Hơn 28,2 triệu người mất việc làm, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập trong 3 tháng qua

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Báo cáo “Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III-2021” được Tổng cục thống kê công bố sáng nay (12-10) cho thấy sức ảnh hưởng ghê gớm của dịch bệnh, khiến hàng chục triệu người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập…
Dịch bệnh đã khiến hàng chục triệu lao động mất việc, thiếu việc làm, giảm thu nhập

Dịch bệnh đã khiến hàng chục triệu lao động mất việc, thiếu việc làm, giảm thu nhập

Báo cáo đánh giá: “ Biến thể Delta của Virus Corona đã tác động nặng nề đến thị trường lao động Việt Nam trong quý III- 2021. Đông Nam Bộ là vùng chịu tác động nghiêm trọng nhất”.

Theo đó, tính riêng trong quý III vừa qua, cả nước đã có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Hầu hết những người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến 54 tuổi, chiếm 73,3% tổng số lao động chịu ảnh hưởng.

Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12,0 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.

Theo đại diện Tổng cục thống kê, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm số người tham gia lực lượng lao động sụt giảm nghiêm trọng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây.

Đến hết quý III năm nay, tình hình bệnh dịch Covid-19 trở nên phức tạp trên cả nước khiến việc giãn cách xã hội kéo dài, hàng loạt các doanh nghiệp, dịch vụ không thiết yếu buộc phải đóng cửa làm số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều người lao động bị buộc phải rời khỏi thị trường.

Số người tham gia lực lượng lao động trong 3 tháng qua bị sụt giảm nghiêm trọng. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý là 49,1 triệu người, giảm 2 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia lực lượng lao động trong quý III làm tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý này xuống thấp nhất trong 10 năm trở lại đây với 65,6%.

Trong "cơn bão" đại dịch, Đông Nam Bộ là vùng chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất về tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động, với 62,8% (giảm 7,9 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước), tiếp theo đó là Đồng bằng sông Cửu Long với 65,4% (giảm lần lượt so với quý trước và cùng kỳ năm trước là 3,3 điểm phần trăm và 5,4 điểm phần trăm).

Trong suốt 3 tháng qua, hàng triệu người không có việc làm. Lao động phi nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng triệu lao động phải rời bỏ thị trường và về quê do mất việc.

Tổng cục Thống kê cũng cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt lao động đối với nhiều doanh nghiệp khi lao động rời bỏ thành phố.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp gia tăng. Riêng trong quý III này, tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, vượt xa con số 2% như thường thấy. Trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2021 là hơn 1,7 triệu người.

Trước thực trạng trên, Tổng cục thống kê khuyến nghị cần quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và đẩy lùi Covid-19, nhất là tại thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp; đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân;

Đồng thời, cần triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch; xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Tổng cục thống kê cũng khuyến nghị, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động, các kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát bệnh dịch của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất.