Hơn 30% người mắc bệnh lao không điều trị

ANTĐ - Theo thống kê mới đây của Bộ Y tế, có khoảng 44% dân số nước ta đang nhiễm lao và mỗi năm lại có thêm 170.000 người nhiễm mới. Đây là bệnh lây lan rất mạnh nhưng hiện lại có đến hơn 1/3 số bệnh nhân lao không điều trị và không được quản lý tại cộng đồng.

Khám và tư vấn cho bệnh nhân lao tại BV Phổi Hà Nội


Gia tăng nhanh, lây lan mạnh

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao Quốc gia - Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, số bệnh nhân mắc lao ngoài cộng đồng đang trở thành nỗi lo khi việc phòng ngừa rất khó kiểm soát. Theo thống kê, hiện có 100.000 bệnh nhân đang trở thành nguồn lây nhiễm ngay tại cộng đồng. Số bệnh nhân này không được quản lý, không được điều trị và họ cũng chỉ đến BV khi đã trong tình trạng nặng không thể điều trị được nữa. Đó cũng là lý do số người mắc lao mới ở nước ta không ngừng tăng. Ông Sỹ chỉ ra, 2 năm trước nước ta nằm ở vị trí thứ 13 trong 22 nước có bệnh lao cao nhất toàn cầu nhưng nay tăng lên một bậc, đồng thời chúng ta cũng là một trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên thế giới.

Đáng ngại hơn là tỷ lệ lao phổi đang tăng mạnh ở nhóm trẻ tuổi và ngày càng có xu hướng trẻ hóa, từ 15-24 tuổi. Ông Sỹ lý giải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do tác động của xã hội, một phần do liên quan đến lối sống hoặc nhiễm HIV của một bộ phận thanh thiếu niên. Hiện có một lượng lớn bệnh nhân lao tìm đến dịch vụ khám ban đầu ở cơ sở y tế tư nhân và các BV ngoài hệ thống phòng chống lao, cũng có rất nhiều trường hợp người mắc lao tự chữa bằng thuốc trôi nổi ngoài thị trường nên chương trình phòng chống lao không kiểm soát được. Mặt khác, tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế trong lĩnh vực phòng chống lao cũng là một nguyên nhân khiến bệnh lao ngày càng lan rộng. Qua khảo sát, tỷ lệ bác sĩ làm việc trong lĩnh vực chống lao chỉ đạt 1,58 bác sĩ/100.000 dân, trong khi tỷ lệ chung là 12 bác sĩ/100.000 dân. Lý do là bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực này có thu nhập thấp hơn rất nhiều các lĩnh vực khác, trong khi nguy cơ lây nhiễm lại cao.

Dinh dưỡng tốt cho bệnh nhân lao phổi

Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, ngoài việc phòng và trị bệnh lao phổi theo phác đồ của Bộ Y tế thì ăn uống, bổ sung dinh dưỡng hợp lý cũng sẽ giúp quá trình điều trị có hiệu quả. Theo ông Trung, người bị bệnh lao phổi cần áp dụng bữa ăn đa dạng hoá thực phẩm; bổ sung nhiều thực phẩm chứa sắt như gan, tiết động vật, rau xanh để tránh tình trạng thiếu máu; không nên ăn quá nhiều thịt mỡ vì có thể tăng gánh nặng cho hệ hô hấp; ăn nhiều thực phẩm có chứa nhiều vitamin để làm tăng sức đề kháng của màng tế bào; tăng hàm lượng canxi và photpho trong bữa ăn để thúc đẩy quá trình phục hồi; chọn dùng những thực phẩm giàu protein để bù đắp lại sự thiếu hụt protein do sự tổn hại của các bộ máy cơ quan trong cơ thể gây nên…

Lương y Vũ Quốc Trung chỉ ra những món ăn mà người bị lao phổi nên ăn hàng ngày gồm: Mộc nhĩ trắng (ngân nhĩ) 3g, đường viên 20g, trứng bồ câu 1 quả. Trước tiên ngâm ngân nhĩ trong nước khoảng 20 phút rồi băm nhỏ, thêm khoảng 400ml nước, đun sôi rồi cho đường vào, tiếp tục đun cho nhừ. Sau đó đập trứng bồ câu vào cái bát nhỏ hấp to lửa trong khoảng 3 phút, đổ nước canh ngân nhĩ vào tiếp tục đun sôi rồi ăn. Phương pháp này thích hợp với điều trị chứng ho khan do lao phổi.

Lê trắng 1 quả, rau chân vịt và actiso mỗi loại 30g, bách bộ 12g. Rửa sạch lê trắng và xắt miếng, rau chân vịt rửa sạch và cắt khúc rồi cho vào nồi cùng với actiso và bách bộ, đổ nước vào đun sôi, đun to lửa trong vòng khoảng 40 phút là được, mỗi ngày dùng 1 hoặc 2 lần.

Gạo nếp 50g, táo đỏ 10 quả (bỏ hạt), mật ong 20ml nấu cháo ăn. Cách này phù hợp với điều trị các bệnh suy nhược mãn tính như lao phổi, thiếu máu, suy nhược thần kinh.

Trứng gà 1 quả, đập vào bát nhỏ rồi đánh đều, thêm vào đó 5g bột khoai môn, đun sôi và ăn vào buổi sáng hàng ngày, dùng liên tục. Món này thích hợp với điều trị chứng ho ra đờm có máu do lao phổi.