thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước và nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% quy mô doanh thu thị trường thương mại điện tử. Đáng nói, tỷ trọng này đang có xu hướng giảm dần, từ 20,1% năm 2022 xuống 17,4% năm 2024.
Như vậy, có thể thấy rằng, nhiều đối tượng kinh doanh chưa thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với doanh thu từ hoạt động TMĐT.
![]() |
Hàng trăm nghìn gian hàng thương mại điện tử vẫn chưa được định danh |
Cục Thuế cho biết, hiện nay, cơ quan này đã xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về hoạt động thương mại điện tử trong nước, với hơn 500 nghìn tổ chức và cá nhân kinh doanh từ hơn 400 sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đồng thời, thông qua việc quản lý thu thuế từ cổng thông tin điện tử, Cục Thuế có dữ liệu thông tin về 120 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú có phát sinh thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, với số thu NSNN từ các đối tượng này tính đến nay là 17,8 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có 31.000 tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ quảng cáo và hơn 4.200 tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ sàn thương mại điện tử thuộc đối tượng khai thay, nộp thuế thay cho các nhà cung cấp nước ngoài.
Tuy nhiên, cơ quan Thuế cho biết, vẫn có một số lượng lớn các gian hàng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử chưa định danh được người bán. Thống kê tại 5 sàn lớn là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab thì có hơn 300 nghìn gian hàng chưa định danh được người dùng với doanh số kinh doanh trên 70 nghìn tỷ đồng.
Trên cơ sở tình hình thực tế, thực hiện Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, trình Chính phủ.
Bộ Tài chính cho biết, nghị định được ban hành giúp tăng cường hiệu quả thu ngân sách nhà nước từ các hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số và các hoạt động kinh tế số khác; tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng giữa các loại hình kinh doanh truyền thống và kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.
Đồng thời, đảm bảo các hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng TMĐT và nền tảng số thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế như các đối tượng kinh doanh khác; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trung gian, tổ chức quản lý TMĐT, nền tảng số trong việc hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện quản lý thu thuế.
Cùng với đó, tận dụng dữ liệu và công nghệ của các tổ chức quản lý sản thương mại điện tử và nền tảng số để giám sát các hoạt động giao dịch trực tuyến. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ, cá nhân kinh doanh giảm bớt thủ tục hành chính, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế dễ dàng hơn, khuyến khích sự tự nguyện tuân thủ nghĩa vụ thuế của hộ, cá nhân kinh doanh. Ngăn chặn các hình thức trốn thuế khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử và nền tảng số.
Đặc biệt, khi triển khai giải pháp quy định các sàn thương mại điện tử thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay cho cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn sẽ đảm bảo quản lý chặt chẽ, minh bạch nghĩa vụ thuế của thương nhân kinh doanh trên sàn, nhất là đối với các gian hàng chưa được định danh trên sàn thương mại điện tử.