Hơn 25.000 cây xanh Hà Nội được cắt, tỉa để hạn chế gãy đổ khi mưa bão

ANTD.VN - Được cắt tỉa hàng năm, nhưng tình trạng cây xanh bị gãy, đổ vào người, phương tiện trên đường vẫn xảy ra. Tuy vậy, những trường hợp như thế này được xem là trường hợp bất khả kháng.

Không mưa gió cây cũng tự đổ

Giữa tháng 6 vừa qua, một cây phượng trồng trên vỉa hè phố Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã bất ngờ đổ gãy xuống đường làm 5 người bị thương, nhiều xe máy hư hỏng.

Khoảng 17h45 chiều 14-6, một cây phượng cổ thụ nằm trong một công trình đang xây dựng tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Quán Sứ đã bất ngờ bị bật rễ, đổ xuống lòng đường rồi đè trúng 2 chiếc xe máy đang lưu thông trên phố Quán Sứ. Đáng nói, tại thời điểm cây phượng bật gốc, gãy đổ, trời không có mưa hay gió lớn.

Cây phượng vĩ trên phố Tô Hiến Thành đổ đè bẹp xe Lexus vào ngày 4-6 vừa qua

Vụ việc đã khiến 5 người bị thương. Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho hay, cây phượng cổ thụ bị đổ xuống đường trên nằm trong khuôn viên nhà 82 Trần Hưng Đạo (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trước đó, vào 14h chiều 4-6, chiếc ô tô hiệu Lexus ES300H đang đỗ ven đường Tô Hiến Thành (phường Lê Đại Hành, Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì bất ngờ bị một cây phượng lớn đổ đè lên. Sự việc xảy ra khiến chiếc ô tô hiệu Lexus bị bẹp dúm.

Một số nhân chứng tại hiện trường cho biết, nguyên nhân dẫn tới sự việc là do cơn gió mạnh khiến cây phượng đột nhiên đổ gãy rồi đè lên chiếc Lexus. Rất may thời điểm xảy ra sự việc không có ai ở trong xe.

Đây là 2 trong rất nhiều vụ việc liên quan đến cây xanh gãy đổ trên các tuyến phố Hà Nội thời gian qua.

Lý do khách quan, người dân chịu thiệt

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MVT Công viên Cây xanh Hà Nội chia sẻ, trước đây, công ty luôn có kế hoạch cắt tỉa cây xanh trên các tuyến phố để hạn chế tình trạng cây gãy, đổ khi vào mùa mưa bão.

Công ty TNHH MVT Công viên Cây xanh đã cắt tỉa được 25.000 cây xanh từ đầu năm tới nay

Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, khi được UBND TP Hà Nội trang bị cho Công ty 12 xe nâng để thực hiện cắt tỉa cây thì công việc này được tiến hành thường xuyên trong năm, không phân biệt trước mùa mưa bão hay mùa nào. Từ đầu năm đến nay, riêng Công ty đã cắt tỉa được khoảng 25.000 cây xanh, chặt hạ 300 cây chết, sâu mục trên khoảng 200 tuyến phố thuộc địa bàn Hà Nội.

“Hiện nay, Công ty được trang bị 15 xe nâng cắt tỉa cây với các độ cao khác nhau, đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc, cắt tỉa cây mà Công ty được giao quản lý, đảm nhiệm”, ông Mạnh bày tỏ. Ngoài ra, các trường hợp kiến nghị của người dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố liên quan đến cây xanh sâu mục, cong nghiêng mất an toàn đều được Công ty xử lý kịp thời.

Theo lãnh đạo Công ty Cây xanh, trọng tâm là cắt tỉa cây xà cừ, muồng, phượng, các cây có đường kính và chiều cao lớn. Trong đó, cây nặng tán, những cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán, cây có cành vươn để không gây nguy hiểm cho người dân.

Hơn nữa, trước khi cắt, tỉa cành cây tại mỗi tuyến phố, đơn vị đã cân nhắc kỹ về vị trí cắt, tỉa; tỷ lệ cành trên cây bị cắt; độ cao của ngọn... nhằm bảo đảm việc cắt tỉa cành cây không ảnh hưởng đến việc sinh trưởng và mỹ quan.

“Để việc cắt tỉa cây xanh đảm bảo mỹ quan, hạn chế gãy đổ, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Công ty nghiên cứu ứng dụng công nghệ 3D trong việc cắt, tỉa. Mặt khác, phải nghiên cứu hướng gió, hướng ánh sáng để cắt, tỉa cây xanh một cách hợp lý, nhằm hạn chế cây cong, nghiêng; phấn đấu giảm số cây đổ trên đường phố trong mùa mưa bão, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân”, ông Mạnh chia sẻ.

“Hàng năm, Công ty đều định kỳ cắt tỉa cây, không chỉ đối với những cây lớn, che khuất tầm nhìn giao thông mà còn những cây cong, nghiêng, sâu, mục cũng được cắt tỉa hoặc thay thế để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, cây sâu mục thường sâu từ trong ra, nên cũng rất khó nhận biết để có thể thay thế 100% số cây này", ông Mạnh cho hay.

Chuyên gia về cây xanh Nguyễn Lân Hùng phân tích, hệ thống rễ cây xanh trên địa bàn Hà Nội khá nông do bị cắt, tỉa trong các lần thi công đào đường, xén hè nên rất dễ gãy, đổ khi có mưa, gió lớn, thậm chí là tự gãy đổ mà không có mưa, gió do bộ rễ quá nông.

Liên quan đến các trường hợp cây gãy đổ do bất khả kháng gây thiệt hại về người và tài sản, ông Mạnh cho rằng, cây gãy, đổ vì lý do khách quan, nên trong những trường hợp này, người dân không được bồi thường.